Mục từ này cần được bình duyệt
Pháo nòng dài
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} pháo có chiều dài của nòng gấp 40-80 lần cỡ nòng. PND xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 14, từ thế kỷ 14-18…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

pháo có chiều dài của nòng gấp 40-80 lần cỡ nòng.

PND xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 14, từ thế kỷ 14-18 chủ yếu là pháo mặt đất, pháo nòng trơn, cấu tạo còn đơn giản, chưa có bộ phận hãm lùi đẩy lên để hạn chế độ lùi của pháo khi bắn, trọng lượng nặng, tầm bắn gần, mức chính xác và uy lực sát thương của đạn thấp; được quân đội các nước châu Âu sử dụng rộng rãi trên chiến trường. Từ thế kỷ 19, nhờ thành tựu khoa học công nghệ, PND đã có những bước phát triển đáng kể. Về cấu tạo đa xuất hiện các khẩu PND lòng nòng có rãnh xoắn, có cơ cầu hãm lùi đẩy lên, tăng tầm bắn, giảm trọng lượng, tính cơ động cao, uy lực sát thương lớn. Về chủng loại, PND ngày càng phát triển đa dạng, ngoài pháo mặt đất, pháo hạm tàu còn có pháo phòng không, pháo xe tăng... được quân đội các nước sử dụng nhiều trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, PND có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng và chủng loại; được quân đội nhiều nước sử dụng phổ biến chi viện trong các loại hình tác chiến, nhất là quân đội Pháp và Đức. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, PND tiếp tục được nghiên cứu phát triển hoàn thiện.

Theo cấu tạo và phương thức di chuyển, PND được phân ra: pháo xe kéo, pháo tự hành, pháo trên các phương tiện khác. PND xe kéo cơ động bằng xe kéo pháo, mỗi khẩu pháo được biên chế trang bị đồng bộ với một xe kéo pháo (xe xích hoặc xe bánh hơi). Cũng có thể cơ động xa bằng các phương tiện vận chuyển khác (như xe lửa, tàu thủy, máy bay vận tải...) hoặc cơ động gần bằng sức người đẩy kéo pháo (đối với loại pháo có trọng lượng nhẹ). PND tự hành được cấu tạo lắp đặt trên khung bệ xe (chủ yếu là xe xích), cơ động bằng tự di chuyển. PND đặt trên các phương tiện khác chủ yếu là pháo hạm của hải quân trang bị trên các tàu chiến đấu, hạm đội. Theo tổ chức biên chế trang bị phân ra: pháo mặt đất nòng dài, pháo xe tăng nòng dài, pháo phòng không nòng dài, PND của hải quân. Pháo mặt đất nòng dài trang bị cho các đơn vị pháo binh mặt đất, dùng đánh các mụ tiêu trên mặt đất, mặt nước. Pháo xe tăng nòng dài đặt trên xe tăng, sử dụng chủ yếu để đánh xe tăng, xe bọc thép và sát thương sinh lực, phương tiện chiến đấu khác của đối phương. Pháo phòng không nòng dài có một nòng hoặc nhiều nòng, trang bị cho các đơn vị pháo phòng không, chủ yếu sử dụng đánh các mục tiêu trên không, các mục tiêu mặt đất khi cần. PND của hải quân gồm pháo hạm tàu, pháo bờ biển, chủ yếu sử dụng đánh các mục tiêu trên biển và các mục tiêu trên mặt đất.

PND có đường đạn căng, sơ tốc đạn lớn (400-1.000 m/s), tầm bắn xa, lớn hơn tất cả các loại pháo khác cùng cỡ; dùng diệt mục tiêu mặt đất (nước), trên không. PND có phạm vi khống chế hỏa lực rộng, có khả năng xuyên giáp lớn; sử dụng bắn ngắm trực tiếp để tiêu diệt các mục tiêu như xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, máy bay, phương tiện hỏa lực... và phá hủy các mục tiêu kiên cố khác đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trọng lượng và chiều dài của pháo lớn hơn các loại pháo khác cùng cỡ, nên việc cơ động khó khăn hơn. Đối với các loại PND mặt đất chỉ bắn được ở xạ giới thấp (góc bắn < 45o), khi bắn trận địa phải đặt cách xa các khối chắn phía trước, góc rơi của đạn nhỏ, hiệu quả bắn phá hoại các mục tiêu (bằng bắn ngắm gián tiếp) hạn chế hơn so với các loại pháo, cối bắn được cả xạ giới cao. PND thường sử dụng các loại đạn nổ, đạn nổ phá, đạn nổ - phá mảnh, đạn xuyên và một số loại đạn công dụng đặc biệt khác như đạn cháy, đạn chiếu sáng, đạn hạt nhân... Tùy theo tính năng và nhiệm vụ của từng loại pháo, đạn pháo có thể cấu tạo có ống liều hoặc không có ống liều; khi bắn nạp đạn bằng tay, tự động hoặc bán tự động, nạp đạn liền hoặc đạn rời.

Ở Việt Nam, trong Kháng chiến chống pháp và Kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam chủ yếu sử dụng các loại PND do Liên Xô, Trung Quốc sản xuất (pháo 130 mm M-46, 85 mm Đ-44, pháo phòng không 100 mm, 57 mm, 37 mm... và các loại pháo 85 mm, 76 mm, 100 mm trên xe tăng...); các loại pháo thu được của đối phương (như PND mặt đất 175 mm, 155 mm M115 của Mỹ).

Xu hướng chung của quân đội các nước hiện nay là cải tiến nâng cấp các loại PND hiện có, tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại PND theo nguyên lí mới, tự động hóa trong dẫn động bắn, điều khiển bắn nhằm đạt được mục tiêu, tăng tầm bắn, nâng mức chính xác và uy lực sát thương của đạn, nâng cao khả năng cơ động và tự bảo vệ, thuận tiện trong thao tác sử dụng để nâng cao khả năng chiến đấu của pháo.

Pháo nòng dài 122mm Đ-74 (LX)

Pháo nòng dài 122mm Đ-44 (LX)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H.2004.

2- Binh chủng Pháo binh, Từ điển pháo binh, Nxb Quân đội nhân dân, H.1995.

3- Bộ Quốc phòng Liên Xô, Bách khoa toàn thư quân sự, Nxb Maxcơva, 1989.

4- Học viện Quốc phòng, Xu hướng phát triển và nguyên tắc tác chiến pháo binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Học viện Quốc phòng xuất bản, 2006