Mo Thái, trong văn hoá tín ngưỡng của dân tộc Thái, có hai nghĩa riêng biệt nhưng có quan hệ với nhau: danh xưng dùng để chỉ những người được tin là có năng lực đặc biệt có thể giao tiếp, tác động đến thế lực siêu nhiên để phục vụ mục đích tín ngưỡng, tâm linh của con người (thầy mo) và áng văn bằng lời được các thầy mo đọc lên trong các lễ cúng hay đám ma (bài mo).
Sự xuất hiện của mo Thái, ở cả hai nghĩa, gắn liền với vũ trụ quan đã tồn tại hàng trăm năm của người Thái về sự tồn tại của các phi – khoăn (hồn vía và ma), của thế giới và các thế lực siêu nhiên xung quanh họ. Các thế lực siêu nhiên được tin là có sức mạnh có thể tác động tốt hoặc xấu đến hồn vía của con người cũng cũng như sự tồn tại của thế giới xung quanh họ. Trong vũ trụ quan này, thầy mo, qua các bài mo, được coi là những người đứng ra làm trung gian để kết nối giữa con người và thế giới siêu linh. Vì vậy, mặc dù khó có thể xác định chính xác mốc thời gian cụ thể về sự xuất hiện của mo Thái, song có thể khẳng định rằng mo là nhóm người đóng vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người từ lâu đời. Những tác phẩm văn học cổ, có niên đại hàng trăm năm, như Quám tố mướng (kể chuyện bản mường) hay Táy pú xấc (kể chuyện ông cha đánh giặc) đều có những nội dung nhắc đến danh xưng mo cũng như nói về tầm quan trọng của thầy mo và các bài mo. Trong nội dung của Quám tố mướng, thầy mo được then, vị thần tối linh ở trên trời cử xuống trần gian để hướng dẫn, trợ giúp các hoạt động liên quan đến đời sống tín ngưỡng, tâm linh cho người dân ở các bản, mường. Trên các chặng đường thiên di khắp vùng miền núi Tây Bắc để tìm đất lập bản, dựng mường của mình, Lạng Chượng, vị thần tổ của người Thái Đen, cũng phải nhờ đến các thầy mo trợ giúp về mặt tâm linh để các chuyến đi được thuận lợi, bình an.
Thầy mo
Mo Thái được chia thành hai dòng riêng biệt, với hai tên gọi khác nhau và chức năng khác nhau: mo một (chuyên cúng lễ để chữa bệnh) và mo xên/xơ (chuyên cúng lễ với mục đích tâm linh đơn thuần ở cấp độ gia đình và cộng đồng). Cả mo một và mo xên – xơ có vị thế đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người Thái. Vì vậy, một người muốn trở thành mo phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau. Ngoài việc am hiểu sâu về phong tục tập quán và quy trình các nghi lễ liên quan, một ông mo, đặc biệt là dòng mo xên/xơ, chỉ được cộng đồng và thế giới thần linh chấp nhận khi người đó thuộc về một dòng họ nhất định. Ở nhiều vùng Thái, chẳng hạn như vùng Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La) hay Mường Vạt (Yên Châu, Sơn La) đó là dòng họ Lường, được thể hiện rõ ở câu nói “Lương hệt mo, Ló hệt táo - họ Lường làm mo, họ Lò làm tạo”. Quan trọng hơn, đối với cả hai dòng mo, ngoài các tiêu chí trên thì người muốn làm mo phải có táy, tức được ông tổ nghề lựa chọn. Tín ngưỡng dân gian cho rằng, nếu ông tổ nghề không truyền được táy cho con cháu thì gia đình, dòng họ đó sẽ không khỏe mạnh, không ăn lên làm ra. Ngược lại, khi một người nào đó trong dòng họ của những người làm mo được ông tổ mo “lựa chọn” thì người đó sẽ không được từ chối. Trong dân gian hiện nay vẫn còn truyền tụng những câu chuyện huyền bí liên quan đến những người được lựa chọn làm mo. Từ quan niệm có táy và được truyền táy như vậy nên mỗi một ông mo đều phải có bàn thờ riêng để thờ táy (tổ sư), của mình. Trước mỗi lần đi làm lễ, mo đều phải xin phép ông tổ để dùng các xeng (tức âm binh) mà người đó sở hữu. Sau mỗi buổi lễ, ông phải làm mâm cúng để tạ lễ tổ nghề. Trong khi làm lễ tại đám ma, gia đình người chịu tang cũng phải làm một mâm cúng nhỏ cho tổ sư của thầy mo đặt tại nơi hành lễ của thầy mo.
