(1945)
Sự kiện công bố Tuyên ngôn độc lập của Indonesia ngày 17.8.1945 tại Thủ đô Jakarta, đánh dấu sự khởi đầu cuộc đấu tranh đòi thực dân Hà Lan công nhận nền độc lập dân tộc của Indonesia.
Từ thế kỷ XVII, phong trào dân tộc chống thực dân Hà Lan xâm lược đã lan rộng ở Indonesia. Đầu thế kỷ XX, sau khi thực dân Hà Lan hoàn tất cuộc xâm lược và áp đặt ách thống trị đối với Indonesia, phong trào dân tộc chống lại sự xâm lược và cai trị của thực dân Hà Lan phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của phong trào dân tộc theo xu hướng tư sản là sự xuất hiện của phong trào theo xu hướng vô sản với sự thành lập Đảng Cộng sản Indonesia vào tháng 5.1920 (Partai Komunis Indonesia - PKI). Sau khi thành lập, PKI phát triển nhanh chóng về số lượng đảng viên và các tổ chức cơ sở. Trong những năm 1923-1927, PKI lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân với đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Java tháng 11.1926 và Sumatra tháng 1.1927. Do chưa có sự chuẩn bị chu đáo và thống nhất trong hành động, các cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu và thất bại. PKI bị đình chỉ hoạt động, phong trào độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của PKI đi vào bế tắc.
Sau thất bại của PKI, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc theo xu hướng tư sản ở Indonesia ngày càng mở rộng với sự tham gia của đông đảo trí thức cấp tiến, sinh viên, học sinh… Lãnh tụ của phong trào, Sukarno, một trí thức yêu nước đã đứng ra thành lập Đảng Dân tộc Indonesia (Partai Nasional Indonesia - PNI) vào ngày 4.6.1927. Với mục tiêu thống nhất toàn thể dân tộc giành độc lập tự do cho Indonesia, ngay từ khi mới thành lập, PNI đã thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đồng thời nắm vai trò lãnh đạo phong trào độc lập dân tộc ở Indonesia. Với đường lối đấu tranh “bất bạo động”, “bất hợp tác” với các chính sách của chính quyền thực dân, PNI chủ trương dùng đấu tranh chính trị để giành độc lập dân tộc.
Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Indonesia chuyển sang một giai đoạn mới kể từ khi quân đội Nhật chiếm đóng Indonesia vào năm 1942. Các cuộc đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa nông dân bùng nổ ở Aceh, Tây Nam Kalimantan, Java… chống lại ách thống trị của quân đội Nhật bị đàn áp đẫm máu. Các hoạt động đấu tranh chính trị đều bị chính quyền chiếm đóng cấm đoán. Trong bối cảnh đó, PNI chấp nhận phương thức hợp tác ôn hòa với người Nhật để đổi lại việc Nhật Bản phải cam kết trao trả độc lập cho Indonesia.
Tháng 9.1944, Thủ tướng Nhật Bản Koiso tuyên bố sẽ trao trả độc lập cho Indonesia như một quốc gia thống nhất vào một thời điểm thích hợp. Ngay sau đó, Đội quân tiên phong (Barisan Pelopor - BP) được thành lập để đào tạo lực lượng du kích Indonesia. Ngày 1.3.1945, Ủy ban điều tra độc lập Indonesia (Badan Penyelidik Usaha Persiapan Kemerdekaan Indonesia - BPUPKI) được thành lập, bao gồm các nhà lãnh đạo phong trào cách mạng quốc gia để chuẩn bị soạn thảo Hiến pháp cho một nước Indonesia độc lập.
