Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bệnh bạch hầu
Phiên bản vào lúc 15:48, ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Bệnh bạch hầu''' là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn bạch hầu gây ra, thường liên quan đến mũi, họng và đư…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn bạch hầu gây ra, thường liên quan đến mũi, họng và đường thở, nhưng bệnh cũng có thể xuất hiện ở da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh có khả năng gây tử vong, chủ yếu ở trẻ em với thể bệnh nặng (tỷ lệ tử vong khoảng 5%-10%). Đặc điểm nổi bật của bệnh là sự hình thành của một lớp giả mạc màu trắng ngà hoặc xám bao phủ amidan và phần trên của họng, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu.

Dịch tễ học[sửa]

Trước năm 1920 khi độc tố bạch hầu chưa được biết đến thì bệnh bạch hầu là thủ phạm gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em, với 200.000 trường hợp được báo cáo hàng năm ở Hoa Kỳ. Năm 1923, vắc xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới. Trong thế kỷ XXI, bệnh bạch hầu rất hiếm và lẻ tẻ ở các nước phát triển do được tiêm chủng rộng rãi. Tại các quốc gia không có tiêm chủng định kỳ chống lại bệnh bạch hầu, các đợt bùng phát định kỳ xảy ra.

Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000. Năm 2020, xảy ra vụ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên (trong đó có 3 ca tử vong-tính đến 8/7/2020) mà nguyên nhân là độ bao phủ của chương trình tiêm chủng chưa cao tại các khu vực này.

Giống như nhiều bệnh đường hô hấp trên khác, bệnh bạch hầu dễ xảy ra nhất trong những tháng thời tiết lạnh. Những người chưa được chủng ngừa có thể mắc bệnh bạch hầu ở mọi lứa tuổi; tỷ lệ tử vong cao nhất ở những người dưới 5 tuổi hoặc trên 40 tuổi.

Bệnh bạch hầu lây lan chủ yếu qua đường giọt bắn tạo ra khi người bị bệnh/người mang mầm bệnh không triệu chứng ho hoặc hắt hơi. Người bệnh có thể đào thải vi khuẩn ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Thời gian ủ bệnh từ hai đến bảy ngày, trung bình là ba ngày. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh bạch hầu bao gồm:

- Không được tiêm chủng, điều kiện sống thiếu thốn, môi trường sống không hợp vệ sinh

- Hệ thống miễn dịch bị tổn thương

- Sống/ đi qua vùng dịch bạch hầu đang lưu hành

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu gây ra bởi độc tố của trực khuẩn bạch hầu: Corynebacterium diphtheriae (tiếng Hy Lạp có nghĩa là “màng cao su”). Người bệnh có biểu hiện viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Xuất hiện lớp giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh chỗ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị sưng đỏ. Ca bệnh được xác định khi kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính.

Các biến chứng nghiêm trọng nhất do ngoại độc tố gây ra là viêm cơ tim và tổn thương hệ thần kinh. Viêm cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim và suy tim. Các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh có thể bao gồm rối loạn thị giác, đau hoặc khó nuốt và nói lắp hoặc mất giọng. Đây là dấu hiệu cho thấy tác động của ngoại độc tố lên các chức năng thần kinh. Ngoại độc tố cũng có thể gây sưng tấy nghiêm trọng ở cổ (“cổ bò”). Nguy cơ xuất hiện các biến chứng này:

- Kéo dài thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi sử dụng thuốc kháng độc tố

- Tăng kích thước giả mạc

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu thay đổi tùy theo vị trí nhiễm trùng

Mũi[sửa]

Bệnh bạch hầu gây ra sổ mũi, chảy nước mũi hoặc chảy máu. Khi khám, có thể có một màng trắng/xám ở vách ngăn mũi. Bệnh bạch hầu mũi ít gây ra biến chứng, nhưng lây lan nhanh hơn các dạng khác của bệnh bạch hầu.

