Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đá trầm tích lục nguyên
Phiên bản vào lúc 09:59, ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Diemquynh834 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “ {{sơ}}'''Đá trầm tích lục nguyên''' là nhóm đá trầm tích cấu tạo chủ yếu từ các mảnh vụn đá và khoáng vật silicat,…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Đá trầm tích lục nguyên là nhóm đá trầm tích cấu tạo chủ yếu từ các mảnh vụn đá và khoáng vật silicat, được hình thành do quá trình vận chuyển và lắng đọng các sản phẩm bào mòn lục địa. Trầm tích lục nguyên được cấu thành phần lớn từ các mảnh vụn đá nguồn gốc khác nhau (magma, biến chất, trầm tích, vật liệu thải công nghệ) và các hạt vụn khoáng vật thành phần silicat (feldspar, mica, pyroxen, amphibol,…). Đá hình thành nhờ quá trình vận chuyển các sản phẩm phá hủy bóc mòn từ các thành tạo đá cổ trên lục địa và tích tụ trong môi trường biển trên phạm vi thềm và sườn lục địa. Phụ thuộc vào sự có mặt hoặc vắng mặt của vật liệu xi măng gắn kết, người ta phân chia thành hai loại:

  • Đá trầm tích lục nguyên (trầm tích lục nguyên gắn kết)
  • Đá trầm tích lục nguyên bở rời.

Thành phần mảnh vụn trong đá trầm tích lục nguyên thường chiếm trên 50% thể tích đá. Cũng như các trầm tích hạt vụn, kiến trúc đá trầm tích lục nguyên được đặc trưng bởi kích thước các mảnh vụn tạo đá. Theo kích thước mảnh vụn, đá trầm tích lục nguyên được chia ra các loại: psefit (2 mm-10 m), psamit (0,05-2 mm), alevrit (0,005-0,05 mm, theo một số bảng phân loại khác, 0,01-0,1 mm) và pelit (nhỏ hơn 0,005 mm, theo các bảng phân loại khác nhỏ hơn 0,01 mm). Theo độ chọn lọc, hạt thô chiếm chủ yếu với độ mài tròn khác nhau; nếu kích thước mảnh vụn > 0,05 mm, theo hình dáng phân ra các loại: mài tròn, bán mài tròn, góc cạnh. Thành phần xi măng gắn kết đa dạng, phổ biến là carbonat, thạch cao, sét, silic, phosphat,… Đá trầm tích lục nguyên phổ biến là các loại cát kết, cuội kết, dăm kết, bột kết và các đá khác, trong đó cát kết chiếm ưu thế. Cấu tạo đá đặc trưng chủ yếu gồm:

  1. tính phân lớp, thể hiện bởi đặc điểm luân phiên các lớp đá có thành phần và kiến trúc khác nhau, không ít đá phân phiến dọc theo bề mặt lớp. Các đá hình thành trong điều kiện vũng vịnh, hồ có cấu tạo phân lớp xiên, trong điều kiện ven biển, cấu tạo phân lớp xiên chéo
  2. Các biểu hiện trên bề mặt lớp như vết hằn, gợn sóng, giọt mưa, nứt nẻ là dấu hiệu minh giải về điều kiện môi trường tích tụ trầm tích
  3. Kiến trúc khối, đặc trưng bởi đá có nguồn gốc khác nhau mà các hợp phần tạo ra chúng phân bố khá đồng đều
  4. Độ rỗng, thể hiện bởi khoảng trống, lỗ hổng và khe nứt tồn tại trong đá, đặc trưng cho các đá trầm tích lục nguyên vụn, đá nguồn gốc sinh vật và trầm tích phun trào.

Ở Việt Nam, đá trầm tích lục nguyên tương đối phổ biến và thường đi kèm với một số đá khác, ví dụ đá lục nguyên - carbonat ở Tú Lệ, Yên Bái, đá lục nguyên chứa dầu tuổi Miocen ở phía nam bề Sông Hồng,... Đá trầm tích lục nguyên là các đối tượng chứa khoáng sản nguồn gốc trầm tích. Đá lục nguyên lỗ rỗng chứa dầu và khí đốt; các loại cát, cuội, sỏi, làm vật liệu xây dựng; sản xuất thủy tinh, sản xuất đá xốp nhẹ keramzit, hoặc chứa các sa khoáng vàng, platin, casiterit, ilmenit, magnetit,…


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phạm Huy Tiến (biên soạn), Giáo trình "Thạch học đá trầm tích", Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1984.
  2. Е.А. Козловский (Главный Редактор), Российская Геологическая Энциклопедия в трех томах, Издат, ВСЕГЕЙ, (Т.1: 2010; Т.2: 2011; Т.3: 2012).