(A. Oceanic basin, cg. bồn trũng đại dương, lòng chảo đại dương)
dạng địa hình trũng, thấp dạng lòng chảo, tạo nên đáy các đại dương trên thế giới. Về mặt địa hình, BĐD là bộ phận thấp nhất của địa hình đáy đại dương, được giới hạn bởi sườn các lục địa và sườn các dãy núi ngầm ở đáy biển. Theo đó, các kiểu địa hình thềm lục địa, sườn lục địa, các đáy biển ven rìa, các máng nước sâu, sống núi ngầm ở đáy biển không không nằm trong phạm vi của BĐD. Diện tích các BĐD chiếm khoảng 54% diện tích đại dương và trên 40% diện tích bề mặt Trái đất.
Cấu tạo BĐD là kiểu vỏ đại dương điển hình, rất mỏng và không có tầng granit, thành phần chủ yếu là silic, sắt và magiê. Trên cùng là lớp trầm tích mỏng và bở rời, độ dày lớp trầm tích thường dao động từ 0,5 -1,0km. Ở giữa là lớp bazan, dày trung bình khoảng 2,5km. Ngoài ra còn có thể có lớp gabro ở dưới dày khoảng 5 km và phân bố không liên tục.
Độ sâu của BĐD thường từ 3.000 đến 6.000m nhưng phổ biến nhất trong khoảng 4.000 đến 5.000m dưới mực biển. Các kiểu địa hình cơ bản của BĐD là đồng bằng biển thẳm bằng phẳng và đồng bằng xen đồi (các đồi này được gọi là đồi biển thẳm). Đồi biển thẳm là các khối nâng dạng vòm có độ cao 50-1.000m, nhưng phổ biến ở độ cao 300m và chiều rộng đạt từ 1-10km. Đồng bằng biển thẳm chiếm diện tích lớn nhất của BĐD, có bề mặt phẳng lý tưởng với độ nghiêng luôn nhỏ hơn 0,001. Đây là kết quả của quá trình bồi tụ trầm tích dày trên đáy các BĐD rộng lớn và bằng phẳng, trong điều kiện vận động kiến tạo yếu. Những bồn trũng của Đại Tây Dương là nơi phổ biến các đồng bằng biển thẳm. Ở Ấn Độ Dương và đặc biệt là Thái Bình Dương, đồng bằng biển thẳm không điển hình và có diện tích nhỏ. Trong BĐD còn có những dạng địa hình dương như dãy núi hoặc cao nguyên được tạo bởi các nón núi lửa ngầm. Một số núi lửa nhô cao trên mực biển tạo thành hệ thống đảo nổi. Các núi chìm dưới nước có đỉnh bằng được gọi là núi ngầm, núi mặt bàn (guyot, tablemount). Địa hình guyot rất phổ biến ở Thái Bình Dương. Trong điều kiện biển ấm của vùng nhiệt đới, các guyot tạo điều kiện cho sự phát triển và hình thành những ám tiêu san hô phổ biến ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Đáy các BĐD liên tục được bồi tụ vật liệu từ nhiều nguồn gốc và thành phần khác nhau. Quá trình này gọi là lắng đọng đáy hoặc trầm tích đáy. Theo nguồn gốc và thành phần vật chất, trầm tích ở đáy BĐD được chia thành các nhóm là: trầm tích lục nguyên, trầm tích núi lửa, trầm tích nguồn gốc sinh vật, trầm tích nguồn gốc hóa học và trầm tích đa nguyên. Trầm tích lục nguyên chiếm hơn 2/3 tổng lượng trầm tích đáy. Trầm tích núi lửa không phổ biến và có tính khu vực. Chúng gồm những sản phẩm của hoạt động núi lửa (hiện đại và trong quá khứ) hoặc từ quá trình bóc mòn các thành tạo núi lửa ở lục địa và trên đáy đáy đại dương. Trầm tích nguồn gốc hóa học ít phổ biến hơn nhiều so với các loại trầm tích khác; Chúng gồm những kết hạch sắt - mangan, photphorit, oolit .... được tạo thành do quá trình biến đổi lâu dài, phức tạp của sắt, mangan và những nguyên tố khác. Trầm tích đa nguyên là một kiểu trầm tích đáy rất đặc biệt, chủ yếu cấu tạo từ sét đỏ vùng nước sâu, được tạo thành do kết quả biến đổi lâu dài các tàn dư sinh vật (cacbonat). Sét đỏ chỉ gặp ở những vùng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, nơi có độ sâu lớn hơn mực tới hạn tích tụ cacbonat. Tốc độ tích tụ trầm tích BĐD thường được xác định bằng độ dày lớp trầm tích theo thời gian. Ước tính chỉ khoảng hơn 6% tổng lượng trầm tích trên đáy biển và đại dương bồi tụ ở đáy BĐD, do đó trên phần lớn các BĐD thế giới, tốc độ trầm tích thường chỉ vài mm/1.000 năm. Nhiều đáy bồn ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tốc độ trầm tích chỉ ở mức dưới 1mm/1.000 năm.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Thị Minh Hằng (chủ biên), Địa chất cơ sở, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2002.
2. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002.
3. V. N. Malinhin, Hải dương học đại cương (phần 1: Các quá trình vật lý), Bản dịch của Phạm Văn Huấn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.
4. Trần Nghi, Địa chất biển, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
5. Từ điển bách khoa Britanica, tập 1, 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014.
6. Frederick K. Lutgens, Edward J. Tarbuck, Dennis Tasa, Essentials of geology, Pearson Education, Inc, 2012.
7. James S Monroe, Reed Wicander, Hazlett, Physical Geology: Exploring the Earth, Sixth Edition, Thomson Brooks/Cole, 2006.