Cấu tạo đá trầm tích là tập hợp các đặc điểm hình thái chung trong không gian ba chiều của đá trầm tích; bao gồm toàn bộ các dấu hiệu về sự định hướng, sự sắp xếp và phân bố các thành phần tạo đá. Nói chung là về sự sắp xếp các hợp phần tạo đá trong không gian và mối quan hệ giữa chúng với nhau.
Cấu tạo được mô tả cho các đặc tính thô hơn của đá, được quan sát một cách rõ ràng bằng mắt thường và chủ yếu được tiến hành tại các vết lộ ngoài trời. Kiến trúc (texture) là các đặc điểm quy mô nhỏ, thường quan sát dưới kính hiển vi và chủ yếu được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Đôi khi hai thuật ngữ trên được dùng đồng nghĩa song song; đặc biệt có sự bất đồng trong ngôn ngữ, ví dụ: trong tiếng Pháp và tiếng Nga hai thuật ngữ trên có nghĩa ngược lại với tiếng Anh.
Các dấu hiệu nhận biết cấu tạo đá trầm tích dựa vào sự thay đổi về độ hạt, màu sắc, thành phần khoáng vật và quy luật sắp xếp của chúng. Các cấu tạo đá trầm tích thường được tạo nên bởi các hoạt động bóc mòn, tích tụ hay do sự biến dạng sau tích tụ của trầm tích. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều chia cấu trúc trầm tích thành các nhóm: cấu tạo trong lớp, cấu tạo trên bề mặt lớp và một số dạng cấu tạo khác. Cấu tạo trong lớp đá được hình thành bên trong lớp trầm tích do các yếu tố động lực môi trường tích tụ. Bao gồm các dạng cấu tạo sau: cấu tạo khối, cấu tạo phân lớp (phân lớp ngang song song, phân lớp lượn sóng ngang song song, phân lớp sóng xiên, phân lớp dạng thấu kính, phân lớp sóng xiên đứt đoạn, phân lớp xiên chéo,…).
Cấu tạo trên bề mặt lớp đá được hình thành trên bề mặt lớp do các yếu tố động lực môi trường tích tụ hoặc sự tác động của ngoại lực ngay sau khi tầng trầm tích vừa mới kết thúc quá trình lắng đọng. Bao gồm các dạng cấu tạo sau: cấu tạo gợn sóng (gợn sóng do sóng, gợn sóng do dòng chảy, gợn sóng do gió), cấu tạo khe nứt khô, cấu tạo vết chữ cổ, cấu tạo vết giọt mưa, cấu tạo vết hằn (vết hằn hoạt động sinh vật, vết hằn do nước biển, vết hằn do tinh thể muối kết tinh, vết hằn do xâm thực,…),…
Một số dạng cấu tạo khác được hình thành bên trong lớp trầm tích do các yếu tố động lực, hóa - lý của môi trường trong quá trình tích tụ hoặc sự biến đổi thành phần và cấu trúc trong các quá trình hậu trầm tích, thành đá và phong hóa. Bao gồm các dạng cấu tạo sau: cấu tạo dạng ổ, cấu tạo kết hạch (kết hạch đồng trầm tích, kết hạch thành đá, kết hạch hậu sinh), cấu tạo trứng cá, cấu tạo giả trứng cá, cấu tạo sferolit, cấu tạo đường khâu, cấu tạo nón chồng nón, cấu tạo turbidit, cấu tạo đồng tâm, cấu tạo phân lớp giả, cấu tạo loang lổ, cấu tạo dạng dăm,…
Một số nhà nghiên cứu lại phân chia làm hai nhóm là cấu tạo nguyên sinh được hình thành chủ yếu theo các kiểu nguồn gốc tích tụ, xâm thực, biến dạng và sinh học. Cấu tạo thứ sinh thường được hình thành do các quá trình biến đổi hóa học, sinh học, cơ học sau khi trầm tích bị chôn vùi. Hệ thống phân chia cấu tạo đá trầm tích cũng được sử dụng cho trầm tích bở rời hoặc gắn kết yếu. Nghiên cứu chi tiết các đặc điểm cấu tạo đá trầm tích là cơ sở để luận giải các quá trình hình thành đá và môi trường tích tụ trầm tích. Các dấu hiệu cấu tạo của đá cho phép khôi phục lại điều kiện cổ địa lý (miền xâm thực, hướng di chuyển trầm tích, bồn tích tụ,…), điều kiện cổ khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, đới khí hậu,…), cổ sinh thái (hệ sinh thái, đa dạng sinh học,…), cổ kiến tạo, tiến hóa bồn tích tụ,…
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phạm Huy Tiến, Trịnh Ích, Nguyễn Ngọc Mên, Thạch học đá trầm tích, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1, 343tr., 1984.
- Sam Boggs, Jr., Principles of Sedimentology and Stratigraphy, Pearson Prentice Hall, Fourth Edition, New Jersey, 662p, 2006.
- Trần Nghi, Trầm tích học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 336tr., 2003.