Mục từ này cần được bình duyệt
Anh
Phiên bản vào lúc 13:26, ngày 5 tháng 1 năm 2021 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (A. United Kingdom, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, cg. Liên hiệp Anh, cg. Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

(A. United Kingdom, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, cg. Liên hiệp Anh, cg. Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen) Diện tích: 248,532 km2 Dân số: 65.105.246 người (2018) Thủ đô: Luân Đôn (51°30′N 0°7′W) Mã điện thoại: 0044(số điện thoại)

quốc đảo ở tây bắc châu Âu. Tên gọi chính thức Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen, được hình thành trên cơ sở sát nhập Vương quốc Anh với Xứ Uên (1536), Xcốtlen (1707) và Bắc Ailen (1922).

Anh là quần đảo lớn nhất nằm ở phía tây bắc Châu Âu, cách lục địa bởi eo biển Manche (Măngsơ). Điểm cực nam nằm ở 49°57'24.3"B, 5°12'25.2"T; điểm cực bắc 58°40'18.9"B 3°22'37.1"T; điểm cực tây 54°27'53.1"B 8°10'38.7"T và điểm cực đông là 52°28'51.9"B 1°45'46.9"Đ.

Quần đảo Anh-Ailen được tách ra khỏi lục địa Gondwana cách đây khoảng 500 triệu năm và sau đó trôi dạt lên về phía bắc. Thời kỳ lãnh thổ này còn là một bộ phận của Gondwana, thiên nhiên nhiệt đới ẩm ướt tạo điều kiện cho sinh vật phát triển nên ngày nay có nhiều than đá, đá vôi. Địa hình của Liên hiệp Anh có độ cao giảm dần từ phía bắc xuống phía nam, từ phái tây sang phía đông. Dạng địa hình đồi, núi có độ cao trung bình 400m đến 700m phân bố ở hầu hết lãnh thổ Xcốt len, Xứ Uên và phía bắc của Anh. Những đỉnh núi cao nhất của Liên hiệp Anh phân bố chủ yếu ở Scotland (Xcôtlen), trong đó cao nhất là đỉnh Ben Nevis (1345m) nằm ở cao nguyên Scot. Địa hình gò cao và đồng bằng phân bố phía nam và đông nam của vương quốc Anh. Bờ biển dài thứ 12 trên thế giới, rất khúc khuỷu có nhiều vũng sâu.

Khí hậu mang tính chất ôn đới hải dương. Do tác động của dòng hải dương nóng Gulfstream (Gơnxtrim) nên khí hậu A ôn hòa và ẩm ướt hơn các nước khác cùng vĩ độ. Hiện tượng sương mù làm cho khoảng 50% thời gian trong năm bị u ám. Các tháng lạnh nhất là tháng 1 và 2 với nhiệt độ trung bình khoảng 0 – 6 oC, tháng nóng nhất là tháng 7 và tháng 8 với nhiệt độ trung bình khoảng 25oC. Lượng mưa trung bình năm 800 – 1200mm. Scotland là nơi có lượng mưa lớn nhất 1500mm/năm, trong khi đó ở Bắc Ailen khoảng 1100mm và Vương quốc Anh 850mm.

Mạng lưới sông có mật độ dày đặc nhưng chiều dài các con sông đều ngắn. Các sông dài nhất là sông Xivơn (Severn) 354 km đổ vào vịnh Brixtôn (Bristol Cannal), sông Thêm (Thames) 346 km và sông Tren (Trent) 297 km.

A là nước có ưu thế về tài nguyên so với các nước khác ở Châu Âu. Diện tích đất nông nghiệp chiếm 71% đất tự nhiên. Trữ lượng các loại khoáng sản như quặng sắt, đồng, chì, bạc, than đá lớn và là nguồn lực quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa từ đầu thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20. Dầu mỏ có trữ lượng thương mại khoảng 2,56 tỉ thùng, đứng thứ 30 trên thế giới và có trữ lượng tiềm tàng khoảng hơn 10 tỉ thùng.

Hệ thống hành chính của A được hình thành theo cơ chế tam quyền phân lập: Lập pháp, tư pháp và hành pháp. Quốc hội gồm thượng viện (House of Lords) và hạ viện (House of Commons) có quyền lực cao nhất trong việc xác lập luật pháp, sử dụng công quỹ, giám sát hoạt động của chính phủ. Tư pháp gồm Tòa án Tối cao, Tòa án Hoàng gia, các Tòa án Vương quốc Anh, Xcốtlen, xứ Uên và Bắc Ailen. Hoạt động Tư pháp có lịch sử lâu đời, có tính chất pháp lí cao được nhiều nước vận dụng. Đứng đầu quyền hành pháp của Liên hiệp Anh là Nữ hoàng, tuy nhiên từ năm 1721 đến nay quyền hành thực tế được chuyển giao cho chính phủ đứng đầu là Thủ tướng.

