Khoáng sản có ích là các thành tạo vật chất thuộc vỏ Trái đất tồn tại dưới dạng những tích tụ tự nhiên khoáng vật, khoáng chất ở các thể rắn, lỏng, khí, có thành phần hóa học hoặc tính chất vật lý có thể được sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai. Thuật ngữ “khoáng sản có ích” được dùng phổ biến trong văn liệu địa chất Nga và Việt Nam.
Khoáng sản rất gần gũi và đóng vai trò to lớn trong đời sống con người, chúng được biết đến từ lâu như sắt, than đá, vàng,... Ứng dụng khoáng sản rất rộng rãi và đa dạng, chúng là nguyên liệu để sản xuất hầu hết các sản phẩm vật chất thuộc mọi lĩnh vực, ví dụ: khoáng sản kim loại chủ yếu phục vụ công nghiệp luyện kim, khoáng sản không kim loại được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hóa chất, tiêu dùng, kỹ thuật, năng lượng, xây dựng,... Khoáng sản quý hiếm như vàng, bạc, bạch kim,… ngoài ứng dụng cho công nghiệp còn dùng làm đồ trang sức hoặc đóng vai trò tiền tệ. Nhờ tính hữu ích của khoáng sản trong sản xuất phục vụ cuộc sống của con người, nên trước đây, mặc nhiên, chúng được coi là có ích - các từ “có ích” được gắn kèm theo khi nhấn mạnh tính hữu ích của chúng, còn về bản chất có ích hay có hại là do cách sử dụng và điều kiện sử dụng chúng. Nhiều loại khoáng sản ngay ở trạng thái tự nhiên cũng có những thành phần gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sống. Gần đây, vấn đề này rất được quan tâm từ khía cạnh môi trường, vì thế xuất hiện khái niệm khoáng sản độc hại. Chúng được hiểu là loại khoáng sản có chứa các nguyên tố tạo quặng hoặc tập hợp các nguyên tố đi kèm có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sống (ví dụ khoáng sản chứa các nguyên tố phóng xạ như urani,…). Vì mục đích đặc biệt, các khoáng sản này vẫn được khai thác, sử dụng nhưng đòi hỏi các quy định chặt chẽ về điều kiện áp dụng giảm thiểu tính độc hại của chúng. Ngoài ra, nhiều loại khoáng sản tuy ở trạng thái tự nhiên chưa gây ảnh hưởng gì, nhưng sản phẩm chế tạo từ chúng lại là vật chất gây hại cho sức khỏe con người và môi trường, cũng dần không được khai thác sử dụng và không còn được coi là khoáng sản có ích nữa. Ví dụ asbest trước đây được khai thác để sản xuất các tấm lợp amiăng và được sử dụng trong thời gian dài. Sau này, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy bụi amiăng từ các tấm lợp này là một trong những tác nhân gây ung thư phổi thì việc sản xuất và sử dụng chúng dần bị dừng lại. Một số quốc gia còn ra điều luật cấm sử dụng sản phẩm này. Hoặc có những khoáng sản khi chế biến gây tổn hại cho môi trường, chi phí thu hồi thành phần có ích và ngăn ngừa thành phần có hại trở nên quá cao làm chúng không còn có lợi về kinh tế so với chế biến từ nguồn vật liệu khác. Những khoáng sản đó cũng trở thành không còn hữu ích. Ví dụ, pyrit là loại khoáng sản ở những thế kỷ trước được khai thác để lấy lưu huỳnh phục vụ cho công nghiệp hóa chất (sản xuất acid sulfuric), nhưng quá trình chế biến chúng sẽ gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và sức khỏe con người. Việc áp dụng biện pháp để ngăn ngừa ảnh hưởng môi trường sẽ đẩy giá thành sản phẩm của chúng lên rất cao. Vì thế, những năm sau này, khi lưu huỳnh chủ yếu được khai thác từ núi lửa hoặc từ quá trình chế biến dầu mỏ với chi phí rẻ hơn rất nhiều thì pyrit đã không còn được khai thác nữa.
Như vậy, quan niệm về khoáng sản có ích có thể thay đổi theo thời gian. Chúng sẽ mất giá trị nếu bị phát hiện ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống hoặc xuất hiện nguồn tài nguyên phổ biến khác thay thế chúng với chi phí khai thác, chế biến rẻ hơn và an toàn hơn về môi trường.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Luật khoáng sản, 2010.
- hhtps://ru.wikipedia.org/Полезные_ископаемые.
- https://www.sciencedirect.com/topics/earth-and-planetary-sciences/mineral-resource.