Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo vệ hậu cần
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} tổng thể các biện pháp phòng tránh và đánh trả các hoạt động phá hoại của địch và sự tác động xấu của th…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

tổng thể các biện pháp phòng tránh và đánh trả các hoạt động phá hoại của địch và sự tác động xấu của thiên nhiên, môi trường (bão, lũ, lụt, sét, cháy nổ...), nhằm bảo đảm an toàn cho cơ quan, đơn vị, kho trạm hậu cần, mạng đường vận chuyển, sở chỉ huy phía sau... duy trì khả năng bảo đảm hậu cần liên tục, kịp thời, đầy đủ cho lực lượng vũ trang xây dựng, hoạt động tác chiến trong mọi tình huống.

Trong chiến tranh, nhất là chiến tranh công nghệ cao, ngay từ đầu địch sẽ tập trung hỏa lực đánh phá mãnh liệt vào các mục tiêu quan trọng của ta, nhằm phá hủy tiềm lực quân sự, “làm mềm chiến trường” trước khi bộ binh xung phong, trong đó, hậu cần là một trong những mục tiêu trọng điểm đánh phá của địch. Vì vậy, BVHC là một trong những điều kiện tiên quyết để duy trì khả năng bảo đảm của hậu cần trong chiến tranh.

Yêu cầu BVHC: chủ động, tích cực và thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, sẵn sàng đánh địch để BVHC; coi trọng yếu tố bí mật, bất ngờ, cơ động trong bố trí hậu cần; xây dựng hầm hào, công sự hậu cần đủ số lượng, chất lượng tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do địch đánh phá; kết hợp chặt chẽ các phương tiện, trang bị chiến đấu, phục vụ chiến đấu thô sơ và hiện đại, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự và khoa học kỹ thuật tiên tiến vào tổ chức BVHC.

Nội dung, biện pháp BVHC gồm: bố trí hậu cần phân tán, hợp lí; lựa chọn, cải tạo, tận dụng địa hình; thực hiện giấu thật, bày giả, ngụy trang hậu cần; tuần tra, canh gác; chiến đấu đánh địch; kịp thời khắc phục hậu quả do sự phá hoại của địch và thiên nhiên môi trường gây ra. Bố trí hậu cần phân tán, hợp lí phải căn cứ vào quy mô từng cấp hậu cần, trong từng nhiệm vụ cụ thể xác định phạm vi, mật độ bố trí, phân tán hậu cần cho phù hợp, nhằm hạn chế tổn thất do địch đánh phá, nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần. Lựa chọn, cải tạo, tận dụng triệt để địa hình, địa vật, như hang, hầm thiên nhiên, tự tạo, núi, đồi che chắn, che đỡ... để bố trí cơ quan, đơn vị, kho, trạm hậu cần; tổ chức xây dựng hệ thống hầm hào phòng tránh cho người, phương tiện, vật chất, công sự chiến đấu đầy đủ, có chất lượng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình cụ thể của từng đơn vị. Thực hiện giấu thật, bày giả, ngụy trang hậu cần là trồng cây xanh ngụy trang khu vực, kho trạm hậu cần, khu vực sản xuất, chế biến, bệnh viện, bến, bãi xe, hàng... Kết hợp sử dụng ngụy trang nhân tạo bằng màn khói với sử dụng lưới ngụy trang, sơn phủ ngụy trang... để BVHC. Đồng thời xây dựng các kho, trạm hậu cần giả để nghi binh, lừa địch. Tổ chức tuần tra, canh gác chặt chẽ, giữ gìn nghiêm các quy chế phòng gian, bảo mật, bảo vệ các kho, trạm, cơ sở hậu cần. Từng cơ quan, đơn vị hậu cần phải có kế hoạch, sẵn sàng cơ động, di chuyển khi bị địch đánh phá, đồng thời phải chuẩn bị phương án đánh địch BVHC trong mọi tình huống. Đi đôi với phòng tránh đánh địch, hậu cần các cấp phải chuẩn bị chu đáo và sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện phòng hộ để phòng chống và khắc phục hậu quả bão, lụt, cháy nổ do thiên tai, địch họa gây ra.

BVHC có mối quan hệ chặt chẽ với bảo đảm hậu cần, là yếu tố quan trọng hàng đầu để duy trì bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi. Mặt khác, bảo đảm hậu cần kịp thời, đầy đủ cho lực lượng vũ trang hoạt động tác chiến sẽ tăng cường khả năng BVHC.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, BVHC ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần bảo toàn lực lượng hậu cần và duy trì khả năng bảo đảm hậu cần liên tục, kịp thời, đầy đủ cho hoạt động và tác chiến của lực lượng vũ trang trong mọi tình huống. BVHC được tiến hành trên cơ sở kế thừa và phát triển các kinh nghiệm BVHC trong chiến tranh giải phóng, kết hợp chặt chẽ với vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự phát triển và khoa học, kỹ thuật tiên tiến của của Việt Nam và thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, H.2004.

2- Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, H.1995, 1999.

3- Học viện Hậu cần, Giáo trình công tác hậu cần, Học viện Hậu cần xuất bản, 2005.

4- Bộ Quốc phòng, Điều lệ công tác tham mưu tác chiến Quân đội đội nhân dân Việt Nam, Học viện Quốc phòng xuất bản, 2006