Trước đây, ngoại trừ những thầy mo được đứng vào trong hệ thống quản lý của tổ chức bản mường (phụ trách phần nghi lễ cho cả cộng đồng), được chính quyền phìa tạo cấp ruộng và bổng lộc, thu nhập của các thầy mo chủ yếu là từ lao động sản xuất của chính bản thân họ. Tuy nhiên, khi đi làm lễ, mo cũng được trả công thông qua các lễ vật cúng như gạo, thịt, vải vóc, rượu hay tiền. Số lượng các vật cúng mà các gia đình trả cho thầy mo được tập quán quy định rõ ràng. Ngoài thịt, gia đình chủ lễ còn phải đưa thêm gạo, hai sải vải và một ít tiền. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra buổi lễ, nhất là đám tang người nhà thầy mo được biếu một ngày hai mâm cơm trong đó có đủ rượu, cơm và thịt. Hiện nay, ngoài các lễ vật mang tính tập tục, gia chủ thường đưa thêm cho các thầy mo một khoản tiền nhất định và số lượng ít hay nhiều phụ thuộc vào quy mô và tính chất của nghi lễ. Với chức năng là người cúng lễ để chữa bệnh, mo một (thường là phụ nữ), là người có khả năng xem bói (dượng) để chẩn đoán, bắt các loại bệnh do các thế lực siêu nhiên gây ra. Trợ giúp cho mo một trong quá trình tìm vía và bắt vía về là các âm binh (phi một) của bà. Mo một càng cao tay thì âm binh càng nhiều. Trong cả quá trình nghi lễ, mo một vừa dùng lời để điều khiển âm binh vừa để giao tiếp, thương thoả với các thành linh nhằm tìm và bắt vía bị lạc trở lại với thân thể người bệnh. Những người được bà chữa khỏi bệnh sẽ trở thành con nuôi (lục liếng) của bà. Nghi lễ Một do bà Một và các con nuôi của bà tổ chức, 2-3 năm một lần, để tạ ơn tổ nghề (môn) và các âm binh (phi một) đã giúp bà chữa trị bệnh. Trong nghi lễ này, các điệu múa một được sử dụng với mục đích để chào đón lực lượng siêu linh, mời các thần linh ăn và hầu vui cho họ khi họ ở trần gian.
Tương tự như mo một, mo xên/xơ cũng được tin là những người có khả năng giao tiếp với thế giới thần thánh và linh hồn. Đối với những buổi lễ liên quan đến các lực lượng thần thánh, ma quỷ như xên bản, xên mường…, ông mo chỉ đóng vai trò là người trung gian để cầu xin sự phù hộ, giúp đỡ của các lực lượng này. Ngược lại, trong các buổi lễ liên quan đến hồn vía con người đang sống như các buổi lễ xên khoăn (gọi hồn), và hồn người mới chết như trong đám ma thì ông mo lại dùng uy lực để hướng dẫn và thuyết phục lực lượng này làm theo ý của mình. Uy lực của ông mo, trong trường hợp này thường dựa vào các xeng (cũng được hiểu là âm binh) do tổ tiên truyền lại. Khác với tầng lớp thầy tào của người Tày, Nùng, thầy cúng của người Dao, cá nhân các thầy mo của người Thái không có một ý thức rõ ràng và chính xác về số lượng xeng mà họ có. Trong bản thân những người làm mo với nhau, người nào làm nghề lâu năm hơn sẽ được coi là người có nhiều âm binh hơn.
