Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bạch thược
Phiên bản vào lúc 15:25, ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Bạch thược''' (hay ''Vị thược dược'') là rễ đã cạo bỏ lớp bần và phơi sấy khô của cây Thược Dược - Paeo…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Bạch thược (hay Vị thược dược) là rễ đã cạo bỏ lớp bần và phơi sấy khô của cây Thược Dược - Paeonia lactiflora Pall – họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

Tên gọi khác: Mẫu đơn trắng, Kim thược dược, Cẩm túc căn, Tiêu bạch thược, Thược dược…

Tập tin:Cây Bạch thược, rễ bạch thược.png
Cây Bạch thược, rễ bạch thược

Mô tả[sửa]

Bạch thược là một loại câu thân thảo sống lâu năm có chiều cao trung bình ở vào khoảng 50 – 80cm. Cây mọc thành từng khóm với phần thân nhẵn hoặc có nếp nhăn dọc, thẳng đứng.

Lá mọc so le nhau có cuống dài và chia thành 3 – 7 thùy hình mác thuôn hay hình trứng. Chiều dài lá khoảng 8 – 12cm, rộng khoảng 2 – 4cm với phần đầu nhọn. Hoa có nhiều cánh màu trắng với phần nhị vàng và mọc to riêng lẻ ở ngọn thân. Mỗi hoa có tới vài chục hạt nhưng nhiều hạt lép. Mùa hoa ở vào khoảng từ tháng 5 – 7, còn mùa quả khoảng tháng 8 – 9. Qủa gồm 3 – 5 lá noãn. Bạch thược không những là câu thuốc quý mà là cây kiểng đẹp.

Cây có nhiều rễ to, mập, rễ cái có thể dài tới 30cm với đường kính khoảng 1 – 3cm. Rễ cây có màu nâu với phần mặt cắt màu vàng trắng hay hồng nhạt. Rễ phình thành củ.

Cây có nguồn gốc Trung Quốc, còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là mẫu đơn trắng. Cây được nhập vào trồng ở Sapa (Lào Cai) giữa những năm 70. Tuy nhiên, nguồn dược liệu dùng trong nước hiện vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc là chủ yếu.

Bộ phận dùng[sửa]

Rễ củ, dài 10-15cm, đường kính 1-2cm, ruột trắng hồng, ít xơ.

Thời điểm thu hái rơi vào khoảng từ tháng 8 – tháng 10 hằng năm ở những cây có tuổi thọ ít nhất 4 năm. Sau khi đào rễ sẽ đem giũ sạch đất cát, cắt bỏ rễ phụ và rễ con. Tiến đến tiến hành phơi khô. Có thể tẩm giấm hay tẩm rượu để sao qua.

Cách bào chế của Tứ xuyên: Dùng một nồi hoặc chảo to, đổ nước đã đun sôi vào, bỏ rễ Bạch thược vào cho ngập hết Rễ, không được cho rễ vào quá nhiều, nước không đủ ngập. Sau đó loại rễ to đun khoảng 10-15 phút, nếu đun quá lâu sau này cạo bỏ vỏ sẽ hao phí nhiều, nhưng nếu đun rễ chưa chín lượng dược liệu giảm. Thường người ta xác định độ chín khi luộc bằng cách khi chưa luộc có mùi tanh của đất, vị đắng nhưng khi chín có mùi thơm, bớt đắng. Có thể dùng móng tay bấm được là chín. Luộc xong vớt ra ngay cho vào nước nguội để khỏi chín quá, sau dễ bóc vỏ.Cạo vỏ bằng cách dùng thanh tre cật vót cạo hết lớp vỏ ngoài cho đến lớp vỏ trắng. Khi cạo vỏ phát hiện có những chỗ sâu bệnh cần gọt vỏ, và phải cạo nhẹ tay để lớp vỏ bỏ đi không bị hao hụt nhiều. Cạo vỏ xong, cắt bỏ đầu đuôi, cắt thành khúc dài 10-13cm rồi xếp thẳng đem phơi (Trung Dược Đại Từ Điển)

Để giữ dược liệu được lâu cần đem sấy lưu huỳnh rồi bảo quản ở nơi khô ráo, tránh độ ẩm cao.

