Là bao gồm toàn bộ những quan hệ nội bộ của tôn giáo và các mối quan hệ của tôn giáo với đời sống xã hội. Trong công trình Một số tôn giáo ở Việt Nam cho rằng đời sống tôn giáo bao gồm các mặt sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, các hoạt động của chức sắc, hoạt động của các tổ chức tôn giáo, bao gồm cả những hoạt động thuần túy tôn giáo và những hoạt động hướng đích xã hội, cùng các mối quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo. Có quan điểm thì cho rằng, đời sống tôn giáo bao gồm niềm tin tôn giáo và hoạt động tôn giáo (hoạt động tôn giáo thuần túy và hoạt động hướng đích xã hội) được quy định bởi giáo lý, giáo luật và hiến chương của các tổ chức tôn giáo đó. Như thế, khái niệm đời sống tôn giáo không chỉ là đời sống tinh thần mà còn bao hàm cả đời sống vật chất.
Nói về đời sống tôn giáo là nói đến: thứ nhất, toàn bộ các dạng thức của niềm tin có tính tôn giáo và tri thức, hiểu biết và thế giới quan tôn giáo; thứ hai, các hình thức thể hiện niềm tin ấy dưới dạng vật chất hữu hình như cơ sở thờ cúng, các biểu tượng tôn giáo, cơ sở đào tạo chức sắc, tổ chức tự quản và dưới dạng các hoạt động theo chu kỳ hoặc thường ngày bao gồm thực hiện cam kết tin tưởng một thế giới quan tôn giáo cụ thể, việc thực hành nghi lễ, tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử, hoạt động hội nhóm, và sự dấn thân vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống thế tục như làm từ thiện và hỗ trợ nhà nước cung cấp phúc lợi công cộng cho các nhóm xã hội yếu thế.
Như thế, khái niệm đời sống tôn giáo là một khái niệm rất rộng, chỉ toàn bộ hoạt động của bản thân các tôn giáo cũng như các mối quan hệ qua lại, tương tác giữa các tôn giáo với nhau và giữa các tôn giáo với các phương diện khác nhau của đời sống xã hội dưới ảnh hưởng hay chi phối của giáo lý, giáo luật, hiến chương.. của các tôn giáo. Xét về cấp độ, đời sống tôn giáo chia làm nhiều cấp độ khác nhau: đời sống tôn giáo của cá nhân, đời sống tôn giáo của gia đình, đời sống tôn giáo của cộng đồng và đời sống tôn giáo của xã hội. Về cơ bản, đời sống tôn giáo chịu sự chi phối của niềm tin hay đức tin tôn giáo, của giáo lý, giáo luật, kinh điển, v.v.. của các tôn giáo. Niềm tin tôn giáo là cơ sở đầu tiên, cũng là nền tảng quan trọng nhất quy định đời sống tôn giáo. Ngoài ra, đời sống tôn giáo còn chịu sự chi phối của các thiết chế tôn giáo như giáo hội, hội thánh, hoặc các tổ chức tôn giáo khác. Từ nền tảng của niềm tin/đức tin và những yếu tố chi phối nêu trên, đời sống tôn giáo được bộc lộ ra qua các thực hành tôn giáo hay các nghi lễ tôn giáo, gắn với các hoạt động tôn giáo là những mối quan hệ trong cộng đồng tôn giáo và những mối quan hệ với xã hội.
Đời sống tôn giáo là khái niệm bản thân đã nói lên tính đặc thù. Không thể có khái niệm đời sống tôn giáo chung chung, có thể áp dụng cho mọi cá nhân hay cộng đồng. Do vậy, người ta ngầm hiểu là đời sống tôn giáo đều gắn với một chủ thể của đời sống tôn giáo đó. Ví dụ, đời sống tôn giáo của người Mông, người Dao, người Ê đê, v.v.. đời sống tôn giáo của một khu vực, địa phương nào đó, của một quốc gia nào đó, v.v.. .Đời sống tôn giáo cũng mang tính cơ cấu như đời sống tôn giáo của thanh niên, thiếu niên, người già, công nhân, nông dân, trí thức, quan chức, của nam giới, nữ giới, v.v.. và đương nhiên, đời sống tôn giáo của tín đồ mỗi tôn giáo là hoàn toàn khác so với đời sống tôn giáo của các tín đồ các tôn giáo khác, cũng như khác với đời sống tôn giáo của những người không phải là tín đồ. Như thế, tính quy định đời sống tôn giáo của chủ thể không chỉ là niềm tin tôn giáo, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc tính khác của chủ thể. Chính vì vậy mà, cùng là người Mông nhưng theo Tin Lành, theo Công giáo, theo các tôn giáo khác thì đời sống tôn giáo cũng không giống nhau.
Bên cạnh những đặc tính thuộc về chủ thể như vừa nói trên, đời sống tôn giáo còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như phong tục, tập quán, lối sống, thể chế chính trị, lịch sử, v.v.. Bởi đời sống tôn giáo không thể tách biệt với các đời sống xã hội khác. Chính vì vậy, khi quan sát đời sống tôn giáo của một cộng đồng cũng cho thấy nhiều thông tin về lịch sử và hiện tại, về văn hóa và lối sống của cộng đồng ấy.
Nói đến đời sống tôn giáo, tức là nói đến sự vận động, biến đổi, nói đến các hoạt động, bởi đơn giản là “đời sống” thì không thể đứng im. Cho nên, sự vận động, biến đổi có thể xem là một đặc điểm quan trọng của đời sống tôn giáo. Nghiên cứu đời sống tôn giáo, về cơ bản chính là nghiên cứu sự biến đổi của đời sống tôn giáo. Đời sống tôn giáo vận động, biến đổi theo những quy luật nội tại, nhưng cũng chịu sự chi phối của các yếu tố, các phương diện khác nhau của đời sống xã hội. Có những vận động của đời sống tôn giáo đi vào ổn định, tạo thành cái mà chúng ta gọi là nếp sống tôn giáo, lối sống tôn giáo.
Cuối cùng, sự khác biệt của đời sống tôn giáo với các đời sống khác là ở “tính Thiêng”, cho dù đời sống tôn giáo, như đã nói ở trên, bao hàm cả khía cạnh tinh thần và khía cạnh vật chất, thì đều bị chi phối bởi niềm tin tôn giáo vốn xuất phát từ thực thể thiêng.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Quang Hưng (2010), Đời sống tín ngưỡng Thăng Long-Hà Nội, Nxb Hà Nội.
2. Nguyễn Quang Hưng (2016), Tôn giáo và văn hóa: lý thuyết cơ bản và định hướng khai thác các giá trị văn hóa tôn giáo phục vụ phát triển xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb Tri Thức, Hà Nội
3. Đỗ Thu Hường (2016), Đời sống tôn giáo trong truyền thông mạng công giáo ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ Tôn giáo học, Học viện KHXH, Hà Nội.
4. Nguyễn Hoài Sanh (2013), Đời sống tín ngưỡng tôn giáo: Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sỹ Triết học, Học viện KHXH, Hà Nội.
5. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên, 1998), Về tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Nguyễn Thanh Xuân (2006), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội