Môi trường và hành vi xã hội là những phản ánh quan hệ giữa con người với môi trường và được xem xét qua nhiều mô hình khác nhau. Mô hình sơ khai ban đầu nhấn mạnh rằng việc tuyên truyền, giáo dục công chúng về các vấn đề môi trường sẽ thay đổi được hành vi của họ đối với môi trường. Mô hình thứ hai là mô hình thay đổi hành vi, cho rằng khi người ta được nâng cao kiến thức về các vấn đề môi trường thì họ sẽ có nhận thức, thái độ tốt hơn đối với môi trường. Từ đó, họ sẽ đưa ra hành vi có trách nhiệm đối với môi trường. Thứ ba là mô hình hành vi có trách nhiệm đối với môi trường. Mô hình này cho rằng có nhiều yếu tố và các yếu tố này tương tác góp phần tạo nên hành vi có trách nhiệm đối với môi trường bao gồm kiến thức, sự kiểm soát nội tâm, thái độ, trách nhiệm cá nhân. Các yếu tố này góp phần hình thành nên dự định đưa ra hành động. Từ đó, người ta sẽ đưa ra hành động có trách nhiệm đối với môi trường. Thứ tư là mô hình hành vi duy lý, cho rằng niềm tin, chuẩn mực chủ quan và các yếu tố khác chẳng hạn trải nhiệm cá nhân hay những yếu tố liên quan đến đặc điểm nhân khẩu học sẽ hình thành nên thái độ đối với môi trường, thái độ đối với môi trường sẽ dẫn đến dự định hành động, từ dự định các hành vi sẽ được thực hiện. Thứ năm là mô hình tương tác giữa con người và môi trường, mô tả bốn loại tương tác giữa con người và môi trường.
Loại tương tác thứ nhất: con người khai thác tài nguyên, năng lượng, lương thực từ môi trường thông qua các hoạt động kinh tế. Quá trình này làm suy kiệt các nguồn tài nguyên và suy thoái các hệ sinh thái mà con người tiếp tục khai thác. Loại tương tác thứ hai: thông qua các hoạt động sản xuất công nghiệp, con người chuyển đổi tài nguyên thành các sản phẩm và dịch vụ. Những sản phẩm, dịch vụ này được phân phối, sử dụng, thải loại và từ đó gây ra ô nhiễm môi trường. Loại tương tác thứ ba các hệ sinh thái của Trái đất cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu cho con người từ cung cấp oxy, chuyển hóa rác thải làm màu mỡ đất đến duy trì sự đa dạng sinh học. Khi hoạt động con người phát triển và làm suy thoái các hệ sinh thái thì sẽ làm giảm khả năng của môi trường trong việc cung cấp những hỗ trợ thiết yếu đó. Loại tương tác thứ tư là tác động của môi trường lên sức khỏe, hạnh phúc, sự thịnh vượng của con người. Chẳng hạn như ô nhiễm không khí, rác thải, thực phẩm độc hại ảnh hưởng trực tiếp đối với con người. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, môi trường và hành vi xã hội có thể được nhìn nhận qua nhiều cách tiếp cận khác nhau. Các cách tiếp cận phản ánh những bình diện nhất định của mối quan hệ giữa môi trường và hành vi xã hội.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bamberg S., Ree J., Environmental Attitudes and Behavior: Measurement. International Encyclopedia of the Social & Behavioral Sciences, 2nd edition, 7: 699-705, 2015.
- Hammond A., Adriaanse A., Rodenburg E., Bryant D., Woodward R., Environmental Indicators: A Systematic Approach to Measuring and Reporting on Environmental Policy Performance in the Context of Sustainable Development, World Resources Institute, 1995
- Hines J. M., Hungerford H. R., Tomera A. N., Analysis and Synthesis of Research on Responsible Environmental Behavior: A Meta-Analysis, J. Environ. Edu. 18(2): 1-8, 1987.
- Hungerford H. R., Volk T. L., Changing Learner Behavior Through Environmental Education, J. Environ. Edu., 21(3): 8-21, 1990.
- Schifter D. E., Ajzen I., Intention, perceived control, and weight loss: An application of the theory of planned behavior, J. Person. Soc. Psychol., 49(3): 843-51, 1985.