Trong số các nghi lễ mà mo xên/xơ đảm trách, tang lễ (hệt phi) là nghi lễ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của mo nhất. Thông thường, một đám tang thường diễn ra từ 2 đến 3 ngày với nhiều quy trình nghi lễ phức tạp. Trong cả quy trình diễn ra tang lễ, mo không chỉ là người hướng dẫn tất cả thực hành tôn giáo mà còn là người quyết định việc có thể “đưa” được các linh hồn của người chết lên được thế giới siêu nhiên với các ông bà tổ tiên hay không. Để làm được việc này, ngoài nhờ vào sức mạnh của các xeng, các thầy mo còn phải sử dụng đến nhiều dụng cụ khác nhau để hành lễ. Dụng cụ quan trọng nhất có thể trừ được ma quỷ khi mo dẫn hồn người chết lên trời là con dao găm bằng đồng (mịt lem) và khoan tong phá (tạm dịch là rìu đồng của ông trời, thường tìm thấy ở những địa điểm bị sét đánh). Mỗi loại dụng cụ này đều được coi là có một số lượng xeng nhất định. Vì thế, trước khi đi làm lễ, ông chủ của chúng phải làm mâm cúng nho nhỏ để gọi các âm binh của gươm và rìu đồng đi cùng. Ngoài ra, khi đi làm lễ, mỗi thầy mo còn phải mang theo các khụt (một số vật không bình thường như răng nanh của những con lợn rừng bị chết già trong rừng, chim chích chết khô trong tổ, những con nhện độc, vv) để bảo vệ cho vía của ông không bị những loại ma xấu trên trời làm hại trong các chuyến đi chu du lên trời của ông cùng với hồn ma người chết. Trong lúc mo, tùy theo nội dung của từng đoạn mo các đồ vật này được thầy mo sử dụng. Ví dụ, khi mo đến đoạn lên trời tìm hồn người chết trong bài mo Tảy láng chếp, thầy mo sẽ vác kiếm lên vai. Khi nói đến đoạn dùng xeng đuổi các loại ma xấu ông lại cầm kiếm chém tượng trưng xung quanh quan tài, v.v...
Lời mo
Nội dung lời mo trong lễ cúng của cả mo một và mo xên/xơ, đặc biệt là mo đám tang, cho thấy mo Thái đều có khả năng “xuất hồn” để cùng với một số phụ tá (âm binh và hồn vía của các dâu rể ma, vv…) sang thế giới siêu nhiên. Một số nhà nghiên cứu coi khả năng xuất hồn của cả hai dòng mo như là biểu hiện của Shaman giáo. Tuy nhiên, nếu xem xét các tiêu chí để trở thành một thầy shaman theo các nhà Shaman học thì chỉ có mo một đáp ứng được các tiêu chí. Bởi vì, ngoài tiêu chí “xuất hồn”, hay nhập hồn (xuất thần và nhập thần), những người được coi là thầy Shaman còn phải đạt được trạng thái ngây ngất (acstasy) trong lúc hành lễ và người đó phải có một khả năng đặc biệt nào đó. Các thầy mo thuộc dòng mo xên/xơ tuy được coi là những người có thể “xuất thần” (để dẫn linh hồn người chết lên trời như trong tang lễ) nhưng họ lại không có được tiêu chí thứ hai hoặc thứ ba. Tuy nhiên, ở các thầy mo Thái thì quan niệm xuất hồn hay xuất thần có thể hiểu khác so với quan niệm về xuất hồn và xuất thần trong shaman giáo, đó là một sự xuất thần mang tính tưởng tượng. Ví dụ, trong đám ma, ngoài ông mo thì còn có cô dâu và chàng rể ma (những người được chọn trong số họ hàng bên ngoại hay nội của người chết) cũng phải xuất hồn đi lên trời để làm công việc phụ tá cho thầy mo và hồn của người chết. Ngoài ra, nếu lấy tiêu chí “xuất hồn” để gán cho thầy mo có khả năng như thầy shaman thì tất cả những người làm công việc thực hành tôn giáo sẽ có khả năng này, vì ở tất cả các nghi lễ nhỏ nhất của người Thái như làm vía thì thầy mo đều được coi là người phải đi lên trời để mời các linh hồn bị lạc trở lại vị trí của nó.
