Xử phạt vi phạm hành chính về môi trường là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng chưa phải là tội phạm về môi trường.
Các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người đều bị xử phạt, một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền chứng minh mình không vi phạm hành chính; đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về môi trường bao gồm cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức theo quy định hiện hành. Các hình thức xử phạt bổ sung gồm tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các loại giấy phép về môi trường hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Ngoài các hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường còn có thể bị bắt buộc thực hiện một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm khôi phục lại môi trường, phục hồi sinh cảnh ban đầu, thu hồi nguồn gen từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật; tháo dỡ hoặc di dời cây trồng, công trình xây dựng trái quy định về bảo vệ môi trường; thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả; tái xuất hàng hóa, máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu trái quy định; tiêu hủy hàng hóa, máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu trái quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường; tiêu hủy loài sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền chưa có giấy phép; cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về hiện trạng môi trường; thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ theo quy định; thu hồi kết quả phát sinh từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính về môi trường; thực hiện các biện pháp quản lý chất thải, tiếng ồn và độ rung; xây lắp công trình bảo vệ môi trường; vận hành đúng quy trình; di dời ra khỏi khu vực cấm; thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn về bảo vệ môi trường đối với khu dân cư; truy thu số phí bảo vệ môi trường nộp thiếu, trốn nộp; bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm gây ra; di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường; di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch; rà soát, cải tạo công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục; lập kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường; tháo dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
Ở Việt Nam hiện nay, môi trường đang tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái. Một trong những nguyên nhân chính là do việc thực thi pháp luật còn yếu kém, còn nhiều vi phạm xảy ra. Một số vụ việc gây ô nhiễm, suy thoái môi trường điển hình thời gian qua như vụ Công ty Vedan xả nước thải gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải năm 2008, vụ Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trưởng biển 4 tỉnh miền Trung năm 2016, các vụ phá rừng, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch ở Sơn Trà (Đà Nẵng), Ba Vì (Hà Nội), Bình Thuận... Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2012-2019, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4.803 cơ sở, trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.532 cơ sở với tổng số tiền 399,417 tỷ đồng. Trong năm 2020, toàn ngành đã phát hiện và xử lý gần 12.000 vụ vi phạm quy định pháp luật về môi trường, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76,28 tỷ đồng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo tổng kết công tác năm 2020.
- Chính phủ Việt Nam, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, 2016.
- Chính phủ Việt Nam, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, 2021.
- Quốc hội Việt Nam, Luật xử phạt vi phạm hành chính, 2015.