(cg. Bạch Nga) Cộng hòa Belarus (the Republic of Belarus); thủ đô: Minsk; ngày quốc khánh: 3.7; diện tích: 207.600 km2; dân số: 9.491.900 người (2018); đơn vị tiền tệ: Ruble Belarus (BR).
nằm ở phần Đông châu Âu, tiếp giáp với các nước Nga, Ukraine, Ba Lan, Latvia và Lithuania; không tiếp giáp với biển nhưng có vị trí địa chính trị quan trọng, là một trong những tuyến đường chính nối Nga với Tây Âu. Địa hình khá bằng phẳng, phía bắc có những dãy đồi băng tích, phía nam có nhiều rừng và những dải đầm lầy rộng lớn. Điểm cao nhất tại B là đồi Dzyarzhynsk (cao 345 m), và điểm thấp nhất nằm trên lưu vực sông Neman (90 m). Trên lãnh thổ của B có khoảng 11.000 đầm lầy, trong đó, đầm lầy Polesie được ghi nhận là một trong những đầm lầy lớn nhất châu Âu; đa số những đầm lầy còn lại có diện tích mặt nước dưới 0.5 km2. Đặc trưng chung của các kiểu đầm lầy ở B là sự bão hòa nước theo mùa với thảm thực vật đặc thù và lớp than bùn khá dày. Có ba sông chính chảy xuyên đất nước là các sông Neman, sông Pripyat và sông Dnjep. Rừng chiếm trên 1/3 diện tích đất nước. Cùng với Ba Lan, B là quê hương của khu Rừng cổ Belavegskaya Pushcha - một khu rừng rộng lớn duy nhất còn lại của dải rừng từng che phủ khắp đồng bằng châu Âu. Khí hậu ôn đới lục địa, thay đổi thất thường. Mùa đông nhiều tuyết, sương mù và lạnh với nhiệt độ trong tháng 1 khoảng từ 4 0C đến −8° C. Mùa hè mát, ẩm với nhiệt độ trung bình 150C - 200C. Lượng mưa khoảng 600 - 700 mm. Cảnh quan đầm lầy ôn đới rộng lớn đan xen với thảm thực vật rừng trên các đồi băng tích lượn sóng được coi là một nguồn tài nguyên có giá trị du lịch sinh thái độc đáo. Tuy nhiên, môi trường sinh thái tại khoảng một phần năm lãnh thổ B bị nhiễm phóng xạ bởi thảm họa điện hạt nhân tại Chernobyn, Ucraine (năm 1986). Các nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ yếu: gỗ, một lượng nhỏ dầu mỏ và khí tự nhiên, than bùn, muối kali, đá granit, dolomite, cát sỏi và đất sét. Năm 2016, tỉ lệ tăng tự nhiên của dân số 0%; tuổi thọ trung bình 73 tuổi; dân số thành thị 71,7% . Có 81,2 % dân số là người B bản xứ, người Nga 11,4 %; người Ba Lan, người Ucraine lần lượt 3,9% và 2,4%. Có hơn 3 triệu người Belarus hiện sống ở nước ngoài. Tiếng Belarus, tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức. Tại các gia đình ở B hơn 72% người nói tiếng Nga, chưa đến 12% nói tiếng Belarus. Khoảng 82% dân số theo Nhà thờ Chính Thống Nga, 15% dân số theo Công giáo, số dân còn lại 19 theo đạo Hồi và đạo Do Thái. Các thành phố lớn: Minsk, Gomel, Moghilev, Vitebsk, Hrodno, Brest, Babruysk, Baranavichy, Barysaw và Pinsk.
B là nước đang phát triển trong không gian hậu Xô Viết. Năm 2017, GDP đạt 54,44 tỉ USD. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm 8,1% GDP và 9,7% lao động; công nghiệp 40,8% và 23,4% lao động; dịch vụ 51,1% và 66,8% lao động. Sản phẩm nông nghiệp chính: ngũ cốc, khoai tây, rau, củ cải đường, hạt lanh; thịt bò, sữa. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu: máy cắt kim loại, máy kéo, xe tải, máy xúc đất, xe máy, sợi tổng hợp, phân bón, dệt may, tủ lạnh, máy giặt và các thiết bị gia dụng khác. Năm 2017, xuất khẩu đạt 28,65 tỷ USD; nhập khẩu: 31,58 tỷ USD. Nga là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm 43,9% giá trị xuất khẩu của Belarus. Năm 1994, B tiến hành cải cách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường có điều tiết của nhà nước. Từ năm 1996, bất chấp chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây, nền kinh tế B có dấu hiệu phục hồi và bắt đầu tăng trưởng. Tháng 10. 2011, B khởi động dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên theo công nghệ của Nga.Trên lãnh thổ B, xã hội có giai cấp xuất hiện từ thiên niên kỉ I. Thế kỷ X - XII, hình thành quốc gia phong kiến Polosk thuộc nhà nước Nga Kyiv. Thế kỷ XIII - XIV thuộc Công quốc Lithuania. Thế kỷ XVII B hợp nhất vào Nga. Tháng 11.1917 thành lập chính quyền Xô Viết. Năm 1918 bị Đức chiếm đóng. Tháng 1.1919, thành lập Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Belarus. Năm 1922 gia nhập Liên Xô. Những năm 1941- 1944 bị phát xít Đức chiếm đóng, B tổn thất nặng nề với trên 2,2 triệu người chết. Năm 1991, tuyên bố độc lập sau khi Liên Xô tan rã. B theo thể chế cộng hòa tổng thống. Thành viên LHQ và nhiều tổ chức quốc tế khác. B đi theo đương lối đa nguyên chính trị. Ngày 2.4.1997, B đã kí Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh Nga - Belarus. Tuy nhiên, việc triển khai các điều khoản cụ thể còn gặp nhiều trở ngại. Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam 1998. Hai nước kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây. Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng, đạt 101 triệu USD (2017). Người Việt ở B được tạo điều kiện cư trú thuận lợi. Những người Việt đã lao động, học tập tại B trước năm 1992 được định cư hợp pháp.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thông tin cơ bản về Belarus, http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/cn_vakv/
2. Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê Việt Nam, 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2019.
3. Jitendra Uttam, Belarus, Encyclopedia of world geography, R.W. McColl, general editor, Facts On File, Inc., New York, 2005.
4. Belarus, The Word FactBook (2019), https://www.cia.gov/library/publications/resources/the-worldfactbook/geos/print_bo.html
5. Karen Ellicott and Susan Bevan Gall (editor), Junior worldmark encyclopedia of physical geography Volume 1.
6. Белору́ ссия, Большая Русская энциклопедия online, https://bigenc.ru/geography/text/3832136