Bạch thược rễ khô hình viên chùy dài 15-20cm, thô 1,2-2cm, mặt ngoài có nứt dọc rõ ràng, màu nâu hoặc xám nâu nhạt, thường thường có thể nhìn thấy gốc tích rễ phụ chất cứng khó bẻ gẫy mặt cắt màu xám trắng rất mịn, vùng chất mọc tách rời thành khe nứt hơi có mùi thơm. Thường dừng thứ lớn bằng đầu ngón tay hay đầu ngón chân cái, thịt trắng hồng ít sơ. Thứ nhỏ, lõi màu đen sẫm là xấu.

Thành phần hóa học[sửa]

Trong củ có Paeoniflorin, Paeonol, Paeonin, Trierpenoids, Sistosterol, Oxypaeoniflorin, Benzoylpaeonilorin, Canxi oxalate, Paeoniflorigenone, Albilorin, Galloylpaeoniflorin. Ngoài ra còn có tinh bột, tanin, một ít tinh dầu, acid benzoic, nhựa và chất béo, chất nhầy.

Tác dụng và công dụng[sửa]

Theo Y học cổ truyền, Bạch thược có vị đắng, chua, hơi hàn, quy kinh tỳ, can, phế. Có tác dụng: bổ huyết, dưỡng âm, thư cân, bình can, chỉ thống. Chủ trị: huyết hư, da xanh xao, đau sườn ngực, mồ hôi trộm, kinh nguyệt không đều, âm hư phát sốt, chóng mặt, đau đầu, chân tay co rút, đau bụng do can khắc tỳ. Liều dùng: 8-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác.

Kiêng kỵ[sửa]

Đầy bụng không nên dùng. Không dùng cùng với Lê lô.

Theo y học hiện đại[sửa]

Thành phần Glucozit trong dược liệu có tác dụng an thần và giảm đau nhờ vào khả năng ức chế trung khu thần kinh. Đồng thời có còn giúp chống hình thành huyết khối, tăng lưu lượng máu dinh dưỡng cơ tim, hạ men transaminaza và bảo vệ gan.

Nước sắc từ bạch thược có tác dụng ức chế cơ trơn của dạ dày, ruột, tử cung. Cùng với đó còn có thể ức chế tiết dịch vị nhằm ngăn ngừa viêm loét. Dược liệu có tác dụng giãn mạch máu ngoại vi và hạ áp nhẹ nhờ cơ chế chống co thắt cơ trơn mạch máu.

Nước sắc từ dược liệu còn được cho là có thể ức chế tụ khuẩn vàng, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn mủ xanh, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ thương hàn cùng các loại nấm ngoài da.

Ngoài ra, một số thành phần trong dược liệu còn được ghi nhận là có tác dụng lợi tiểu, cầm mồ hôi tốt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Y tế. Dược điển Việt Nam V. tập II, NXB Y học, 2017, trang 1076.
  2. Đỗ Huy Bích và cộng sự. Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – NXB Khoa học và kỹ thuật, 2004, trang 158.
  3. Võ Văn Chí. Từ điển cây thuốc Việt Nam. NXB Y học, 2012, tập I, trang 107.
  4. Từ điển Bách Khoa dược học. NXB Từ điển Bách Khoa, 1999, Trang 60.
  5. Dong-Yi He, Sheng-Ming Dai : Anti-Inflammatory and Immunomodulatory Effects ofPaeonia Lactiflora Pall., a Traditional Chinese Herbal Medicine. Front Pharmacol 2011 Feb 25 doi: 10.3389/fphar.2011.00010 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3108611/