Chuẩn mở (tiếng Anh open standard) là các chuẩn được cung cấp miễn phí cho công chúng truy cập và sử dụng. Chuẩn mở được phát triển (hoặc phê duyệt) bởi một tổ chức phát triển chuẩn được công nhận, và được duy trì thông qua quá trình hợp tác và đồng thuận. Chuẩn mở có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, tạo điều kiện cho khả năng tương tác và trao đổi dữ liệu giữa các sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau và được dự định áp dụng rộng rãi.
Các chỉ số của chuẩn mở bao gồm những người có quyền truy cập, mục tiêu của chuẩn mở và những nội dung chuẩn mở cung cấp.
Đối tượng tham gia vào chuẩn mở bao gồm người tạo, người triển khai và người dùng. Mỗi đối tượng này chịu ảnh hưởng và thúc đẩy bởi các khía cạnh kinh tế khác nhau. Người tạo chuẩn mở được thúc đẩy bởi tiềm năng về phát triển và kiểm soát thị trường. Người triển khai chuẩn mở chịu ảnh hưởng của chi phí sản xuất và phân phối. Người dùng có mong muốn cải thiện hiệu quả và tăng năng suất.
Tổ chức chuẩn mở chịu trách nhiệm tạo ra, phê duyệt, xuất bản và duy trì chuẩn mở. Các tổ chức chuẩn mở có cách thức và phạm vi hoạt động khác nhau.
Các mức độ truy cập chuẩn mở gồm có truy cập vào quá trình đặc tả, truy cập vào kết quả đặc tả và truy cập để triển khai các đặc tả (tức là tham gia vào việc tạo ra hoặc chỉnh sửa chuẩn).
Tiêu chí[sửa]
Bruce Perens, người đưa ra định nghĩa nguồn mở, đưa ra sáu tiêu chí mà một chuẩn mở phải đáp ứng:
- Tính khả dụng: các chuẩn mở có sẵn cho tất cả mọi người đọc và thực hiện.
- Tối đa hóa sự lựa chọn của người dùng cuối: các chuẩn mở tạo ra một thị trường cạnh tranh, công bằng để triển khai chuẩn. Chúng không khóa khách hàng vào một nhà cung cấp hoặc nhóm cụ thể.
- Không phí bản quyền: các chuẩn mở là miễn phí cho tất cả mọi người triển khai, không có tiền bản quyền hoặc phí.
- Không phân biệt đối xử: các chuẩn mở và các tổ chức quản lý chúng không đặc biệt ủng hộ một người triển khai nào vì bất kỳ lý do nào khác ngoài việc tuân thủ các chuẩn kỹ thuật của nhà cung cấp trong quá trình triển khai.
- Mở rộng hoặc tập hợp con: việc triển khai các chuẩn mở có thể được mở rộng hoặc được cung cấp ở dạng tập con.
- Hành vi trục lợi: các chuẩn mở có thể sử dụng các điều khoản để bảo vệ chống lại sự thay đổi chuẩn bằng các chiến thuật đưa ra các chuẩn bao trùm và mở rộng.
Các nguyên tắc của chuẩn mở (Theo tổ chức Free Software Foundation châu Âu - FSFE):
- chuẩn mở được đánh giá và sử dụng công khai đầy đủ mà không bị ràng buộc theo bất kỳ cách thức có sẵn nào cho tất cả các bên.
- chuẩn mở không có bất kỳ thành phần hoặc tiện ích mở rộng nào bị phụ thuộc vào định dạng hoặc giao thức khác không đáp ứng định nghĩa của chuẩn mở.
- chuẩn mở không có các điều khoản pháp lý hoặc kỹ thuật giới hạn việc sử dụng bởi bất kỳ bên nào hoặc trong bất kỳ mô hình kinh doanh nào.
- chuẩn mở quản lý và phát triển độc lập hơn bất kỳ nhà cung cấp nào trong một quy trình mở, cho phép cho sự tham gia bình đẳng của các đối thủ cạnh tranh và bên thứ ba.
- chuẩn mở khả dụng trong các giải pháp triển khai hoàn chỉnh được cung cấp bởi các đối thủ cạnh tranh, hoặc như là một giải pháp triển khai hoàn chỉnh có sẵn được cung cấp như nhau cho tất cả các bên.
Thành phần[sửa]
Các thành phần của chuẩn mở gồm:
- Hồ sơ: xác định một bộ chuẩn và thông số kỹ thuật được sử dụng (hoặc sẽ được sử dụng) để triển khai một kiến trúc hệ thống mở. Để phát triển một hồ sơ chuẩn mở, tốt nhất là xác định các chuẩn tương thích và và phụ thuộc lẫn nhau.
- Dịch vụ: là một tập hợp các chức năng hệ thống được cung cấp bởi hệ thống hoặc các thành phần của nó.
- Mô hình kỹ thuật tham chiếu: một bản mô tả tóm tắt cung cấp khung cho hệ thống khái niệm và thuật ngữ, từ vựng được sử dụng trong việc định nghĩa kiến trúc hệ thống hoặc các thành phần của nó. Một mô hình kỹ thuật tham chiếu có thể được xem như một cơ chế đơn giản cho phép người dùng mô tả và trực quan hóa các dịch vụ chính mà một kiến trúc được thiết kế để hỗ trợ.
