Mục từ này cần được bình duyệt
Ưu đãi thuế
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (Tax Incentives) Ưu đãi thuếlà các quy định pháp luật về thuế có “sự khác biệt” so với các quy định chung nh…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

(Tax Incentives)

Ưu đãi thuếlà các quy định pháp luật về thuế có “sự khác biệt” so với các quy định chung nhằm tạo ra sự đối xử ưu đãi về thuế cho một nhóm đối tượng người nộp thuế để khuyến khích họ thực hiện hoạt động đầu tư, tiêu dùng theo những cách thức mà chính phủ mong muốn, ví dụ để thúc đẩy phát triển các ngành, nghề ưu tiên, phát triển các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (xt. kỳ miễn, giảm thuế; ưu đãi về thuế suất; giảm trừ thu nhập chịu thuế; giảm trừ nghĩa vụ thuế; giảm trừ chi phí bổ sung; khấu hao nhanh và hoàn thuế tái đầu tư).

Để một chính sách thuế được xem là một biện pháp “ưu đãi thuế”, chính sách thuế đó phải chứa đựng ba yếu tố là: sự khác biệt so với các quy định về thuế được áp dụng chung; sự khác biệt đó tạo nhưng ưu đãi nhất định, và để được hưởng lợi từ các quy định thuế này, đối tượng nộp thuế phải đáp ứng được một số điều kiện cụ thể.

Ưu đãi thuế có nhiều hình thức khác nhau và có thể phân loại theo nhiều cách thức khác nhau, như dựa vào loại hình ưu đãi thuế, dựa theo các yếu tố đầu vàovà yếu tố đầu ra hay dựa theo ưu đãi về thuế trực thu và ưu đãi về thuế gián thu. Khi phân loại theo loại hình ưu đãi, các biện pháp ưu đãi thuế chủ yếu bao gồm: Ưu đãi về giảm thuế suất; Miễn, giảm thuế thu nhập có thời hạn hoặc không thời hạn; Giảm trừ thu nhập chịu thuế theo đầu tư; Giảm trừ trực tiếp nghĩa vụ thuế phải nộp theo đầu tư; hay ưu đãi về thuế gián thu. Ngoài ra, còn có một số hình thức ưu đãi khác, như: cho phép doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế một tỷ lệ cao hơn số tiền thực chi đối với một số khoản chi mà nhà nước khuyến khích, ví dụ chi cho khoa học và công nghệ; hoàn thuế đối với lợi nhuận sử dụng để tái đầu tư hay áp dụng cơ chế khấu hao nhanh.

Ưu điểm, nhược điểm của các hình thức ưu đãi thuế là rất khác nhau.Ưu đãi về thuế suất và miễn, giảm thuế có thời hạn có ưu điểm là đơn giản, dễ quản lý.Tuy nhiên, hạn chế của biện pháp ưu đãi này là chi phí về giảm thu ngân sách cao (IMF, 2015; OECD, 2018). Ngoài ra, áp dụng cơ chế này sẽ tạo ra các động cơ khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng các thủ thuật chuyển giá để giảm nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, khi có sự hiện diện của các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, việc áp dụng biện pháp miễn, giảm thuế có thể là thuần túy chuyển số tiền thuế từ quốc gia nhận đầu tư sang quốc gia nơi dòng vốn đầu tư xuất phát (Easson & Zolt, 2002). Đối với ưu đãi về hoàn thuế đối với lợi nhuận tái đầu tư có ưu điểm là dễ quản lý nhưng lại gây ra “sự bị động” của chính phủ trong cân đối tìm nguồn để hoàn lại. So với các biện pháp ưu đãi khác,các hình thức ưu đãi thuế gắn với quy mô vốn đầu tư như giảm trừ nghĩa vụ thuế theo đầu tư, mức độ ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng tỷ lệ thuận với số vốn mà doanh nghiệp thực tế đầu tư. Vì thế, chính phủ có thể dự tính được ngay từ đầu số giảm thu ngân sách, qua đó, có được sự nhìn nhận đầy đủ hơn về chi phí của việc thực hiện. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức ưu đãi này là nhà đầu tư sẽ có xu hướng lựa chọn tài sản có vòng đời ngắn để tiếp tục hưởng ưu đãi khi thay thế tài sản.

