Đại hội địa chất quốc tế (International Geological Congress, IGC) là những tổ chức quốc tế khoa học và giáo dục phi lợi nhuận có các kỳ đại hội được tổ chức dưới sự tài trợ và cộng tác của Liên hiệp hội quốc tế các Khoa học Địa chất (IUGS). Mục đích chính của các đại hội là khuyến khích phát triển nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của các khoa học Trái đất trên toàn thế giới.
Nguyên nhân ra đời[sửa]
IGC ra đời xuất phát từ nhu cầu tổ chức một đại hội quốc tế của các nhà địa chất châu Âu và Bắc Mỹ. Ngày 25.8.1876, tại Buffalo, New York, Mỹ, trong cuộc họp lần thứ 25 của “Hiệp hội Hoa Kỳ vì sự tiến bộ của khoa học” một ủy ban được thành lập để xem xét tổ chức một đại hội mang tầm quốc tế về Địa chất. Ủy ban này gọi là Ủy ban sáng lập Philadelphia. Ủy ban này kêu gọi Hội Địa chất Pháp đứng ra tổ chức Hội nghị Địa chất Quốc tế đầu tiên nhân dịp hội chợ Triển lãm Quốc tế sẽ diễn ra tại Paris năm 1878. Hội nghị được Chính phủ Pháp tài trợ và đã tổ chức thành công đại hội Địa chất đầu tiên, tại Trocadero với 310 đại biểu đến từ 23 nước. Trong Đại hội này, các nhà địa chất tập trung thảo luận về hệ thống phân loại và cách đặt tên các đối tượng địa chất.
Vai trò[sửa]
Các kỳ IGC có vai trò to lớn trong việc trao đổi khoa học giữa các nhà địa chất thế giới và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Địa chất học, đặc biệt từ thế kỷ XIX đến nay. Các chủ đề và nội dung thảo luận tại các kỳ đại hội đều thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực chuyên ngành: Cổ sinh vật học, Địa tầng học, Khoáng vật học, Thạch học, Địa chất cấu trúc, Kiến tạo, Khoáng sản, Cổ khí hậu, Kỷ băng hà, Địa chất Thủy văn, Địa chất Dầu khí, Địa chất ứng dụng, Công viên và Di sản địa chất, cũng như sự phát triển của các hiệp hội địa chất và các tiểu ban chuyên môn về địa chất của UNESCO.
Cùng với đại hội thứ nhất, các kỳ đại hội tiếp sau có vai trò quan trọng nhất trong việc định hình và hoàn thiện khoa học địa chất ở thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. IGC lần hai tổ chức tại Bologna (Ý) năm 1881. Các hoạt động của đại hội bao gồm:
- thảo luận về ngôn ngữ thống nhất trong Địa chất học
- thống nhất về phân loại và danh pháp cơ bản về niên đại và thời địa tầng
- thống nhất về các nguyên tắc cơ bản để đặt tên cho các sinh vật hóa thạch theo phương thức nhị danh và quy tắc ưu tiên đặt tên
- thành lập các cơ quan quốc tế thường trực như Ủy ban Quốc tế về Danh pháp, nay là Ủy ban quốc tế Địa tầng học (ICS), và Ủy ban Bản đồ Địa chất châu Âu, nay là Ủy ban Bản đồ Địa chất Thế giới (CGMW)
- giới thiệu Triển lãm Địa chất (hiện gọi là Geoexpo)
- tổ chức các chuyến đi thực tế đầu tiên sau đại hội liên quan đến hoạt động của đại hội
- phân phát miễn phí các ấn phẩm và bản đồ được chuẩn bị cho các thành viên đại hội và thành lập Bảo tàng Địa chất
