Mục từ này cần được bình duyệt
Phong trào thanh niên xung phong
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} phong trào cách mạng của thanh niên Việt Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chốn…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

phong trào cách mạng của thanh niên Việt Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. PTTNXP được thành lập từ 1950, là trường học lớn để thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.

1. PTTNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Trong kháng chống thực dân Pháp (1946 - 1954), do yêu cầu phục vụ chiến đấu cho các chiến dịch lớn, mở đầu là chiến dịch biên giới phía Bắc tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương quan trọng về thành lập các đội TNXP: bên cạnh việc huy động dân công, phải gấp rút huy động một lực lượng thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần dũng cảm, hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu để thành lập các “Đội thanh niên xung phong”, đảm nhận những nhiệm vụ trọng yếu phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội chủ lực trên các chiến trường; các “Đội thanh niên xung phong phải được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, được trang bị phương tiện lao động và vũ khí chiến đấu như một đơn vị bộ đội công binh trực tiếp tham gia phục vụ chiến dịch và chiến đấu”. Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh PTTNXP là “trường học lớn” để thanh niên học tập và rèn luyện, để đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp cho công cuộc bảo về và xây dựng tổ quốc.

PTTNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp ngay từ đầu thành lập đã phát triển mạnh mẽ với những tên gọi [khác nhau] phản ánh đặc điểm phát triển của phong trào ở những giai đoạn khác nhau của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

“Đội thanh niên xung phong công tác Trung ương”. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 6/1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng Tư lệnh Quân đội) trực tiếp truyền đạt cho Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Nguyễn Lam, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam triển khai chủ trương thành lập lực lượng TNXP. Ông đã nhấn mạnh: Chủ trương sáng lập lực lượng TNXP nằm trong tư tưởng lớn của Bác Hồ, mang tầm chiến lược của cách mạng Việt Nam, không chỉ trong giai đoạn kháng chiến, cứu nước mà còn xuyên suốt các thời kỳ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Ngày 15/7/1950, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương họp, quyết định giao cho Ban thường vụ Trung ương Đoàn thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối tháng 8/1950, Đội làm lễ xuất quân tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đầu tháng 9/1950 nhận lệnh đi phục vụ Chiến dịch Biên giới.

Ngày 20/3/1951, trên đường đi chiến dịch Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu rừng Cầu Nà Cù (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn) và đọc tặng 4 câu thơ có ý nghĩa định hướng tư tưởng - hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam (trước những nhiệm Tổ quốc giao phó): “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển,Quyết chí ắt làm nên”.

Đội TNXP công tác thứ hai được thành lập tháng 10/1950 để chuẩn bị cho những chiến dịch quân sự mới, gồm 1.737 đội viên, được tổ chức thành 8 liên phân đội. Ngày 22/12/1950 Đội nhận lệnh đi phục vụ chiến dịch Trung du. Tháng 3/1951, Đội TNXP công tác Trung ương đã bổ sung thêm 9 liên phân đội mang tên các nhân vật lịch sử, cách mạng - Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hữu Nam, Hồ Tùng Mậu, Trần Phú, Tô Hiệu, Hà Huy Tập, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong.

Đội Thanh niên xung phong. Đầu 1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Vũ Kỳ (thư ký của Hồ Chí Minh) tổ chức thí điểm Đội TNXP mẫu với yêu cầu: Tổ chức 1 đội gồm 1.000 thanh niên (chỉ có 5% là cán bộ lãnh đạo - để tổ chức gọn, nhẹ, ít người chỉ huy) để thực hiện các nhiệm vụ được giao; Điều kiện gia nhập: tự nguyện, tham gia đến kháng chiến thành công, thành phần là bần, cố nông, không có phụ nữ; Phải được học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn và luyện tập quân sự; Chế độ sinh hoạt như bộ đội chủ lực, Tổng cục cung cấp cấp phát và trang bị dụng cụ, vũ khí. Ngày 26/3/1953, Đại đội 261, đơn vị đầu tiên của Đội thanh niên xung phong (mới) được thành lập, đến tháng 7/1953, Đội có 850 đội viên do Vũ Kỳ làm Đội trưởng được giao nhiệm vụ phục vụ giao thông và xây dựng kho tàng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang và một trung đội phục vụ an toàn khu (ATK).