Ưu đãi thuế được áp dụng để hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm: thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, qua đó, tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế; khuyến khích triển vùng; khuyến khích tạo việc làm; thúc đẩy xuất khẩu... Hiệu quả của một chính sách ưu đãi trong việc hướng đến các mục tiêu đề ra phụ thuộc vào nhiều nhân tố, bao gồm cả các nhân tố bên trong và những nhân tố bên ngoài. Các các nhân tố bên trong bao gồm: bối cảnh kinh tế, chính trị trong nước; đặc điểm chung của hệ thống thuế; cách thức hệ thống chính sách ưu đãi được thiết kế và năng lực quản lý của cơ quan thuế. Trong khi đó, mức độ hội nhập của nền kinh tế trong nước, vai trò của các hiệp định thuế, hợp tác quốc tế về thuế là những nhân tố bên ngoài cần được quan tâm đến khi xây dựng chính sách ưu đãi thuế.

Hiện nay, ưu đãi thuế được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới (James, 2014). Lý luận cũng như thực tiễn ở nhiều nước cho thấy, trong nhiều trường hợp, sử dụng chính sách ưu đãi thuế góp phần làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, từ đó thu hút thêm nguồn vốn, tạo ra các “hiệu ứng lan tỏa” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, áp dụng ưu đãi thuế cũng gây ra những chi phí cho chính phủ, bao gồm: làm giảm nguồn thu cho ngân sách; tăng chi phí quản lý hành chính thuế; gây ra sự méo mó quá trình phân bổ nguồn lực và tạo ra các cơ hội cho tham nhũng. Chi phí ngân sách không những chỉ là phần ngân sách bị giảm trực tiếp mà còn cả số giảm thu ngân sách từ xói mòn cơ sở thuế việc sử dụng các thủ thuật để chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi đến doanh nghiệp được hưởng ưu đãi. Áp dụng ưu đãi thuế còn có thể dẫn tới cạnh tranh thuế quốc tế theo kiểu “chạy đua đến đáy”. Một quốc gia áp dụng chính sách ưu đãi thuế có thể kéo theo quốc gia khác áp dụng chính sách tương tự.

Đối với Việt Nam, ưu đãi thuế cũng là một trong những nội dung quan trọng trong tiền trình cải cách hệ thông chính sách thuế của Việt Nam kể từ khi thực hiện cải cách và mở cửa nền kinh tế đến nay. Các hình thức ưu đãi thuế ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm ưu đãi về thuế suất thuế TNDN, ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thuế TNDN, ưu đãi về giảm thuế TNCN, về miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hay các hình thức ưu đãi thông qua áp dụng cơ chế khấu hao nhanh, cơ chế trích lập Quỹ Khoa học và Công nghệ tại doanh nghiệp.

Trước năm 2004, chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa đầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài.Nhà đầu tư nước ngoài được hưởng các chính sách ưu đãi thuế ở mức cao hơn đầu tư trong nước. Từ ngày 01.01.2004, với việc Quốc hội ban hành Luật thuế TNDN năm 2003, chính sách ưu đãi thuế TNDN được áp dụng bình đẳng và thống nhất giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Tiếp đến, năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới.Qua đó, tiếp tục bãi bỏ các phân biệt đối xử về ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuế giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.Hiện hành, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI được đối xử như nhau cả về điều kiện cũng như mức độ ưu đãi thuế.Trước đây, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam còn được áp dụng nhằm thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích tăng hàm lượng nội địa của sản phẩm, ví dụ, ưu đãi dựa theo tỷ lệ doanh thu xuất khẩu và dựa theo tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa thập niên 2000, Việt Nam đã từng bước thực bãi bỏ các biện pháp ưu đãi này theo các cam kết đưa ra khi gia nhập WTO.