IGC lần ba ở Berlin (Đức) năm 1885 với chủ đề về thống nhất cách trình bày Bản đồ Địa chất châu Âu, tiêu chuẩn hóa danh pháp địa chất, thiết lập tiêu chí cho danh pháp Khoáng vật học và Cổ sinh vật học. IGC lần thứ tư ở London (Anh) năm 1888, thảo luận về chuỗi địa tầng từ tiền Cambri đến Đệ tứ và tiếp tục thảo luận cách phân loại và danh pháp. Đến IGC lần thứ năm mới tổ chức tại Washington (Mỹ) năm 1891. Trong đại hội này, 251 nhà địa chất của 15 nước đã thảo luận chính thức về cách phân loại nguồn gốc của đá tuổi Pleistocen, đối sánh niên đại các đá vụn trầm tích và tiêu chuẩn hóa quốc tế về màu sắc, ký hiệu và tên gọi sử dụng trên bản đồ địa chất. IGC thứ sáu tổ chức ở Zurich Thụy Sỹ năm 1894, có 273 nhà khoa học tham dự với chủ đề chính về cấu trúc các lớp phủ địa di ở dãy Alpơ và hệ thống phân loại Địa tầng và Thạch học. IGC thứ bảy tổ chức năm 1897 ở St. Petersburg, với sự tham gia của 1037 nhà địa chất từ 27 nước tham dự với chủ đề về quy tắc đặt tên, phân loại địa tầng và đá phun trào. Đặc biệt, dưới sự đề xuất của Pháp, đại hội ra lời kêu gọi chính phủ các nước cho giảng dạy Địa chất ở bậc phổ thông. Ngay sau đó, nhiều nước châu Âu đã tổ chức giảng dạy Địa chất học trong trường phổ thông. IGC thứ tám tổ chức ở Paris 1900, cùng với hàng loạt các sự kiện như đại hội thể thao Olimpic thế giới lần thứ hai, Đại hội Quốc tế Ngành Mỏ và Luyện kim, Đại hội Y học Quốc tế, Đại hội Khảo cổ thời Tiền sử và Nhân chủng học. Đại hội đã tổng kết sự tiến bộ khoa học trong các lĩnh vực Cổ sinh Địa tầng, Kiến tạo, Địa mạo, Thạch học và Thạch học thực nghiệm, Khoáng sản. IGC thứ 9 đến 35 lần lượt được tổ chức ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc, Nam Phi với chủ đề liên quan đến Địa chất các khu vực trên thế giới. Riêng kỳ đại hội lần thứ 31 tổ chức năm 2000 tại Brasil, Rio de Janeiro và là IGC đầu tiên tổ chức ở Nam Mỹ với chủ đề “Địa chất và Sự phát triển bền vững: Những thách thức trong Thiên niên kỷ thứ ba” với hơn 4000 đại biểu từ 110 nước tham dự. Đại hội đã nhấn mạnh vai trò phục vụ xã hội bền vững của Địa chất học hiện đại.
Đến 2016, IGC đã tổ chức thành công 35 kỳ đại hội do nhiều nước trên thế giới đăng cai. IGC 36 với chủ đề “Khoa học Địa chất: Khoa học cơ bản cho sự Phát triển bền vững” sẽ tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) nhưng do COVID-19 nên phải hoãn lại. IGC 37 dự kiến tổ chức vào 25-31, tháng 8, 2024 tại Busan Hàn Quốc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cyril S. Fox., A History of the International Geological Congresses. Current Science, 7(3): 135-139, 1938.
- Martin D. S., The International Geological Congress, Science 20 Nov., 18(459): 290-291, 1891.
- Tạp chí Địa chất, Đại hội Địa chất Quốc tế lần thứ 30, Bắc Kinh, Trung Quốc, Tạp chí Địa chất, 222: 5-6, 1994.
- Trần Văn Trị, Đại hội Địa chất Quốc tế lần thứ 29, Kyoto, Nhật Bản, Tạp chí Địa chất, 212-213: 9-12, 1992.
- Vai G.B., Giovanni Capellini and the origin of the International Geological Congress. Episods, 25, 2002.
- https://www.iugs.org/igc (truy cập ngày 24/8/2021).