Biểu cảm là sự diễn cảm, truyền cảm, khả năng thể hiện cảm xúc, tình cảm của chủ thể.
Biểu cảm được thể hiện qua nhiều biểu hiện khác nhau như qua những thay đổi của các quá trình sinh lý, những biểu hiện hành vi, thời gian biểu cảm, qua những bức tranh tự vẽ phản ánh cảm xúc được dấu kín một cách vô thức…Biểu cảm của cá nhân có thể quan sát được hay không còn tùy thuộc vào xu hướng nhân cách của cá nhân (những người hướng ngoại thường thể hiện cảm xúc rõ ràng ra bên ngoài, còn những người hướng nội lại hướng vào bên trong), vào ý chí chủ quan và kỹ năng biểu cảm của họ (có người thể hiện cảm xúc tức thời qua những biểu hiện bên ngoài, song cũng có những người không có biểu hiện gì một cách chủ ý, dù cũng trải nghiệm cảm xúc tương tự).
Cả yếu tố di truyền và môi trường đều đóng góp vào việc hình thành hành vi biểu cảm. Nhiều hành vi biểu cảm là giống nhau ở các nền văn hóa. Các hành vi biểu cảm như cười, kêu khóc, vẻ mặt sợ hãi, tức giận (thể hiện qua vẻ mặt đe dọa, nắm chặt tay, mím môi…) hay buồn tồn tại ở con người thuộc nhiều nền văn hóa, cho thấy yếu tố di truyền có vai trò nhất định trong hình thành các hình thức biểu cảm ở con người. Những kiểu hành vi biểu cảm như vậy được các nhà tập tính học gọi là mô hình hành vi cố định, chúng có vai trò phát huy sự sống còn của loài. Song yếu tố môi trường, văn hóa có vai trò rất lớn. Nghiên cứu so sánh hành vi biểu cảm của nhóm trẻ mù bẩm sinh và nhóm trẻ mắt sáng cho thấy các hành vi biểu cảm nêu trên là giống nhau ở tất cả trẻ ấu thơ thuộc 2 nhóm. Sự khác biệt chỉ quan sát thấy khi các em lớn lên do trẻ mù không được tiếp thu và luyện tập xã hội như các em sáng mắt. Tuy nhiên, trẻ khuyết tật vẫn có thể có được những hành vi biểu cảm như trẻ bình thường nếu như các em được dạy theo những cách phù hợp. Ví dụ, trẻ mù và điếc vẫn có thể học được cách biểu lộ trên mắt bằng cách sờ vào mắt mẹ và bắt chước các cử động của mắt mẹ. Do chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố môi trường nói chung, văn hóa nói riêng nên hành vi biểu cảm của những người cùng chung sống trong một quốc gia, một nền văn hóa, cùng một dân tộc, thậm chí thuộc một nhóm xã hội thường giống nhau.
Quan sát và nghiên cứu so sánh giữa các nhóm lứa tuổi khác nhau, giữa nhóm trẻ khuyết tật (mù hoặc điếc bẩm sinh hoặc có cả hai khuyết tật) và trẻ bình thường, giữa các nhóm dân tộc khác nhau là những phương pháp được sử dụng nhiều để xác định khác biệt trong biểu cảm của con người
Biểu cảm có chức năng quan trọng trong quá trình phát triển cá nhân và trong việc vận hành các quan hệ xã hội. Đó là phương tiện tác động đến người khác, là công cụ quan trọng trong giao tiếp xã hội. Biểu cảm không phù hợp với tình huống giao tiếp, biểu cảm thái quá hoặc thiếu hụt biểu cảm đều làm cho đối tác giao tiếp hiểu không đầy đủ hoặc không chính xác ý muốn của chủ thể giao tiếp, dẫn đến giao tiếp không thành công, thậm chí có thể xảy ra xung đột
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb Từ điển bách khoa , Hà Nội 2008.
- Maurige Reughlin, Tâm lý học đại cương, Nxb Thế giới, Hà Nội 1995, tập III.
- Patricia H. Miler. Các lý thuyết về tâm lý học phát triển, Nxb Văn hóa thông tin 2003.