Trong số các hình thức ưu đãi thuế ở Việt Nam, ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế có thời hạn về thuế TNDN được áp dụng phổ biến nhất. Về ưu đãi thuế TNDN, hiện hành, các dự án đầu tư thuộc diện ưu đãi đầu tư được áp dụng các thuế suất ưu đãi là 17%, 15% hoặc 10%, tùy theo tiêu chí, như quy mô tạo việc làm, địa bàn, ngành, nghề. Thuế suất thuế TNDN ưu đãi được áp dụng trong thời gian 10 năm hoặc 15 năm, kể từ khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư và có thể được gia hạn trong một số trường hợp. Ngoài ra, một số dự án có thể được áp dụng mức thuế suất ưu đãi thuế TNDN suốt đời dự án, ví dụ dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện còn được miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn. Mức ưu đãi có thể áp dụng cao nhất là miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, pháp luật về thuế TNDN còn có quy định số trường hợp được miễn thuế TNDN không thời hạn như thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.Bên cạnh đó, từ 01.01.2004, các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao được khấu hao nhanh đối với tài sản cố định nhưng tối đa không quá 2 lần mức khấu hao thông thường.Từ 01.01.2009, theo Luật thuế TNDN năm 2008, doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Về thuế TNCN, để góp phần định hướng đầu tư, pháp luật về thuế TNCN của Việt Nam cũng có quy định miễn, giảm thuế TNCN cho một số đối tượng và loại hình thu nhập. Theo quy định của Luật thuế TNCN năm 2007, thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tiền lãi thu được của các cá nhân nắm giữ trái phiếu chính phủ và công trái xây dựng tổ quốc được miễn thuế TNCN. Một số loại thu nhập của người nông dân cũng được miễn thuế TNCN.

Về ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trước thời điểm năm 2005, bên cạnh Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn được quy định trong một số luật chuyên ngành.Kể từ năm 2005,các các hình thức ưu đãi này đã được tập trung quy định trong các văn bản pháp luật về thuế nhập khẩu. Hiện hành, các biện pháp ưu đãi thuế nhập khẩu đang áp dụng khá đa dang, như: miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi; miễn thuế đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của một số dự án mà trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế đối với nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, hàng mẫu, máy móc, thiết bị nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu….

Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, các dự án đầu tư đáp ứng một trong các điều kiện sau thì được hưởng ưu đãi thuế:

- Đầu tư tại địa bàn trong danh mục các địa bàn khuyến khích đầu tư;

- Đầu tư vào ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư, bao gồm Danh mục ưu đãi và Danh mục đặc biệt ưu đãi;

- Đầu tư vào các dự án sản xuất lớn với tổng vốn đầu tư từ 6 nghìn tỷ đồng trở lên và đáp ứng các điều kiện sau: (i) Doanh thu tối thiểu 10 nghìn tỷ đồng/năm trong 3 năm đầu, sau năm thứ nhất đi vào hoạt động; (ii) sử dụng ít nhất 3.000 lao động toàn thời gian tối thiểu 3 năm sau năm thứ nhất đi vào hoạt động;

- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên;

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.

Để được hưởng ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động được hưởng ưu đãi và thu nhập từ hoạt động không được hưởng ưu đãi, nếu không sẽ xác định theo tỷ lệ doanh thu từ hoạt động được hưởng ưu đãi trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Theo Luật đầu tư 2014, nếu dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư sẽ ghi hình thức ưu đãi đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu dự án đầu tư thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi nếu đáp ứng đủ điều kiện ưu đãi đầu tư mà không phải xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong trường hợp này, nhà đầu tư tự xác định hình thức ưu đãi và thực hiện các thủ tục để được hưởng ưu đãi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Easson, A & Zolt, E.M, Tax Incentives, 2002.

2. IMF, Options for Low Income Countries’s Effective and Efficient Use of Tax Incentives for Investment, 2015.

3. James, S, Tax and Non-tax Incentives and Investments: Evidence and Policy Implications, 2014.

4. OECD, OECD Investment Policy Reviews: South East Asia, 2018.

5. UN, Design and Assessment of Tax Incentives in Developing Countries Selected Issues and a Country Experience, 2018.

6. Zee, HH, Stotsky, J.G & Ley, E, Tax Incentives for Business Investment: A primer for Policy Makers in Developing Countries, 2005.