Hiện nay, A còn nắm chủ quyền của 14 lãnh thổ hải ngoại: Anguilla; Bermuda; lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh; lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh; quần đảo Virgin thuộc Anh; quần đảo Cayman; quần đảo Falkland; Gibraltar; Montserrat; Saint Helena, Ascension and Tristan da Cunha; quần đảo Turks và Caicos; quần đảo Pitcairn; Nam Georgia và quần đảo Nam Sandwich; Akrotiri và Dhekelia trên đảo Síp.

Quá trình định cư của con người đến lãnh thổ A xuất hiện cách đây khoảng 30.000 năm. Tuy nhiên, chỉ từ khi vùng quần đảo Anh-Ailen bị đế quốc La Mã xâm chiếm (năm 43 sau CN) và quá trình di cư của người AngloSaxons từ Đức đến miền nam đảo Anh mới để lại nhiều dấu ấn đến dân cư ngày nay. Quá trình mở rộng địa bàn cư trú của người Anglo-Saxons đã hình thành lãnh thổ Vương quốc Anh (England – Đất của người Anglo-Saxons).

Suốt thời kỳ từ thế kỷ thứ 1 đến nửa đầu thế kỷ 18 dân số quần đảo AnhAilen vẫn tăng chậm. Bắt đầu từ khoảng năm 1730 tỉ suất tử của trẻ em giảm mạnh nhưng tỉ suất sinh vẫn cao nên dân số tăng rất nhanh gây ra hiện tượng bùng nổ dân số được biết đến đầu tiên trên thế giới. Trong thế kỷ 19, dân số Anh và Ailen tăng từ 15 triệu năm 1800 lên 37,8 triệu năm 1901. Đây cũng là thời kì dân cư A có nhiều biến động bởi các nạn đói thường xẩy ra và số dân di cư sang Bắc Mỹ nhiều nhất.

Dân số A hiện nay có tỉ suất gia tăng tự nhiên là 0,17% (2018). Dân số đang trong quá trình già hóa. A là một trong những nước có chính sách kiểm soát nhập cư chặt chẽ nên dân cư gốc Châu Á chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 6,9%, người Anh gốc da trắng chiếm tỉ lệ 87,17%. Tôn giáo của dân cư đa dạng gồm Công giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo… trong đó Công giáo chiếm tỉ lệ lớn nhất là 59,5%.

A là nước có nền kinh tế phát triển với trình độ cao và quy mô lớn. Năm 2018, GDP (định danh) là 2,828 tỉ USD (3,038 tỉ USD tính theo PPP). Trong GDP, tỉ trong ngành dịch vụ chiếm 80,2%, ngành công nghiệp chiếm 19,2% và ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 0,6%.

Ngành dịch vụ gồm 14 nhóm ngành liên quan đến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và có ảnh hưởng đến quy mô toàn cầu. Các ngành phát triển nhất là dịch vụ tài chính – ngân hàng, du lịch, bảo hiểm, vận tải, khoa học và kĩ thuật, thương mại. London là trung tâm tài chính, du lịch, vận tải hàng đầu thế giới. Năm 2012, giá trị giao dịch chứng khoán là 3.019 tỉ USD và có số lượng khách du lịch quốc tế đến là 27 triệu lượt.

Công nghiệp phát triển sớm nhất trên thế giới. Từ đầu thế kỷ 20, A đã thực hiện xong công cuộc công nghiệp hóa. Các ngành công nghiệp luyện kim, dệt, đóng tàu, chế tạo máy, hóa chất, khai thác than phát triển với quy mô rất lớn trong giai đoạn 1800 – 1950, hiện nay đã bị suy giảm. Thay thế vào đó là các ngành công nghiệp chế tạo ô tô, hàng không vũ trụ, dược phẩm, chế tạo thiết bị dệt, công nghiệp viễn thông, dầu mỏ và khí đốt. Năm 2018, giá trị sản xuất ngành công nghiệp là 543 tỉ USD.

Nông nghiệp đạt trình độ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, môi trường và phát triển xanh. Sản xuất trong nông nghiệp tập trung chủ yếu ở 212.000 trang trại và do 476.000 lao động thực hiện. Nông sản chủ yếu là sữa, thịt bò, thịt gà, thịt gà tây, trứng, lúa mì, dầu hạt cải, đường củ cải, táo và rau củ. Sản xuất nông nghiệp cung cấp được khoảng 55% - 60% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập khẩu.

Tài liệu tham khảo

1. R.W. Mccoll, Ph.d. General editor, Encyclopedia of world geography, Copyright © 2005 by Golson Books, Ltd. Published by Facts On File, Inc, tr 930.

2. http://data.un.org/en/iso/gb.html

3. Mark Stephens, Services sector, UK: 2008 to 2018, Office for National Statistics, 2 April 2019.

4. https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/uk.html