Lịch sử[sửa]
Chuẩn mở ra đời từ những năm 80 và 90 của thế kỷ XX với những chuẩn mở đầu tiên là Ethernet (IEEE 802.3, 1979), Broadband Integrated Services Digital Network (B-ISDN, 1986) và Linux Standards Base (LSB, 1987). Tính đến nay, rất nhiều tổ chức chuẩn đã được thành lập và rất nhiều chuẩn mở đã ra đời. Trong số đó, chuẩn mở thành công nhất là Internet với Transport Control Interface/Internet Protocol (TCP/IP). Hiện nay, một ứng dụng của chuẩn mở là phần mềm nguồn mở đã và đang thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của các công ty lập trình cũng như người sử dụng, các doanh nghiệp và cả cơ quan chính phủ của nhiều quốc gia.
Ứng dụng và xu thế[sửa]
Trong khi các chuẩn được cấp phép và có bản quyền thường có thể cản trở sự phát triển và đổi mới thì chuẩn mở lại có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của những lĩnh vực mà nó hướng tới bằng cách kết nối thông tin và loại bỏ các hạn chế của rất nhiều dịch vụ, sản phẩm và quy trình. Sử dụng chuẩn mở giúp giảm bớt các rào cản, góp phần giúp các công ty dễ dàng kết nối để chia sẻ thông tin, thúc đẩy sự phát triển. Đồng thời, chuẩn mở có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự độc quyền, tạo ra thị trường bình đẳng cho những công ty mới hoặc nhỏ có cơ hội tham gia.
Chuẩn mở được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Trong phát triển phần mềm nguồn mở, các chuẩn mở đóng vai trò là các hướng dẫn để giữ cho các công nghệ "mở", đặc biệt là đối với các nhà phát triển nguồn mở. Đối với các ứng dụng số hóa, các chuẩn mở làm cho việc trao đổi và sử dụng chung dữ liệu trở nên đơn giản và hiệu quả hơn, bằng cách thông qua các định dạng trung gian. Ngoài ra, chuẩn mở còn được áp dụng tại các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng (ASP), mạng viễn thông, dịch vụ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), mạng lưu trữ (SAN), mạng Internet, v.v.
Chuẩn mở thúc đẩy sự đổi mới, khuyến khích sự kết nối trở trên dễ dàng và hiệu quả hơn. Một trong những xu hướng sử dụng chuẩn mở đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây là các phần mềm nguồn mở với đại diện tiêu biểu là cộng đồng phát triển dựa trên nền tảng UNIX/LINUX. Theo báo cáo về xu thế phát triển cộng tác năm 2014 của Quỹ Linux, 91% các nhà quản lý và điều hành doanh nghiệp được khảo sát đã coi sự phát triển cộng tác phần mềm như thứ gì đó rất quan trọng cho doanh nghiệp của họ. Gần 50% các nhà quản lý doanh nghiệp được khảo sát nói họ tham gia vào sự phát triển cộng tác vì nó cho phép họ đổi mới và/hoặc giúp biến đổi nền công nghiệp của họ. 83% các lập trình viên công nhận rằng họ đã hưởng lợi từ các nguồn mở và hơn 77% các nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng phần mềm nguồn mở đã đem lại lợi ích cho tổ chức của họ qua việc rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm.
Chuẩn mở nói chung và mã nguồn mở nói riêng đang rất được quan tâm tại Việt Nam hiện nay theo nhiều khía cạnh khác nhau. Về mặt ứng dụng, các cấp lãnh đạo cũng như doanh nghiệp coi việc phát triển các công nghệ dựa trên chuẩn mở là hướng đi đúng phù hợp nhất với chúng ta hiện nay. Ví dụ, phát triển các công nghệ mới về điện toán đám mây, hội nghị truyền hình… dựa trên các chuẩn mở và mã nguồn mở. Triển khai thử nghiệm thiết bị 5G của Việt Nam trên mạng lưới và tiến tới thương mại hoá 5G bằng thiết bị trong nước đi theo hướng chuẩn mở, đạt chuẩn an toàn an ninh mạng Việt Nam trong năm 2020. Tổ chức Đại hội mã nguồn mở Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ theo hướng này trong năm 2020, vừa phát triển đất nước vừa đóng góp cho thế giới cũng như tận dụng được tinh hoa của thế giới vào Việt Nam. Về mặt sở hữu trí tuệ, mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm được nâng lên đến 500 triệu đồng, thậm chí có thế bị xử lý hình sự. Điều này khiến các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp phải cân đối đến phương án sử dụng phần mềm nguồn mở để thay thế: Thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 1/3/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra các quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục; tháng 2/2016, Tập đoàn VNPT có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập đoàn gỡ bỏ toàn bộ phần mềm Microsoft Office và thay bằng LibreOffice nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Dargan, P. A. (2005). Open systems and standards for software product development. Artech House, Inc..
- Jakobs, K. (Ed.). (2005). Advanced Topics in Information Technology Standards and Standardization Research, Volume 1. IGI Global.
- Perens, B. (2006). Open standards principles and practice. Online: http://perens.com.
- Russell, A. L. (2014). Open standards and the digital age. Cambridge University Press.