Mục từ này cần được bình duyệt
Tàng thư lâu
Phiên bản vào lúc 16:55, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (cg.Tàng Thơ viện hoặc Lầu Tàng thơ) được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ sáu (1825) ở phường Doanh Phương trong…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

(cg.Tàng Thơ viện hoặc Lầu Tàng thơ)

được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ sáu (1825) ở phường Doanh Phương trong kinh thành Huế theo chủ trương của Vua Minh Mạng.

Mục đích và chủ trương xây dựng Tàng Thư lâu đã được ghi rõ ở tấm bia chữ Hán có tựa đề “Tàng Thư lâu ký” vốn được dựng tại đây (nay không còn) mà học giả Phan Thuận An đã tìm thấy bản dập ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đó là “để làm nơi tàng trữ sổ sách” của Triều đình. Còn theo “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” và “Đại Nam thực lục” của Nội các triều Nguyễn thì Tàng Thư lâu để dùng làm Kho Lưu trữ văn thư và sổ sách hình thành từ những năm trước của Lục Bộ.

TTL được xây cất bằng gạch và đá, trên một hòn đảo hình chữ nhật có kích thước khoảng 45m × 65m, gồm hai tầng: tầng trên có bảy gian hai chái, tầng dưới có mười một gian, bốn phía xung quanh đều được xây lan can, trên mái lợp bằng ngói đất nung, bên ngoài trát bằng vôi đá. Tham gia xây dựng công trình này gồm hơn một nghìn binh lính dưới sự chỉ huy của Thự thống chế Đoàn Đức Luận. Sau khi xây xong, binh lính đã đào đất xung quanh tạo thành hồ nước, đặt tên là hồ Học Hải, phía tây có một cây cầu bằng đá duy nhất nối với bờ hồ.

Thành phần tài liệu được cất giữ ở TTL, theo thư mục TTL bạ tịch viết năm 1907 được Phan Thuận An dẫn trong Tàng Thư lâu, kho lưu trữ tư liệu ngày xưa ở Huế gồm Địa bạ (sổ ghi chép, thống kê, tổng hợp các thông tin về tình hình ruộng đất của các làng, xã trên cơ sở của sự đo đạc và xác nhận của chính quyền); Đinh bạ (sổ dùng để quản lý dân đinh, tuyển lính và một số loại thuế đánh trên đầu người) và Thế bạ (sổ kê khai các hạng dân đinh trong thôn như tráng hạng, lão hạng, chức sắc và ngoại hộ) do Bộ Hộ và Bộ Binh dâng nộp. Các loại văn kiện hành chính này được thực hiện từ thời Gia Long trở đi. Còn theo Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương Paul Boudet viết trong “Tài liệu lưu trữ của các Hoàng đế An-nam và lịch sử An-nam” (Les Archives des Empereurs d’Annam et l’Histoire Annamite) thì vào năm 1942, chỉ riêng số Địa bạ thuộc Bộ Hộ thời Gia Long và Minh Mạng, Tàng Thư lâu vẫn còn lưu giữ được mười hai nghìn tập.

Biện pháp kỹ thuật được sử dụng trong bảo quản tài liệu lưu trữ tại Tàng Thư lâu của triều Nguyễn đã được Vua Minh Mạng chỉ rõ trong “Tàng Thư lâu ký”, đó là “kho cất giữ chung ở một nơi cẩn thận, tránh xa nước và lửa để có thể được lưu truyền lâu dài về sau…”.

Năm Minh Mạng thứ mười chín (1838), theo “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, nhà Vua đã “chuẩn y lời tâu cho phép tầng dưới của lầu Tàng Thư được chia làm ba kho, dưới lát phiến chì để trữ diêm tiêu”. Đó chính là biện pháp nhằm làm cho diêm tiêu bị chì giữ lại, không bị ngấm xuống đất để trừ khử các loại sâu bọ như mối, mọt, kiến, gián…, tác nhân phá hoại tài liệu bằng giấy ở hai tầng trên.

Nội dung văn bia chữ Hán có tựa đề “Tàng Thư lâu ký” cho thấy TTL là Kho Lưu trữ Nhà nước đầu tiên của Việt Nam. Bởi lẽ, nơi đây tập trung bảo quản sổ sách của Lục Bộ dưới triều Nguyễn, khác với chức năng của Sở Bản chương thuộc Nội các, chỉ chuyên trách lưu giữ tài liệu hình thành trong hoạt động của nhà Vua và Nội các.

Thời kỳ từ sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp ngày 9.3.1945, tài liệu ở TTL được chuyển về Sở Văn hóa (sau đổi thành Viện Văn hóa) thuộc Hội đồng Chấp chánh Lâm thời Trung Kỳ do Pháp thành lập vào tháng 12.1946. Năm 1963, số tài liệu này được giao cho Chi nhánh Văn khố Đà Lạt trực thuộc Nha Văn khố và Thư viện quốc gia thuộc Bộ Giáo dục do chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập.

Năm 1978, Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã tiếp quản khối tài liệu của TTL, giao cho Kho Lưu trữ Trung ương II (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại Thành phố Hồ Chí Minh) quản lý. Năm 1991, phần lớn Địa bạ và Đinh bạ được chuyển về bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại Hà Nội, số còn lại (bao gồm cả Thế bạ) chỉ còn lại rất ít, được tập trung trong Sưu tập tài liệu sổ bộ Hán-Nôm của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Kể từ khi tài liệu được chuyển đi, TTL đã bị sử dụng vào những mục đích phi văn hóa nên không còn là một công trình mang ý nghĩa lịch sử – văn hóa, dấu mốc quan trọng của Lưu trữ Việt Nam thời phong kiến như ý tưởng ban đầu của Vua Minh Mạng, người sáng lập ra Kho Lưu trữ này nữa. Sau năm 1975, công trình này đã trở thành nhà ở, cấu trúc bị thay đổi với nhiều vách ngăn giữa các hộ gia đình và nhiều công trình phụ mọc lên đã làm cho cảnh quan của di tích bị phá vỡ.

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trùng tu lại công trình TTL như kiến trúc ban đầu và dự định sẽ tiếp tục đầu tư để công trình này trở thành Thư viện Hoàng cung, nơi lưu trữ và trưng bày tài liệu gốc cũng như những tài liệu quý về văn hóa Huế, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu ngày càng sâu rộng về Huế, một di sản văn hóa thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phan Thuận An, Tàng Thư lâu, kho lưu trữ tư liệu ngày xưa ở Huế, Tập san Thông tin và Thư viện phía Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, số 1, 1993.

2. Phan Thuận An, Các tư liệu trên đường lưu lạc, Huế Xưa và Nay, Hội Sử học Thừa Thiên-Huế, số 7, 1994.

3. Boudet (Paul), Les Archives des Empereurs d’Annam et l’Histoire Annamite, IDEO, Hà Nội, 1942.

4. Đào Thị Diến, Les archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoi. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin, Thèse de Doctorat, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004.

5. Nguyễn Văn Thâm - Vương Đình Quyền - Đào Thị Diến - Nghiêm Kỳ Hồng, Lịch sử Lưu trữ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010.