Giống như sự khác biệt trong giới những người làm mo, các bài mo cũng có nội dung khác nhau tùy theo mục đích và yêu cầu của buổi lễ. Các bài mo khoăn (cúng hồn) là những lời vỗ về, dụ dỗ với mục đích đem lại cho vía của những người còn sống thêm tinh lực. Các bài mo trong những ngày lễ tết, ngày vui của gia đình, làng bản lại mang những nội dung mời các vị thần thánh, ông bà tổ tiên đến tham gia vào ngày vui để từ đó mà phù hộ độ trì cho con người. Các bài mo liên quan đến hoạt động lao động sản xuất thì vừa là những lời cầu xin sự phù hộ giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên đồng thời lại là những bài dăn dạy các thế hệ người Thái nhớ lại những kình nghiệm sản xuất, nông lịch, v.v... Trong số các bài mo thì mo trong đám tang chiếm vị trí quan trọng nhất. Đây là hệ thống các bài ca bằng văn vần được các ông mo ngâm lên bằng những điệu khác nhau theo nội dung của từng phần, phù hợp với các động tác lễ thức trong đám ma. Với mục đích tín ngưỡng là đưa được hồn ma của người chết sang với thế giới của ông bà tổ tiên (đẳm) trên mường trời, nên mo ma có những nội dung và được trình bày theo một trình tự rất nghiêm ngặt của lễ tang. Kèm theo nội dung của mỗi phần mo, mỗi đoạn mo, là các động tác thực hành tín ngưỡng với cùng mục đích liên tưởng do thầy mo thực hiện. Ngược lại, mỗi một động tác lễ thức trong đám tang lại cần có những lời mo, bài mo phù hợp. Chính từ những mối quan hệ khăng khít này đã tạo cho đám ma có được một chỉnh thể thống nhất, trong đó các thành tố không thể tách rời nhau.
Là phương tiện để các thầy mo giao tiếp với hồn vía, thần linh nên mo ma chứa đựng nhiều yếu tố về nhân sinh quan, vũ trụ luận Thái. Nội dung các bài mo là sản phẩm của sự tư duy trừu tượng, của niềm tin tôn giáo tín ngưỡng của tộc người. Các bài mo cũng cho thấy rõ về mối quan hệ giữa người sống với người chết, giữa con người với thần linh, giữa thế thế giới thực tại của con người với các thế giới tưởng tượng trong khoảng không vũ trụ. Những niềm tin tôn giáo tín ngưỡng, sự tư duy trừu tượng này là nguồn gốc ra đời và là nền tảng cho sự tồn tại dai bền của các bài mo nói riêng và các thực hành tín ngưỡng tôn giáo nói chung. Ngược lại, các bài mo là những công cụ nhằm chuyển tải và lưu giữ các niềm tin, các giá trị văn hóa nhân văn, nhân bản của tộc người.
Lịch sử
Sau 1954, việc xoá bỏ thể chế quản lý xã hội bản mường và chính sách “chống mê tín dị đoan” đã làm cho tầng lớp mo chang, đặc biệt là dòng mo một, bị suy giảm đáng kể về số lượng. Trong giai đoạn này, nhiều thầy mo bị đưa đi cải tạo và các dụng cụ hành nghề của họ, kể cả các sách ghi lại các bài mo bằng chữ Thái, cung bị tịch thu và tiêu huỷ. Sau đổi mới 1986, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của các nghi lễ truyền thống, số lượng những người thực hành mo ngày một đông hơn. Các áng mo cũng được các nhà nghiên cứu và bản thân các thầy mo sưu tầm, dịch ra tiếng Việt và xuất bản. Giới mo chang được coi là nghệ nhân và nhiều thầy mo đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Tài liệu tham khảo
- Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
- Vương Trung, Mo Khuôn, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1999.
- Lương Thị Đại, Lò Xuân Hinh, Lời ca trong lễ xên bản xên mường của người Thái, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2010.
- Nguyễn Văn Hoà, Quám tố mướng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.
- Nguyễn Văn Hoà, Báo vía trần gian và báo vía mường trời, Truyện thơ cổ của ông Mo người Thái Đen vùng Tây Bắc, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2013.
- Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2017.