Chỉ thị môi trường theo Luật Bảo vệ Môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 thì chỉ thị môi trường là một hoặc tập hợp thông số về môi trường để chỉ ra đặc trưng của môi trường. Chỉ thị môi trường là cơ sở để lượng hóa chất lượng môi trường, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường. Bộ chỉ thị môi trường là tập hợp các chỉ thị môi trường, bao gồm một hoặc nhiều chỉ thị thứ cấp. Chỉ thị môi trường thứ cấp là một hay một nhóm các thông số môi trường cơ bản, liên quan trực tiếp đến mỗi chỉ thị môi trường. Theo Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT, bộ chỉ thị môi trường tổng hợp, bao gồm tất cả các thành phần môi trường tuân theo mô hình DPSIR mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa động lực D (phát triển kinh tế - xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường), sức ép P (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường), hiện trạng S (hiện trạng chất lượng môi trường), tác động I (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng) và đáp ứng R (các đáp ứng của nhà nước và xã hội để bảo vệ môi trường).
Bộ chỉ thị môi trường quốc gia gồm 36 chỉ thị môi trường được phân thành năm nhóm.
Một là chỉ thị động lực (D) gồm 11 chỉ thị và 37 chỉ thị thứ cấp (phát triển dân số - dân số trung bình, dân số đô thị, dân số nông thôn hàng năm; tỷ lệ dân số đô thị trên tổng dân số, mật độ dân số đô thị, nông thôn; tỷ lệ tăng trưởng dân số hàng năm; tuổi thọ trung bình hàng năm; phát triển nông nghiệp - sản lượng lúa hàng năm; số lượng gia súc, gia cầm hàng năm, lượng phân bón hóa học được sử dụng hàng năm, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hàng năm; phát triển y tế - số lượng bệnh viện, trạm xá, trung tâm y tế; tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân; phát triển GDP hàng năm; phát triển giao thông - số lượng các phương tiện giao thông đăng kiểm hàng năm, tuổi trung bình của các loại phương tiện giao thông, năm, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong nước/quốc tế theo đường thủy, triệu tấn, số lượng cảng, bến tàu thủy; hoạt động xây dựng - diện tích nhà ở xây dựng mới, số km cầu, đường được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo; phát triển công nghiệp - số lượng KCN, CCN được thành lập, diện tích các KCN, CCN, tỷ lệ lấp đầy KCN/CCN, số cơ sở sản xuất công nghiệp trong cả nước theo ngành sản xuất; phát triển ngành thủy hải sản - số lượng cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản - tổng diện tích nuôi trồng thủy, hải sản, sản lượng nuôi trồng thủy, hải sản, số lượng cơ sở chế biến thủy, hải sản, sản lượng đánh bắt thủy hải sản; phát triển du lịch - số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế; hoạt động làng nghề - số lượng làng nghề được công nhận; hoạt động lâm nghiệp - diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng mới trên tổng diện tích rừng, sản lượng gỗ được cấp phép khai thác hàng năm theo địa phương, diện tích rừng bị mất do cháy rừng, chuyển đổi diện tích sử dụng và phá hoại phân theo địa phương).
Hai là chỉ thị áp lực (P) gồm 6 chỉ thị và 12 chỉ thị thứ cấp (thải lượng bụi và khí thải - thải lượng PM10, TSP, SO2, NO2, CO tổng số và theo ngành công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ; nước thải theo các lĩnh vực - tổng lượng nước thải theo các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ, thải lượng BOD, COD, TSS tổng số và theo lĩnh vực công nghiệp, y tế, nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ; sự cố môi trường - số vụ tràn dầu trên các vùng cửa sông, biển; số vụ hóa chất rò rỉ trên sông, biển; phát sinh chất thải rắn hàng năm theo lĩnh vực sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, y tế và phế liệu nhập khẩu, lượng chất thải nguy hại phát sinh hàng năm theo lĩnh vực công nghiệp, y tế, sinh hoạt, nông nghiệp; biến đổi khí hậu - độ mặn trong nước tại các khu vực ven biển, lượng phát thải khí nhà kính theo các ngành công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và theo các khí CH4, N2O, CO2, nhiệt độ C, lượng mưa trung bình hàng năm; tai biến thiên nhiên - số lượng các vụ tai biến thiên nhiên hàng năm, thiệt hại từ các vụ thiên tai về người, về kinh tế, về môi trường).
