(1913 – 1991)
nhà khoa học Vật lý, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay.
Nguyên quán xã Minh Hương, huyện Hương Trà, thành phố Huế.
Ông xuất thân trong một gia đình viên chức. Cha ông là chủ sự bưu điện, nên ông đã theo cha sống ở Tây Nguyên từ nhỏ; cho đến năm 11 tuổi ông mới chuyển về Huế. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người học giỏi, thông minh. Năm 1932, Ông tốt nghiệp loại xuất sắc cả ba bằng Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán, và Tú tài Tây ban Triết. Ông được cấp học bổng toàn phần sang Pháp du học. Tại Trường ĐH Sorbonne, Paris, một trường lâu đời và nổi tiếng của Pháp, với bẩm tính thông minh, lòng say mê học tập, ý chí quyết tâm đạt tới đỉnh cao khoa học, chỉ gần 3 năm sau đó ông đã được nhận tấm bằng cử nhân khoa học xuất sắc và chỉ ít lâu sau, ông trở thành Thạc sĩ Vật lý – Hóa học đầu tiên của Việt Nam trên đất Pháp.
Đầu năm 1939, Ông được nhận làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của nhà bác học Vật lý hạt nhân nổi tiếng người Pháp, GS. Frederic Joliot Curie, người được nhận Giải Nobel. Rất tiếc khi ông làm luận án Tiến sĩ mới được một năm thì Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Nghe theo lời khuyên của GS. Joliot Curie “Đất nước của anh cần anh hơn là nước Pháp”, ông đã từ giã người thầy uyên bác và nhân hậu của mình để về nước cuối năm 1939. Về nước, ông giảng dạy tại Trường TH Chasseloup (Sài Gòn), rồi Trường Bưởi (Hà Nội) chính vào thời điểm phong trào Việt Minh chống thực dân Pháp đang dâng cao trên toàn quốc.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, ông tình nguyện rời Hà Nội, lên Việt Bắc tham gia cách mạng, cùng toàn dân chống Pháp. Ông đã từng kinh qua các chức vụ như Phó Giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Đông Dương học xá, Tổng Giám đốc Trung học vụ kiêm Đổng lí sự vụ Bộ Quốc gia - Giáo dục, Giám đốc Trường Sư phạm cao cấp ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung quốc). Miền Bắc giải phóng, ông trở về Hà Nội và được giao nhiệm vụ xây dựng ngành đại học và giảng dạy Vật lý taị Trường SP KH.
Ngày 04/06/1956, Chính phủ đã ra Quyết định số 2184/TC về việc thành lập 5 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), trường đại học khoa học cơ bản đầu tiên của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Quyết định bổ nhiệm GS. Ngụy Như Kontum giữ chức Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường. Được giao nhiệm vụ vào thời điểm đơn vị vừa thành lập, còn muôn vàn khó khăn, Ông đã tích cực cùng tập thể lãnh đạo tìm mọi cách khắc phục, tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng đưa Nhà trường vào quỹ đạo hoạt động theo chiều hướng phát triển. Chặng đường đầu tiên trong quá trình xây dựng, trưởng thành của Trường ĐHTHHN (1956 - 1965) dưới sự lãnh đạo của Ban Giám hiệu đứng đầu là GS. Ngụy Như Kontum đã kết thúc thắng lợi: Mục tiêu đào tạo được xác định; kế hoạch, chương trình giảng dạy, giáo trình hoàn chỉnh dần; nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo được tăng cường.
Những năm học diễn ra trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975) là khoảng thời gian thày và trò Trường ĐHTHHN phải liên tục sơ tán từ Hà Tây, Hà Bắc, rồi Thái Nguyên, nhưng chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường vẫn được đảm bảo để đóng góp hiệu quả vào nhiệm vụ cách mạng chung.
Năm 1975 miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đứng đầu là GS. Ngụy Như Kontum, Trường ĐHTHHN đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển các trường đại học phía Nam, đóng góp công sức quan trọng vào việc đưa các trường đại học phía Nam mau chóng ổn định và trở thành một bộ phận hữu cơ trong hệ thống giáo dục - đào tạo của đất nước.
