Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa chất tài nguyên Việt Nam (sách)
Phiên bản vào lúc 10:10, ngày 17 tháng 9 năm 2022 của Diemquynh834 (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Địa chất tài nguyên Việt Nam''' là sách chuyên khảo về địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam. Sách đã phả…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Địa chất tài nguyên Việt Nam là sách chuyên khảo về địa chất và tài nguyên địa chất Việt Nam. Sách đã phản ánh khá đầy đủ những vấn đề cơ bản nhất của địa chất Việt Nam, trong cả lý thuyết lẫn thực hành. Các tài liệu sử dụng trong sách được thu thập và phân tích một cách công phu, khoa học, hiện đại với các quan điểm kiến tạo-địa động lực nhất quán. Nhiều vấn đề về địa chất học nhờ đó mà được hiệu chỉnh chính xác hơn, khoa học hơn. Cuốn sách đã tổng kết hầu hết các vấn đề cơ bản về địa chất và tài nguyên của Việt Nam, phản ánh thành quả nghiên cứu của ngành cho đến thời điểm nó được xuất bản (2009). Các vấn đề được trình bày thành các chương mục rõ ràng, với các hình vẽ minh họa sinh động.

Số tác giả tham gia gồm Trần Văn Trị và Vũ Khúc (đồng chủ biên), Bùi Minh Tâm, Cù Minh Hoàng, Đặng Trần Huyên, Đoàn Nhật Trưởng, Đỗ Bạt, Lê Đỗ Bình, Lê Đức An, Mai Trọng Nhuận, Ngô Quang Toàn, Ngô Thường San, Nguyễn Bá Minh, Nguyễn Biểu, Nguyễn Địch Dỹ, Nguyễn Hữu Tý, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Thành Vạn, Nguyễn Tuấn Phong, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Văn Vượng, Nguyễn Xuân Bao, Phạm Đức Lương, Phạm Kim Ngân, Phan Thiện, Phan Trọng Trịnh, Tạ Hòa Phương, Tống Duy Thanh, Trần Ngọc Nam, Trần Tân Văn, Trần Tất Thắng, Trần Thanh Hải, Trần Trọng Hòa, Trần Tuấn Anh, Trịnh Văn Long, Võ Công Nghiệp (36 tác giả).

Số cộng tác viên là 38 người, bao gồm Bùi Học, Bùi Phú Mỹ, Cát Nguyên Hùng, Đàm Ngọc, Đào Đình Thục, Hoàng Anh Khiển, La Thế Phúc, Lê Duy Bách, Lê Văn Đệ, Nguyễn Đình Hữu, Nguyễn Đình Uy, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Khắc Vinh, Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Trọng Khiêm, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Văn Can, Nguyễn Văn Hoành, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Xuân Khiển, Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Bình, Phạm Huy Thông, Phạm Thị Dung, Phạm Văn Hải, Phan Cự Tiến, Phan Huy Quynh, Phan Trường Thị, Thái Quý Lâm, Trần Đình Sâm, Trần Hữu Dần, Trần Nghi, Trần Văn Miến, Trần Xuân Hường, Trịnh Xuân Bền, Trịnh Xuân Hòa. Tập thể tác giả, đặc biệt là hai đồng chủ biên là các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm lâu năm trong chuyên môn địa chất và tài nguyên Việt Nam. Các nội dung trình bày trong cuốn sách đã được cân nhắc, rà soát, chỉnh sửa và cập nhật dữ liệu và quan điểm mới nhất ở thời điểm xuất bản.

Cuốn sách Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ tại địa chỉ 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, xuất bản năm 2009.

Qua hơn một thế kỷ, ngành Địa chất Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái lý thuyết địa chất khác nhau từ thời Pháp, sau 1954 được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa (chủ yếu Liên Xô), đến hội nhập quốc tế ngày nay. Sự khác biệt về các trường phái lý thuyết kiến tạo máng và kiến tạo mảng trên thế giới từ những năm 1970 đã gây ra những khó khăn nhất định cho ngành địa chất Việt Nam. Vì thế, các công trình khoa học mang tính tổng kết, lý luận cao là rất cần thiết. Cuốn sách “Địa chất và Tài nguyên Việt Nam” ra đời trong bối cảnh kể trên vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của ngành khoa học địa chất Việt Nam, vừa tham gia chương trình “ONE GEOLOGY” do UNESCO chủ trì.

Sách gồm 589 trang có nội dung phân bổ trong 6 phần:

  1. Đại cương về cảnh quan và địa chất Việt Nam, gồm 2 chương;
  2. Địa tầng, gồm 7 chương;
  3. Các thành tạo magma, gồm 6 chương;
  4. Biến chất, gồm 2 chương;
  5. Cấu trúc kiến tạo, gồm 7 chương và
  6. Tài nguyên địa chất, gồm 2 chương.

Trong 6 phần, với 27 chương các vấn đề về địa hình, địa mạo, địa chất, tài nguyên, khoáng sản đã được đề cập một cách tổng quát nhất. Các nội dung về địa tầng, magma, biến chất, cấu trúc kiến tạo được trình bày trên một nền lý thuyết địa chất hiện đại, các thuật ngữ được sử dụng về cơ bản phù hợp với các thuật ngữ đang được thế giới sử dụng. Các nội dung trình bày đã bao quát được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong tiến trình lịch sử tiến hóa từ Tiền Cambri đến nay.

Do các vấn đề địa chất Việt Nam khá phức tạp, trải qua các giai đoạn nghiên cứu với các trường phái lý thuyết khác nhau, nên không thể một lúc giải quyết hết được các vấn đề. Do đó cuốn sách cần nhận được các ý kiến góp ý của độc giả để được bổ sung, chỉnh sửa cho ngày càng hoàn thiện. Cuốn sách cũng cần được gọt dũa, cập nhật sao cho các nội dung trở nên cô đọng, xúc tích và đầy đủ hơn. Phần về địa động lực, đặc biệt là động đất và các tai biến liên quan còn ít được thể hiện trong sách.

Lần đầu tiên, hầu như tất cả các vấn đề về địa chất, tài nguyên Việt Nam được trình bày trong một ấn phẩm, tương đối đầy đủ, có hệ thống và theo một quan điểm nhất quán. Nhiều nội dung theo những chuẩn quốc tế. Cuốn sách là một cẩm nang quý đối với tất cả các đối tượng quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về địa chất và tài nguyên Việt Nam. Cuốn sách có thể phục vụ cho các công tác nghiên cứu lý thuyết, cũng như thực hành ngoài thực địa. Ngoài ra sách cũng đã được dịch sang tiếng Anh (xuất bản năm 2011), được các nhà khoa học thế giới đánh giá cao và là cuốn sách tổng hợp về địa chất và tài nguyên Việt Nam bằng tiếng Anh có giá trị tham khảo nhất hiện nay.

Sách đạt Giải Vàng Sách hay theo Quyết định số 13-HXBVN, ngày 25 tháng 11 năm 2010, của Bộ Thông tin Truyền thông.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Văn Trị, Vũ Khúc (Chủ biên), Địa chất và Tài nguyên Việt Nam, Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 2009.
  2. Trần Văn Trị, Vũ Khúc (Editors), Geology and Earth Resources of Vietnam. Publishing House for science and Technology, 628pp, 2011.
  3. Công trình “Địa chất và Tài nguyên Việt Nam” được trao giải vàng-sách hay.

Nguồn: http://idm.gov.vn/nguon_luc/Xuat_ban/2011/A323/a85.htm.