Sự nhiễm độc là tình trạng hay quá trình mà một sinh vật sống hấp thu chất độc và bị tổn thương về tâm thần cũng như thể chất dẫn đến các rối loạn về mức độ nhận thức, hành vi, các chức năng phản ứng sinh lý trong cơ thể. Khi nói đến sự nhiễm độc, người ta thường nói đến một số dạng nhiễm độc thường xuyên gặp đối với con người như nhiễm độc rượu, nhiễm độc thực phẩm, nhiễm độc dược phẩm, hóa chất và nhiễm độc ứ nước.
Phụ thuộc vào thời gian phơi nhiễm với độc chất và liều lượng mà người ta chia sự nhiễm độc thành hai dạng sau:
- Một là, nhiễm độc cấp tính xảy ra khi quá trình phơi nhiễm độc chất chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (dưới 24h) hoặc tiếp xúc một lần. Các triệu chứng của nhiễm độc cấp tính xuất hiện có liên quan mật thiết với nồng độ độc chất và mức độ phơi nhiễm, nhưng thường là sự nhiễm thoảng qua và tổn thương có xu hướng giảm dần theo thời gian và cuối cùng có thể hoàn toàn biến mất nếu như không tiếp tục phơi nhiễm thêm với độc chất đó. Do đó, sự phục hồi sẽ hoàn tất, ngoại trừ trường hợp xảy ra các tổn thương toàn diện hoặc xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng khác.
- Hai là, nhiễm độc mạn tính xảy ra khi quá trình phơi nhiễm độc chất diễn ra trong một thời gian dài và liên tục. Các triệu chứng của nhiễm độc mạn tính không xảy ra lập tức ngay sau khi phơi nhiễm mà diễn ra sau một thời gian dài tiềm ẩn, dễ gặp đối với các phơi nhiễm liên quan nghề nghiệp hoặc các độc chất tích lũy sinh học. Hậu quả của sự nhiễm độc mạn tính thường nặng hơn và khó được phục hồi hoàn toàn.
Có thể liệt kê vài dạng nhiễm độc như nhiễm độc rượu khi tăng liều lượng có thể dẫn đến nhiễm độc, trong cơ thể sinh vật sẽ diễn ra các phản ứng qua nhiều giai đoạn khác nhau từ hưng phấn, kích động, lúng túng, sững sờ, cuối cùng có thể dẫn đến bất tỉnh, thậm chí là tử vong; nhiễm độc thực phẩm hay dược phẩm, hóa chất xảy ra qua đường tiêu hóa khi con người ăn uống, có thể là do chủ động hoặc thụ động khi tác nhân gây độc có thể là hóa chất, dược phẩm, độc chất có nguồn gốc từ thực vật, động vật, vi khuẩn, vi nấm, vi rút, kí sinh trùng,... sự nhiễm độc qua con đường tiêu hóa có thể có tác dụng tại chỗ hoặc toàn bộ cơ thể, có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính, có thể để lại nhiều tác hại cho cơ thể sinh vật; nhiễm độc nước xảy ra khi đưa vào cơ thể lượng quá nhiều do phác đồ điều trị không phù hợp dẫn đến lượng nước đi vào cơ thể quá liều, hoặc do vận động viên uống quá nhiều nước khi tập luyện hay trong các cuộc thách đấu về ẩm thực,... hậu quả là hiện tượng mất cân bằng điện giải, tế bào sẽ thẩm thấu quá nhiều lượng nước cần thiết, do đó bị trương, natri trong máu hạ dẫn đến nhức đầu, khó chịu, buồn ngủ, yếu cơ, đau, co giật, buồn nôn, nôn và mẫn cảm nhận thức, rối loạn nhịp tim, đặc biệt tế bào trong não có thể trương dẫn đến phù não gây rối loạn chức năng hệ thống thần kinh trung ương, nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến co giật, tổn thương não, hôn mê hoặc tử vong. Ngoài ra, còn có dạng nhiễm độc khí, thường phơi nhiễm qua đường hô hấp. Nhiễm độc CO là một dạng gây tử vong thường gặp, bởi CO là khí không màu, không mùi, không vị, được phát thải khá phổ từ các đám cháy, lò nung, khí thải ô tô,... Khi được hấp thu vào trong cơ thể, khí CO tạo liên kết bền với Hemoglobin trong hồng cầu làm cho khả năng vận chuyên oxy và CO2 bị hạn chế, do đó gây thiếu oxy, ức chế hô hấp tế bào, ức chế cơ tim, gây chết tế bào, tổn thương thần kinh, não bộ. Bên cạnh đó, việc phơi nhiễm với các chất hữu cơ dễ bay hơi cũng khá phổ biến, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nguy hại cho sức khỏe con người. Các chất dễ bay hơi thường gặp có thể là formaldehyde, benzen, perchloroethyene,… có nguồn gốc từ thuốc lá, keo hồ, các loại sơn, chất lỏng giặt khô, chất bảo quản gỗ, chất tẩy rửa và khử trùng, thiết bị làm mát không khí, vật liệu xây dựng, máy in, máy photocopy, thuốc trừ sâu, các sản phẩm làm sạch, dung môi làm loãng sơn, xăng dầu,... Một số trong đó không gây hại cho con người, một số chất gây dị ứng, nặng hơn là gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, gan và thận, thậm chí gây ung thư.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- David M., Fluids and electrolytes made incredibly easy, Lippincott Williams & Wilkins, 2008.
- Kliegman R. M., Lye P. S., Bordini B., Toth H., Basel D., Nelson Pediatric Symptom-Based Diagnosis, Elsevier, 2018.
- Vonghia L., Leggio L., Ferrulli A., Bertini M., Gasbarrini G., Addolorato G., Acute alcohol intoxication. Eur J Intern Med., 19(8): 561-7, 2008.
- Young G. B., in Encyclopedia of the Neurological Sciences (Second Edition), 2014.