, hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, một bộ phận của bộ máy nhà nước, được thành lập, tổ chức và hoạt động trên cơ sở những nguyên tắc chung thống nhất.
BMHCNN ở Việt Nam bao gồm: Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân.
Theo Hiến pháp Việt Nam năm 1946, Chính phủ là “cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc, gồm có Chủ tịch nước, Phó chủ tịch và Nội các.Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng.Chủ tịch nước chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viện bỏ phiếu thuận.Nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ số phiếu ấy, thì lần thứ nhì sẽ theo đa số tương đối. Chủ tịch nước được bầu trong thời hạn 5 năm và có thể được bầu lại.Phó chủ tịch nước chọn trong nhân dân và bầu theo lệ thường.Nhiệm kỳ của Phó chủ tịch theo nhiệm kỳ của Nghị viện.Phó chủ tịch giúp đỡ Chủ tịch. Khi Chủ tịch từ trần hay từ chức thì Phó chủ tịch tạm quyền Chủ tịch. Chậm nhất là hai tháng phải bầu Chủ tịch mới. Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thủ tướng đề cử ra Hội đồng Chính phủ duyệt y. Nhân viên Ban thường vụ Nghị viện không được tham dự vào Chính phủ. Nếu khuyết Bộ trưởng nào thì Thủ tướng thoả thuận với Ban thường vụ để chỉ định ngay người tạm thay cho đến khi Nghị viện họp và chuẩn y.
Theo Hiến pháp năm 1959, Chỉnh phủ gọi là Hội đồng Chính phủ, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.Hội đồng Chính phủ gồm có:Thủ tướng,các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Tổng giám đốc Ngân hàng nhà nước. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội quyết định cử theo đề nghị của Chủ tịch nước. Các Phó Thủ tướng và và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ do Quốc hội quyết định cử theo đề nghị của Thủ tướng.
Theo Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chứcHội đồng Bộ trưởng năm 1981, Chính phủ là Hội đồng Bộ trưởng, là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của Quốc hội, gồm: Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng,các Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, các Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng là đại biểu Quốc hội, các thành viên khác của Hội đồng bộ trưởng chủ yếu chọn trong số các đại biểu Quốc hội.
Theo Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu theo giới thiệu của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Theo Hiến pháp năm 2013,Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu từ số đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước. Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ do Quốc hội phê chuẩn danh sách theo đề nghị của Thủ tướng.
Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Hiện nay, ở Việt Nam có 18 bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo Hiến pháp năm 2013, Ủy ban Nhân dân đươc thành lập ở cấp chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xẫ, ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, do Hội đồng Nhân dân bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Hiện nay có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có 74 thành phố trực thuộc tỉnh, 49 thị xã, 49 quận và 539 huyện, có10.767 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.666 phường, 605 thị trấn và 8.496 xã, trong đó có 351 xã thuộc các thành phố trực thuộc tỉnh, 288 xã thuộc các thị xã và 7.857 xã thuộc các huyện.
Sở là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 15 sở và văn phòng Ủy ban Nhân dân, Thanh tra tỉnh, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thêm sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, sở Quy hoạch và Kiến trúc được thành lập ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp huyện là phòng. Các cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gồm Phòng Nội vụ, phòng Tư pháp, phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Y tế,Thanh tra huyện, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân. Ngoài 10 cơ quan chuyên môn nói trên, ở quận có thêm phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị. Ở các thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thêm phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị. Ở các huyện có phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng, do đặc thủ có thể có phòng Dân tộc. Số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân huyện đảo không quá 10 phòng.
Tài liệu tham khảo:
1. Khoa Luật ĐHQGHN, Giáo trình, Luật Hành chính Việt Nam, Nhà xuất bản ĐHQGHN, 2017.
2. Khoa Luật ĐHQGHN, Giáo trình, Luật Hành chính Việt Nam, Nhà xuất bản ĐHQGHN, 2010.
3. Административное право России, Издательства, Эkcmo, Москва, 2010