Hầu họng[sửa]

Hầu họng là một phần họng nối miệng, mũi với thanh quản. Đây là dạng bạch cầu phổ biến nhất với đặc trưng là giả mạc màu xám ở họng. Giả mạc dễ bị chảy máu nếu bị cạo hoặc cắt. Điều quan trọng là không cố gắng loại bỏ lớp giả mạc vì khi ngoại độc tố giải phóng ra, cơ thể có thể hấp thụ. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của bệnh bạch hầu bao gồm đau họng nhẹ, sốt (38,3-38,9°C), mạch nhanh và suy nhược cơ thể.

Thanh quản[sửa]

Bạch hầu ở thanh quản là dạng có các biến chứng nghiêm trọng nhất. Sốt thường cao hơn ở dạng bệnh bạch hầu các dạng khác 39,4-40°C và bệnh nhân rất yếu. Ngoài ra, bệnh nhân ho dữ dội, khó thở hoặc mất giọng hoàn toàn. Sự phát triển của "cổ bò" cho thấy nồng độ ngoại độc tố trong máu tăng cao. Tắc nghẽn đường thở có thể dẫn đến khó thở, suy hô hấp và tử vong.

Da[sửa]

Dạng bệnh bạch hầu này chiếm khoảng 33% các trường hợp bệnh bạch hầu. Thường gặp ở những người có vệ sinh kém, và phổ biến hơn ở vùng khí hậu nhiệt đới. Bất kỳ vết nứt nào trên da đều có thể bị nhiễm bệnh bạch hầu. Mô bị nhiễm bệnh phát triển thành một vùng bị loét và màng bạch hầu có thể hình thành trên vết thương nhưng không phải lúc nào cũng có. Vết thương hoặc vết loét chậm lành và giảm/ mất cảm giác.

Chẩn đoán[sửa]

Bệnh bạch hầu phải được điều trị càng nhanh càng tốt, do đó bệnh có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà không cần kết quả xét nghiệm.

Khám lâm sàng[sửa]

Cần khám mắt, tai, mũi và họng của bệnh nhân để loại trừ các bệnh khác có thể gây sốt và đau họng, chẳng hạn như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, nhiễm trùng xoang hoặc viêm họng do liên cầu. Triệu chứng đơn lẻ quan trọng nhất gợi ý bệnh bạch hầu là giả mạc. Khi bệnh nhân bị nhiễm trùng da trong đợt bùng phát bệnh bạch hầu, bác sĩ sẽ xem xét khả năng mắc bệnh bạch hầu ở da và lấy mẫu để xác định chẩn đoán.

Xét nghiệm[sửa]

Thường chỉ dùng phương pháp soi kính hiển vi hoặc có thể nuôi cấy vi khuẩn bạch hầu trên môi trường đặc hiệu nhưng chậm có kết quả. Ít khi dùng phương pháp tìm kháng thể trong máu bệnh nhân.

Điều trị[sửa]

Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm cần được điều trị tại phòng hồi sức nếu bệnh nhân đã xuất hiện các triệu chứng về hô hấp. Điều trị bao gồm sự kết hợp giữa thuốc và các biện pháp chăm sóc hỗ trợ.

Kháng độc tố bạch hầu[sửa]

Tiêm kháng độc tố bạch hầu là bước đầu tiên, quan trọng và tiến hành ngay lập tức, không cần đợi kết quả xét nghiệm. Do kháng độc tố bạch hầu được làm từ huyết thanh ngựa nên trước khi sử dụng kháng động độc tố, bác sĩ phải kiểm tra độ nhạy cảm của bệnh nhân với huyết thanh động vật. Những bệnh nhân nhạy cảm (khoảng 10%) phải được giải mẫn cảm bằng kháng độc tố pha loãng, vì kháng độc tố bạch hầu là chất đặc hiệu duy nhất sẽ cùng tác dụng với ngoại độc tố của bệnh bạch hầu.

Liều lượng thuốc kháng độc tố bạch hầu dao động từ 20.000-100.000 đơn vị, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian xuất hiện các triệu chứng trước khi điều trị. Thuốc kháng độc tố bạch hầu thường được tiêm tĩnh mạch.