Thất bại của phát xít Đức ở châu Âu, đặc biệt là thất bại liên tiếp của quân đội Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương đã khiến Nhật Bản đẩy nhanh thời gian trao trả độc lập cho Indonesia. Ngày 7.8.1945, Nhật Bản tuyên bố thành lập Ủy ban trù bị độc lập Indonesia (Panitia Persiapan Kemerdekaan Indonesia – PPKI), do Sukarno và Hatta lãnh đạo, thay thế cho BPUPKI. Ngay ngày hôm sau, Tướng Terauchi, Tổng tư lệnh quân đội Nhật khu vực Đông Nam Á, trong cuộc gặp với Sukarno, Hatta và một số đại diện của Indonesia tại Đà Lạt (Việt Nam) đã đề xuất trao trả độc lập dự kiến vào ngày 24.8.1945. Tuy nhiên, thất bại nhanh chóng của quân đội Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương đã làm thay đổi quyết định trên.
Ngày 15.8.1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Sukarno, Hatta và các nhà lãnh đạo Indonesia chủ trương tiến hành việc tuyên bố độc lập một cách có trật tự, tránh xung đột vũ trang với quân đội Nhật. Trong khi đó, tầng lớp pemuda (bao gồm: thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ…) mong muốn hành động ngay lập tức, không chờ đợi việc trao trả độc lập có sự can thiệp của người Nhật. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, đi đầu là tầng lớp pemuda, ngày 17.8.1945, tại cửa ngôi nhà số 56 phố Pegansan Timua ở Jakarta, Sukarno đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức tuyên bố nền độc lập của Indonesia, đồng thời khẳng định, vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lực và những vấn đề khác sẽ được thực hiện một cách thận trọng trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Tuyên ngôn độc lập được phát đi như một lời hiệu triệu, kêu gọi người dân Indonesia nổi dậy giành chính quyền từ tay quân đội Nhật. Hầu hết các địa phương ở Java và Sumatra, việc chuyển giao chính quyền diễn ra một cách hòa bình. Ở các thành phố lớn như Jakarta, Surabaya, quần chúng nổi dậy biểu tình, chiếm đài phát thanh, các công sở, giành chính quyền về tay nhân dân. Công cuộc giành chính quyền diễn ra nhanh chóng và thành công. Trong cuộc họp diễn ra ngày 18.8.1945, Ủy ban trù bị độc lập thông qua Hiến pháp mới, bầu Sukarno làm Tổng thống, Hatta làm Phó Tổng thống. Chính phủ mới được thành lập do Suntan Sjahrir làm Thủ tướng. Để chuẩn bị lực lượng bảo vệ đất nước, Lực lượng Quân đội An ninh Nhân dân (Tentara Nasional Indonesia - TNI) được thành lập dưới sự chỉ huy của Soedirman.
Tuyên bố độc lập có ý nghĩa mở đường cho nhân dân Indonesia thành lập một chính quyền mới của mình, đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc trong những năm 1945-1949. Tháng 9.1945, quân đội Anh lấy danh nghĩa quân Đồng minh đổ bộ vào Indonesia để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Với sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Hà Lan vừa tiến hành chiến tranh tái chiếm vừa đàm phán với Chính phủ Indonesia. Sau năm năm kết hợp đấu tranh vũ trang với các cuộc đàm phán hòa bình, Chính phủ Indonesia đã buộc Hà Lan phải ký kết Hiệp định La Hay vào ngày 30.12.1949, công nhận chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ (trừ miền Tây Irian), chấm dứt nền thống trị kéo dài trên ba thế kỷ của thực dân Hà Lan ở Indonesia. Đó là cơ sở vững chắc để nhân dân Indonesia tiếp tục công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, thành lập nước Cộng hòa Indonesia (1950), phế bỏ Phái đoàn quân sự Hà Lan ở Indonesia (1953), giành quyền tự chủ về ngoại giao (1954), hủy bỏ Hiệp định La Hay (1956), thu hồi miền Tây Irian (1963), hoàn thành cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Hall G.G.E, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1997.
2. Lương Ninh (CB), Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
3. Encyclopedia of Asian History, History of Indonesia, Volume I, New York and Colier Mac Milan Publisher, London, 1988.
Encyclopedia Britanica, Indonesia: Toward independence, https://www.britannica.com/place/Indonesia/Toward-independence