Mục từ này cần được bình duyệt
Trần thánh tông
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (Trần Hoảng; 1240-90) vua thứ hai Nhà Trần (1258-78), tham gia chỉ đạo kháng chiến chống Mông - Nguyên lần II (1285), l…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

(Trần Hoảng; 1240-90)

vua thứ hai Nhà Trần (1258-78), tham gia chỉ đạo kháng chiến chống Mông - Nguyên lần II (1285), lần III (1287-88).

TTT tên thật Trần Hoảng, là con của Vua Trần Thái Tông và Hiển từ thuận thiên Hoàng thái hậu Lý Thị, khi sinh ra đã được lập ngay làm Đông cung Thái tử. TTT lớn lên trong cảnh đất nước thanh bình, đang bước vào giai đoạn cường thịnh. TTT đã tham gia ba cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, trực tiếp chỉ đạo kháng chiến lần II, III, để lại nhiều bài thơ hay, thể hiện tinh thần dân tộc. TTT có em ruột là các danh tướng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.

Năm 1257, khi quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt, TTT theo vua cha chỉ đạo cuộc kháng chiến. Sau hai trận đánh chặn không thành công, TTT cùng vua cha rời Thăng Long, lui về sông Thiên Mạc. Tháng 1.1258, từ nơi trú quân ở Hoàng Giang, TTT cùng vua cha Trần Thái Tông dẫn quân bất ngờ đánh thẳng vào doanh trại quân Mông Cổ. Ngày 30.3.1258, TTT được vua cha nhường ngôi, đổi niên hiệu là Thiệu Long, xưng làm Nhân Hoàng. Triều thần dâng tôn hiệu cho TTT là Hiến thiên thể đạo Đại minh quang Hiếu Hoàng đế. Thời kì TTT làm vua cũng là giai đoạn đất nước phát triển cường thịnh, thái bình, không có nổi loạn, giặc cướp. TTT được nhìn nhận là vị vua nhân từ, trung hậu, là trung tâm đoàn kết dòng họ Trần.

Về đối nội, TTT là vua đầu tiên chủ trương cho các vương hầu chiêu tập những người phiêu tán không có ruộng đất, về làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang, bãi lầy ven biển. Các điền trang, thái ấp là nền tảng kinh tế quan trọng cho việc xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. TTT cử em trai là Trần Ích Tắc, người nổi tiếng hay chữ, đứng ra mở trường cho các văn sĩ học tập, cấp tiền ăn cho người có khả năng, trọng dụng người tài, giao việc lớn cho người không trong họ Trần. Tổ chức đều các khoa thi, tuyển được nhiều trạng nguyên, nho sinh giỏi bổ nhiệm vào bộ máy chính quyền. TTT cho Lê Văn Hưu tiếp tục biên soạn sách Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, vốn đã được khởi đầu từ đời Trần Thái Tông, hoàn thành năm 1271. Năm 1262, TTT lệnh cho các quan quân chế tạo vũ khí, đóng thuyền chiến; thuỷ quân và lục quân luyện tập tại bãi sông Bạch Hạc. Biết ý đồ của Nhà Nguyên đánh chiếm nước ta, bề ngoài tuy vẫn tỏ vẻ thuần phục nhưng TTT vẫn tiếp tục luyện binh đề phòng chiến tranh. TTT tổ chức QĐ chặt chẽ hơn, năm 1267 tổ chức quân cấm vệ thành quân và đô (mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người); lựa chọn người trong tôn thất tinh thông võ nghệ, binh pháp chỉ huy các đơn vị QĐ.

Về đối ngoại, khi lên ngôi, TTT sai sứ sang Nam Tống thông báo và được phong An Nam quốc vương. Duy trì quan hệ tốt với nước lớn còn nhằm mục đích nắm tình hình phương Bắc. Sau khi Nam Tống bị Nhà Nguyên đánh bại, nhiều binh sĩ Tống sang nương nhờ Đại Việt, được TTT thu nạp, ban cho chức tước, sau này sử dụng hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên. Năm 1261, TTT tiếp tục được Vua Mông Cổ phong An Nam quốc vương, duy trì lệ cống 3 năm 1 lần, chấp nhận để Mông Cổ đặt chức quan Chưởng ấn (Darughachi) tại Đại Việt. Năm 1271-75, TTT luôn từ chối yêu cầu sang chầu của Hoàng đế Nguyên, khéo léo từ chối yêu cầu để cho người Nhà Nguyên sang Đại Việt tìm cột đồng của Mã Viện; cương quyết yêu cầu Nhà Nguyên không đặt quan giám trị vì Đại Việt không phải là nước man di. Nhìn chung, TTT thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng rất kiên quyết nhằm bảo vệ quốc thể, ngăn chặn từ xa âm mưu tạo cớ xâm lược của Nhà Nguyên.

Năm 1277, Thượng hoàng Trần Thái Tông mất. Tháng 11.1278, sau 21 năm trị vì, TTT lên làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Khâm, tức Vua Trần Nhân Tông. Tuy nhường ngôi nhưng trong hai lần quân Nguyên xâm lược Đại Việt (1285, 1287-88), TTT luôn sát cánh cùng vua con Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bàn kế sách đối phó, chủ trì Hội nghị Bình Than (1282) họp các vương hầu, tướng soái bàn mưu đánh giặc; Hội nghị Diên Hồng (1285) họp các đại biểu bô lão cả nước nêu chung quyết tâm đánh quân Nguyên. Trong quá trình kháng chiến, Thái thượng hoàng TTT và Vua Trần Nhân Tông khéo léo vượt vòng vây kẻ thù, dũng cảm cùng các tướng trực tiếp chỉ huy quân sĩ tiến công, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của dân tộc. Khi ban thưởng cho người có công, TTT vẫn yêu cầu những người nhận thưởng tiếp tục nâng cao cảnh giác với kẻ thù phương Bắc.

TTT cũng là người yêu thích và giỏi thơ văn, sáng tác nhiều tác phẩm như Di hậu lục, Cơ cầu lục, Thiền tông liễu ngộ ca, Phóng ngưu, Chỉ giá minh, nhưng hầu hết đã bị thất truyền, chỉ còn lại 6 bài. Ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), TTT mất ở cung Nhâm Thọ. Đại Việt sử kí toàn thư của Nhà Hậu Lê ca ngợi TTT “trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp Nhà Trần được bền vững”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- Đại Việt sử kí toàn thư, quyển 5, kỉ nhà Trần: Thánh tông hoàng đế

2- An nam chí lược, Nxb Thuận Hóa, 2002

3-Việt Nam anh kiệt, Nxb Hà Nội, H.2004

4- Danh nhân Hà Nội, tập 2, Hội Văn nghệ Hà Nội xuất bản năm 1976

5- Các triều vua Việt Nam, Nxb Văn học, H.2008