Dạng độc tính là mức độ hay cường độ gây hại của một độc chất hay nhóm độc chất nào đó tác động lên cơ thể sinh vật. Do đó độc tính biểu hiện mối tương tác qua lại giữa tác nhân gây độc và đối tượng chịu tác động (loài sinh vật, giới tính, lứa tuổi, tình trạng) trong điều kiện gây độc, con đường phơi nhiễm cụ thể. Dựa vào nhiều yếu tố khác nhau mà người ta có thể phân loại thành nhiều dạng độc tính khác nhau. Phân loại các dạng độc tính theo tính chất và thời gian bao gồm:
- Dạng độc cấp tính có biểu hiện sớm sau khi phơi nhiễm với tác nhân gây độc. Tùy vào chất độc, liều lượng và con đường phơi nhiễm mà dạng độc cấp tính có thể biểu hiện sau khi hấp thu từ vài phút đến vài giờ, thường là dưới 24 giờ. Ví dụ như sau khi bị rắn độc cắn, các biểu hiện nhiễm độc thường xảy ra ngay sau đó, tùy loại độc chất và liều lượng mà hậu quả có thể khác nhau
- Dạng độc bán mạn tính khi nhiễm độc xảy ra chậm hơn, khoảng 1 đến 2 tuần. Nếu như không được cách ly hoàn toàn với nguồn gây độc thì rất dễ dẫn đến tình trạng độc mạn tính. Ví dụ như hiện tượng nhiễm độc khí CO, triệu chứng thường không rõ ràng nếu như liều lượng không quá lớn, nhưng sau thời gian 1 đến 2 tuần phơi nhiễm thì sẽ gây nhiều tác hại, nặng hơn có thể dẫn đến mạn tính và khó phục hồi hoàn toàn;
- Dạng độc mạn tính khi các triệu chứng xuất hiện sau phơi nhiễm nhiều lần và lâu dài với độc chất, thời gian có thể là hàng tháng đến hàng năm. Khi được phát hiện ra, hậu quả thường trầm trọng và khó điều trị hoàn toàn. Ví dụ như các độc chất từ nấm mốc có trong thức ăn chăn nuôi có thể dẫn đến ung thư, sai khác gen di truyền sau thời gian phơi nhiễm lâu dài.
Phân loại các dạng độc tính theo vị trí bao gồm:
- Dạng độc toàn thân khi hấp thu độc chất trên toàn bộ cơ thể, chất độc đi vào hệ tuần hoàn và được dẫn đến các cơ quan, do đó gây tác hại toàn thân, nhưng chủ yếu là gây độc lên hệ thần kinh trung ương nên hậu quả rất nặng nề
- Dạng độc xảy ra tại chỗ phơi nhiễm với độc chất khi các độc chất thường gây tác hại lên một vài cơ quan đích, chẳng hạn khi tiêm thuốc tê vào cơ thể, hệ thần kinh ngoại biên bị ức chế và làm mất cảm giác trên một số vùng nhất định.
Để phân loại theo mức độ độc, hiện nay chúng ta đang sử dụng nguyên tắc phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, dựa trên chỉ số LD50 (thường là kết quả nghiên cứu độc cấp tính trên chuột). Mức độ độc bao gồm:
- Dạng rất độc gây ra bởi các chất độc trong nhóm I, LD50 qua đường tiêu hóa và đường tiếp xúc qua da thấp hơn 50 mg/kg, chẳng hạn các chất có tính cực độc như các nhóm chất bảo vệ thực vật cơ chlo và cơ phốt pho dùng để diệt chuột, sâu bọ có thể dẫn đến các hiện tượng nhiễm rất độc
- Dạng độc với các độc chất có LD50 trong khoảng 50-200 mg/kg, chất độc nhóm 2 như một số thuốc trừ sâu, diệt cỏ, khi hấp thu vào cơ thể có thể ảnh hưởng ở mức độ độc hại
- Dạng độc trung bình với những chất độc có LD50 trong khoảng 200-1000mg/kg, nhóm 3 ví dụ như một số kim loại nặng, dược phẩm đặc trị, có thể dẫn đến các tổn thương ở dạng trung bình
- Dạng ít độc với những chất độc có LD50 lớn hơn 1000mg/kg, trong nhóm 4, thường là các chất có nguồn gốc thực vật, dược chất, khi phơi nhiễm vào cơ thể sinh vật có thể gây độc ở mức độ thấp hơn, dạng ít độc.
Ngoài ra, người ta có thể phân loại các dạng độc tính theo tác động của nó lên cơ thể sinh vật bao gồm độc tính gây ung thư khi các tác nhân tia phóng xạ, dioxin, arsen, aflatoxin,... được hấp thu vào cơ thể lâu dài dẫn đến các thay đổi trong quá trình trao đổi chất, đến bộ gen di truyền, quá trình phân chia tế bào dẫn đến các bệnh ung thư; độc tính sinh sản khi cơ thể phơi nhiễm lâu dài với một số chất độc như thủy ngân, chất độc màu da cam sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng của con cái và dung lượng sinh sản.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- The Pesticide Manual, 2016.
- Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
- Thông tư 32/2017/TT-BCT về quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hóa chất.