Đoàn thanh niên xung phong Trung ương. Ngày 19 và 20/9/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phát triển mô hình “Đoàn TNXP trung ương” có quy mô 1 vạn người được bổ sung cán bộ quân sự, chính trị, văn hóa, kỹ thuật, thầy thuốc, v.v. để hoạt động có hiệu quả. Để đảm bảo tính kỷ luật và hiệu quả, đã ban hành Điều lệ của Đoàn TNXP, quy định rõ tên gọi và nhiệm vụ của Đoàn, công tác tổ chức, công tác lãnh đạo và giáo dục của Đoàn, nhiệm vụ của mỗi đội viên, .v.v.

Cuối năm 1953, khi chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo củng cố, phát triển các Đội TNXP với yêu cầu cao hơn, chất lượng tốt hơn để đảm bảo công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này. Đoàn TNXP trung ương mang mật danh Đoàn XP. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ Nguyễn Văn Trân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Cung cấp tiền phương trực tiếp chỉ đạo Đoàn TNXP phục vụ chiến dịch.

Hưởng ứng chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, chỉ thời gian ngắn, hàng vạn thanh niên các tỉnh Khu Ba, Khu Bốn, Tây Bắc, Việt Bắc và các tỉnh Khu Năm, Nam Bộ đã gia nhập lực lượng TNXP. Đến tháng 1/1954 quân số Đoàn TNXP là 10.970; tính từ cuối 1950 đến giữa 1954 có hơn 60.000 lượt thanh niên gia nhập lực lượng TNXP, trong đó có trên 25.000 TNXP tập trung đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu: phục vụ, bảo vệ các khu vực của cơ quan Trung ương ở chiến khu Việt Bắc; [lực lượng xung kích] xây dựng các tuyến đường huyết mạch ra chiến trường, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông ở các “tọa độ lửa”, vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng trực tiếp phục vụ các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Tây Bắc, bắc Tây Nguyên, Liên khu 5, Thượng Lào, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 16.000 đội viên TNXP phục vụ chiến đấu, hơn 8.000 cán bộ, đội viên xuất sắc được chọn bổ sung vào các đơn vị bộ đội tại chiến trường (gần 1/5 quân chủ lực chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ).

Đánh giá vai trò và chiến công của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Pháp, và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh Quân đội) viết: “Trong kháng chiến nhất là trong các chiến dịch, nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội”.

2. Phong trào thanh niên xung phong trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ

Phong trào Thanh niên “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc. Tiếp tục truyền thống PTTNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ở [hậu phương lớn] Miền Bắc đã ra đời phong trào Thanh niên “Ba sẵn sàng”. Khởi nguồn của Phong trào này là phong trào có tên “tam bất kì” do Đoàn thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 1964. Sau đó đổi thành phong trào “Ba sẵn sàng” - sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Cùng năm quân đội Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân, nhân rộng phong trào nói trên, ngày 5/8/1964, tối 09/8/1964 Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” toàn thành phố, và đã có gần 30 vạn thanh niên Thủ đô Hà Nội xuống đường biểu dương lực lượng, lên án đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam. Tháng 3/1965, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã chính thức phát động phong trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ Quốc cần. Trong hơn một tháng, trên toàn miền Bắc đã có hơn 1.000.000 đoàn viên và thanh niên đăng ký tham gia Phong trào “Ba sẵn sàng”.

Trước tình hình mới, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thực hiện chủ trương tổ chức lực lượng “Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước”. Điều đó thể hiện ở Chỉ thị số 71 ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 105 ngày 29/7/1965 của Ban bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về việc tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác TNXP, trong đó nêu rõ: “Để phát huy truyền thống của TNXP trong thời kỳ kháng chiến và để đáp ứng với nhiệt tình của thành niên đang sôi nổi thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng” cần tổ chức các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước nhằm phục vụ cho chiến đấu và xây dựng. Mỗi đội TNXP phải là một đơn vị sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết đồng thời là một trường học văn hóa, kỹ thuật, nơi đào tạo và rèn luyện Thanh niên về mọi mặt”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ 6/1965 đến 4/1975 đã có hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, gần 200 ngàn (trong đó hơn 69 ngàn nữ) tham gia TNXP chống Mỹ, cứu nước. Các TNXP có mặt ở hầu hết những chiến trường gian khổ, ác liệt nhất, sẵn sàng hy sinh, ngày đêm phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Số liệu thống kê thành tích của hơn 10 năm hoạt động (1965 - 1975) của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước: Xây dựng mới 2.165 km đường chiến lược, đường vòng, đường tránh; Trấn giữ 2.526 trọng điểm đánh phá để đảm bảo thông suốt 53 con đường có tổng chiều dài trên 3.000 km; Vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực…ra tiền tuyến; Bổ sung 15.772 cán bộ, đội viên cho bộ đội chủ lực và công an vũ trang; 14.888 cán bộ, đội viên trưởng thành trong lao động, chiến đấu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài; 26 cá nhân và 32 tập thể được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