Ba là chỉ thị hiện trạng (S) gồm 5 chỉ thị và 12 chỉ thị thứ cấp (chất lượng môi trường không khí - nồng độ các chất TSP, PM10, SO2, NO2, CO trung bình trong môi trường không khí xung quanh, tỷ lệ ngày trong năm có nồng độ các chất độc hại trong không khí vượt quá quy chuẩn cho phép; chất lượng nước mặt lục địa - hàm lượng các chất TSS, DO, BOD5, COD, NH4+, NO3-, NO2-, PO43, coliform, MPN/100 ml trong nước mặt lục địa; chất lượng nước biển ven bờ - hàm lượng một số chất DO, COD, NH4+, dầu mỡ trong nước biển tại một số cửa sông, ven biển, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, CN, kim loại nặng trong trầm tích nước biển ven bờ; đa dạng sinh học - số lượng loài bị đe dọa suy giảm đa dạng sinh học, giảm phân hạng cần được bảo tồn trong Sách Đỏ Việt Nam, danh mục của IUCN, số lượng loài bị mất, số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, số lượng loài mới phát hiện, số lượng và diện tích khu bảo tồn thiên nhiên; môi trường đất - diện tích đất phân theo mục đích sử dụng, diện tích đất suy thoái theo các loại hình sa mạc hóa, ô nhiễm đất, xói mòn, đá ong hóa, nhiễm mặn, nhiễm phèn).
Bốn là chỉ thị tác động (I) gồm 1 chỉ thị và 3 chỉ thị thứ cấp biểu hiện thông qua ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng (tỷ lệ người bị bệnh đường hô hấp ở khu vực bị ô nhiễm và khu vực đối chứng; tỷ lệ mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt rét ở các khu vực bị ô nhiễm nước và khu vực đối chứng; số lượng người mắc bệnh nghề nghiệp liên quan đến ô nhiễm môi trường tại các khu vực sản xuất.
Năm là chỉ thị đáp ứng (R) gồm 12 chỉ thị và 29 chỉ thị thứ cấp (văn bản pháp luật trong quản lý môi trường - số lượng văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, số lượng và tên tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường được ban hành, các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên; đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường hàng năm; công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐMC, ĐTM và kế hoạch bảo vệ môi trường - số lượng báo cáo ĐMC, ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường, số lượng đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt hàng năm ở cấp địa phương; công tác thanh tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường - số vụ vi phạm môi trường bị phát hiện và xử phạt hàng năm, số tiền xử phạt từ các vụ vi phạm về môi trường; công cụ kinh tế trong quản lý môi trường - phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã thu được, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn đã thu được hàng năm, tỷ lệ cơ sở đã bị thu phí trên tổng số cơ sở vi phạm về môi trường đã bị phát hiện; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng - tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được khắc phục; diện tích cây xanh trên đầu người dân đô thị, số lượng cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn; kiểm soát nước thải - tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, lượng nước thải công nghiệp đã được xử lý trên tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp được cấp phép khai thác nước mặt/nước dưới đất; hoạt động quan trắc môi trường - số lượng trạm quan trắc tự động liên tục môi trường không khí, nước, số lượng điểm quan trắc định kỳ theo các thành phần môi trường của cấp quốc gia và cấp địa phương; chất thải rắn - tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, tỷ lệ chất thải nguy hại đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, tỷ lệ tái chế CTR theo lĩnh vực; sử dụng nước sạch - phần trăm hộ gia đình ở đô thị được sử dụng nước sạch; phần trăm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch; quản lý tổng hợp lưu vực sông - hoạt động quản lý tổng hợp lưu vực sông được triển khai; quản lý tổng hợp vùng ven biển - các hoạt động bảo vệ môi trường tổng hợp vùng ven biển được triển khai, các tỉnh đã áp dụng quản lý tổng hợp vùng ven biển).
Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì chỉ thị môi trường là công cụ quan trọng và có giá trị giúp tăng cường năng lực của các quốc gia trong việc quan trắc và đánh giá các điều kiện môi trường. Có ba tiêu chí cơ bản để lựa chọn bộ chỉ thị môi trường gồm phù hợp với chính sách và tiện ích đối với người tiêu dùng, tính hợp lý và khả năng lượng hóa được. Ngày nay, trong phạm vi các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, chỉ thị môi trường được dùng rất rộng rãi để thông báo, lên kế hoạch, phân nhóm các mục tiêu chính sách và lĩnh vực ưu tiên, đầu tư và đánh giá hiệu quả kinh tế. Cần lưu ý là mười chỉ thị môi trường chính được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế liệt kê, bao gồm:
- phát thải CO2 và khí nhà kính
- các chất phá hủy tầng ozon
- chất lượng không khí liên quan đến SOx và NOx
- phát sinh rác thải đô thị
- chất lượng nước ngọt liên quan đến xử lý nước thải
- tài nguyên nước ngọt
- tài nguyên rừng
- nguồn lợi thủy sản
- tài nguyên năng lượng
- đa dạng sinh học.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ chỉ thị môi trường quốc gia. Thông tư số 43/2015/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, 29.9.2015.
- Calow P. (Editor-in-chief), The Encyclopedia of Ecology & Environmental Management, Blackwell Science Ltd., 1998.
- Myriam L., OECD work on environmental indicators. Environmental Directorate, OECD. 167-202, 2003.
- OECD Environment Directorate Paris, France. OECD key environmental indicators, Organisation for Economic Development and Cooperation, 36p., 2008.