Suốt 26 năm làm Hiệu trưởng cho đến lúc nghỉ hưu (1956 - 1982), Ông đã cống hiến hết mình cho sự phát triển toàn diện của Trường ĐHTHHN. Mặc dù bận rộn với công tác quản lí, lãnh đạo, ông vẫn bố trí thời gian để trực tiếp giảng dạy sinh viên, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, chủ trì và tham gia thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn lớn. Bên cạnh vai trò của một nhà quản lí có tầm, có tâm, Ông còn là một nhà Vật lý tài ba, có kiến thức chuyên môn uyên bác. Cùng với các nhà khoa học đồng nghiệp, ông đã sớm thành lập và xây dựng thành công một số chuyên ngành Vật lý ở Trường ĐHTHHN như: Vật lý địa cầu, Vật lý lí thuyết, Vật lý Hạt nhân và Quang phổ.
Là nhà khoa học có uy tín, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Vật lý Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ này liên tục trong suốt thời kỳ 1960-1982. Ông là tác giả nhiều công trình nghiên cứu Vật lý hiện đại và một số sách giáo khoa Vật lý ở bậc trung học và đại học. Sau đây là một số công trình do ông viết, dịch và tham gia biên soạn:
- Phương pháp giảng dạy môn Vật lý, NXB Đại học Sư phạm Khoa học Việt Nam, 1956.
- Cơ học, N.N. Anđrêep, NXB Trường Đại học Tổng hợp, 1957
- Cơ sở Vật lý, A. Handen, NXB Ủy ban Khoa học Nhà nước, 1959.
- Con mắt và Mặt Trời, X.I. Vavilôp, NXB Ngoại văn Matxcơva, 1959.
- Những quy luật của Tự nhiên, P.E. Peyowcxơ, NXB Khoa học, 1962.
- Danh từ Vật lý Nga - Anh - Việt, NXB Khoa học, 1964.
- Tiếng Việt và dạy đại học bằng tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, 1975.
- Từ điển tiếng Việt phổ thông, NXB Khoa học xã hội, 1975.
- Giải thích Đơn vị Đo lường Hợp pháp của Việt Nam, NXB Khoa học và Kĩ thuật, 1997.
- Tham gia biên soạn phần Vật lý của Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Bên cạnh vai trò là một nhà quản lí giáo dục, một nhà khoa học, Ông còn là nhà hoạt động xã hội có uy tín với những đóng góp không nhỏ ở những vị trí như: đại biểu Quốc hội khóa II, III và IV; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Chánh Thư kí Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Thế giới; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Pháp.
Trong suy nghĩ của các nhà khoa học, các thế hệ cán bộ, sinh viên Ông là một trí thức cách mạng, một nhà quản lí giáo dục có tầm nhìn, một nhà khoa học tài ba, một nhà hoạt động xã hội uy tín, một nhân cách lớn, một con người có tâm trong sáng, nhân hậu, giản dị, liêm khiết, khiêm nhường.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương và danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân v.v.
GS. Nguỵ Như Kontum mất vào ngày 28 tháng 3 năm 1991. Thi hài của ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Ở Hà Nội, Đại giảng đường của Đại học Quốc gia Hà Nội và một đường phố mới ở quận Thanh Xuân mang tên Ngụy Như Kontum. Ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một con đường thuộc địa phận quận Tân Phú mang tên ông. Tỉnh Kontum lập Quỹ khuyến học mang tên ông.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- GS. Ngụy Như Kontum (Kỉ niệm 100 năm ngày sinh 3/5/1913 – 3/5/2013), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 2013.
- 100 chân dung một thế kỉ Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 2013.
3. Nguyễn Hữu Dư, Tóm tắt tiểu sử GS. Ngụy Như Kontum - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, https://vi-vn.facebook.com/...ngụy-như-kontum...-/567280996650030/.