Phong trào Thanh niên “Năm xung phong” ở miền Nam. Đồng hành với phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên miền Bắc, ngày 26/3/1965, tại Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ I họp ở căn cứ kháng chiến Tây Ninh đã phát động Phong trào Thanh niên "Năm xung phong": Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh;Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội. Phong trào đã đáp ứng được nguyện vọng cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, động viên hàng vạn thanh niên miền Nam tham gia lực lượng TNXP. Ngày 20/4/1965 lực lượng [đặc biệt] mang tên “TNXP giải phóng miền Nam” được thành lập; Ngày 20/4/1965 Đội TNXP giải phóng đầu tiên gồm 108 nam, nữ cán bộ, đội viên nòng cốt rút ra từ các cơ quan Trung ương Cục đã làm lễ xuất quân. Các đội TNXP giải phóng miền Nam được tổ chức theo 3 mô hình chính: TNXP tập trung dài hạn, làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường; TNXP tập trung có thời hạn, do các tỉnh hoặc các khu Đoàn tổ chức và chỉ đạo; TNXP ở cơ sở (xã, ấp) được tổ chức rộng rãi ở hầu khắp các tỉnh [với hàng chục ngàn đoàn viên, thanh niên tham gia, là nguồn bổ sung dồi dào cho bộ đội và TNXP tập trung dài hạn]. Ngoài tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm giao liên, TNXP giải phóng miền Nam còn trực tiếp tham gia đấu tranh chính trị với chế độ Mỹ - ngụy, hoạt động bí mật, diệt ác ôn, làm công tác binh vận, sản xuất, xây dựng đời sống mới ở vùng giải phóng, tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên học tập, rèn luyện.

Mười năm phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, lực lượng TNXP giải phóng đã xây dựng nên truyền thống “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công xuất sắc”. Chỉ tính riêng Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam từ ngày thành lập (20/4/1965) đến ngày 30/4/1975 đã tham gia phục vụ 16 chiến dịch lớn (641 trận đánh cấp Trung đoàn trở lên); Vận chuyển 20.153 tấn vũ khí, lương thực…ra chiến trường, 9.062 thương binh về tuyến sau; Chăm sóc, bảo vệ 2077 thương binh, tiếp đón nuôi dưỡng 3.500 cán bộ chiến sĩ được trao trả; Đào 1.535 hầm phẫu thuật, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến, 272 kho chứa hàng, mở 284 km đường thồ, 29 km đường ô tô và bắc 21 cây cầu vượt sông suối…; Một số đơn vị TNXP đã trực tiếp chiến đấu trên 40 trận từ cấp Trung đội đến cấp Tiểu đoàn., diệt và bắt sống 1.119 tên địch có 286 lính Mỹ, 7 lính Pắc Chung Hy, 270 lính Lonnon, bắn cháy, phá hủy 10 xe tăng, M113, 5 máy bay, thu nhiều vũ khí… Với đóng góp đó Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam và nhiều đơn vị TNXP, nhiều cán bộ, đội viên TNXP được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân - đế quốc, đáp lại hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành được độc lập cho đất nước”,“Tất cả cho tiền tuyến”, “Quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược”, lực lượng Thanh niên xung phong ở cả hai miền Nam - Bắc đã có những cống hiến vô giá cho Đất nước và Dân tộc. Những chiến công và cống hiến của lực lượng TNXP Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi công với các danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thường Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất cho toàn lực lượng TNXP. Nhà nước cũng tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho lực lượng TNXP các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, cho Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam, các Đội TNXP và nhiều tập thể TNXP khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bác Hồ với Thanh niên xung phong, Webside Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam,17/12/2017.

2. Ban liên lạc cựu TNXP Giải phóng miền Nam, Hồi ký TNXP Giải phóng miền Nam, Tp. HCM, 2001

3. Chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đối với lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, Webside Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, 16/12/2017.

4. Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, NXB Giao thông Vận tải, Hà Nội, 2002.

5. Huyền thoại Thanh niên xung phong Việt Nam, NXB Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội, 2009.

6. Huyền thoại TNXP Việt Nam, Công ty văn hóa Trí tuệ Việt, Hà Nội, 2009.

7. Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Tư tưởng Hồ Chí Minh về Trường học lớn Thanh niên xung phong, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.

8. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của Thanh niên xung phong Việt Nam; Webside Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam,: 09/10/2013.