Thuốc kháng sinh[sửa]

Thuốc kháng sinh được dùng để tiêu diệt vi khuẩn, ngăn chặn sự lây lan của bệnh và dự phòng viêm phổi. Chúng không thể thay thế cho việc điều trị bằng thuốc kháng độc tố. Cả người lớn và trẻ em đều có thể được dùng penicillin, ampicillin hoặc erythromycin. Erythromycin tỏ ra có hiệu quả hơn penicilin trong việc điều trị những người mang mầm bệnh vì khả năng xâm nhập vào vùng bị nhiễm tốt hơn.

Bệnh bạch hầu ở da thường được điều trị bằng cách rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước và dùng kháng sinh trong 10 ngày.

Chăm sóc hỗ trợ[sửa]

Bệnh nhân bạch hầu cần được nghỉ ngơi tại giường và chăm sóc tích cực, bao gồm bù dịch, thở oxy và theo dõi các vấn đề về tim mạch, tắc nghẽn đường thở hoặc hệ thần kinh có thể xảy ra. Bệnh nhân bạch hầu thanh quản được nằm ở phòng có độ ẩm cao, hút đờm ở họng hoặc phẫu thuật khẩn cấp nếu đường thở bị tắc nghẽn. Bệnh nhân sau điều trị bạch hầu nên nghỉ ngơi ở nhà ít nhất từ hai đến ba tuần, đặc biệt các bệnh nhân có biến chứng tim. Ngoài ra, bệnh nhân nên được chủng ngừa bệnh bạch hầu sau khi hồi phục, để dự phòng tái nhiễm.

Phòng ngừa các biến chứng[sửa]

Bệnh nhân bạch hầu phát triển thành viêm cơ tim có thể được điều trị bằng oxy và thuốc để làm giảm nhịp tim hoặc cấy máy tạo nhịp tim nhân tạo. Bệnh nhân khó nuốt có thể được cho ăn qua ống thông dạ dày bằng đường mũi. Những bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp cần dùng máy thở.

Tiêm chủng[sửa]

Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu. Tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng. Sau 12 tuổi, một mũi tiêm nhắc lại được khuyến cáo. Người lớn nên được tiêm chủng định kỳ 10 năm với độc tố Td (uốn ván-bạch hầu). Đây là độc tố của vi khuẩn được xử lý trở thành vô hại nhưng vẫn có thể tạo ra khả năng miễn dịch đối với bệnh.

Tiên lượng[sửa]

Tiên lượng phụ thuộc vào kích thước và vị trí của màng và điều trị sớm bằng kháng độc tố. Bệnh càng để lâu thì tỷ lệ tử vong càng cao. Những bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và những người có biến chứng viêm phổi hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong thường dao động từ 5-10% và có thể lên tới 20% ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Bệnh bạch hầu ở da và mũi hiếm khi gây tử vong.

Xác định và xử lý các trường hợp nghi ngờ[sửa]

Vì bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và có thời gian ủ bệnh ngắn, nên các thành viên trong gia đình và những người tiếp xúc khác của bệnh nhân bạch hầu phải được theo dõi các triệu chứng xét nghiệm để biết họ có phải là người mang mầm bệnh hay không. Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất kịp thời.

Báo cáo các trường hợp cho cơ quan y tế công cộng[sửa]

Báo cáo là cần thiết để theo dõi các dịch tễ tiềm ẩn, để giúp các bác sĩ xác định chủng bệnh bạch hầu cụ thể và để xem liệu tình trạng kháng penicilin hoặc erythromycin có phát triển hay không.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu, Hà Nội 2020.
  2. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, “Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống”, cập nhật ngày 25/06/2020: https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/benh-bach-hau-va-cac-bien-phap-phong-chong.
  3. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, “Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên dập dịch bạch hầu”, cập nhật ngày 22/07/2020: https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/bo-y-te-ho-tro-cac-tinh-tay-nguyen-dap-dich-bach-hau.
  4. Chương trình tiêm chủng mở rộng, “Những điều cần biết về bệnh bạch hầu”, http://www.tiemchungmorong.vn/vi/content/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-bach-hau.html.
  5. Bùi Đại. Bệnh học truyền nhiễm. Nhà xuất bản y học, 2005.