Tết trồng cây là phong trào rộng rãi trong nhân dân cả nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào dịp Tết năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Để chuẩn bị phát động phong trào, trong bài viết trên báo Nhân dân số 2.082, ngày 28.11.1959, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Tết trồng cây" để phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của phong trào này và “đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây", việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Nếu tất cả nhân dân miền Bắc, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, mỗi người trồng một hoặc vài ba cây vào dịp Tết hằng năm và chăm sóc cho tốt, làm được như thế thì trong năm (từ 1960 – 1965) của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cả miền Bắc sẽ có được 90 triệu cây. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân. Người kêu gọi Bộ Nông Lâm và các địa phương chuẩn bị tốt cho ngày "Tết trồng cây".
Cuối năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng "Tết trồng cây" từ ngày 06.01 – ngày 06.02.1960 và khuyên nhân dân cần duy trì phong trào trong những năm sau. Ngày 11.01.1961, Người trồng cây đa ở công viên Bảy Mẫu (nay là công viên Thống nhất) mở đầu phong trào "Tết trồng cây". Nói chuyện với một số cán bộ và nhân viên tham gia buổi trồng cây này, Người cho rằng: chúng ta làm đây là làm cho bản thân, cho con cháu mình. Hồ Chí Minh theo dõi chặt chẽ việc thực hiện "Tết trồng cây".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó đến nay, mỗi khi xuân đến, nhân dân Việt Nam lại tổ chức "Tết trồng cây", "Tết trồng cây" đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế và quốc phòng, góp phần làm giàu đẹp cho Tổ quốc.
Cùng với Tết trồng cây, Đảng và Nhà nước có nhiều chương trình, dự án về trồng rừng và phục hồi rừng như: dự án 327, dự án 661,…. Kết quả cụ thể:
Giai đoạn 1998-2005: Trồng rừng: trồng được 1.309.380 ha, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 644.823 ha, trồng rừng sản xuất 664.557 ha.
Trồng rừng sản xuất giai đoạn này đạt thấp chủ yếu là do thị trường lâm sản chưa được khai thông, nguồn giống chưa được cải thiện, năng suất rừng thấp,chưa tạo động lực khuyến khích người dân tham gia trồng rừng.
Giai đoạn 2006- 2010: Trồng được 1.140.630 ha. Trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 253.265 ha, trồng rừng sản xuất 887.365 ha.
Cơ cấu cây trồng trong rừng gồm một số loài chủ lực như sau: 1) Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng: các loại cây bản địa được trồng như: Thông nhựa, Thông đuôi ngựa, Thông caribea, Muồng đen, Huỷnh, Chò chỉ, Giổi, Lát hoa, Sao đen, Dầu rái, Vên vên,...cây phù trợ chủ yếu là Keo các loại; 2) Trồng rừng phòng hộ ven biển: Phi lao, Keo lưỡi liềm, Keo chịu hạn; 3) Trồng rừng ngập mặn: Tràm, Đước, Bần chua, Vẹt, Dù, Sú…; 4) Trong rừng sản xuất, chủ yếu là các loại Keo, Bạch đàn.
Do chọn giống tốt và giống cây trồng được cải thiện nên năng suất rừng trồng sản xuất ngày càng cao, bình quân đạt 15m3/ha/năm. Nhiều nơi chọn giống tốt và có biện pháp lâm sinh phù hợp có thể đạt tới 30m3/ha/năm.
Tết trồng cây đã góp thêm hương sắc cho Đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững theo di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Mùa Xuân là tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trấn Văn Giàu, Vĩ đại một con người, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.73
- Báo cáo số 243 /BC-CP ngày 26.10.2011 của Chính phủ trước Quốc hội về việc: Tổng kết thực hiện Dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng” và Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.