Mục từ này cần được bình duyệt
Ngân hàng đầu tư
Phiên bản vào lúc 16:54, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (Investment Bank) Ngân hàng đầu tư (Investment Bank) là một trung gian cung cấp các dịch vụ tài chính, trong đó tập trung…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

(Investment Bank)

Ngân hàng đầu tư (Investment Bank) là một trung gian cung cấp các dịch vụ tài chính, trong đó tập trung vào tư vấn và thực hiện huy động các nguồn vốn (đặc biệt là vốn trung và dài hạn) trên thị trường vốn cho khách hàng (bao gồm cá nhân, doanh nghiệp, và chính phủ). Ngân hàng đầu tư giúp các khách hàng huy động các nguồn vốn cần thiết thông qua phát hành các loại chứng khoán.Các loại chứng khoán phát hành có thể bao gồm cổ phiếu (chứng khoán vốn) hoặc trái phiếu (chứng khoán nợ).

Hiện nay, hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng đầu tư ngày càng được mở rộng với các mảng kinh doanh chính bao gồm nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (gồm phát hành chứng khoán và tư vấn mua bán sáp nhập), nghiệp vụ đầu tư, nghiệp vụ quản lý đầu tư, hoạt động tư vấn-nghiên cứu, ngân hàng bán buôn, và nghiệp vụ môi giới.

Lịch sử ngân hàng đầu tư

Hoạt động ngân hàng đầu tư lâu đời nhất trên thế giới được hình thành từ việc các nhà buôn (thương gia) tự kinh doanh trên vốn tự có. Theo Fohlin (2014), hoạt động này khởi nguồn từ các thành phố của Italia (như Siena, Florence, Genoa), Hà Lan (Amsterdam trở thành trung tâm giao dịch ngân hàng đầu tư thế kỷ XVII), sau đó là Vương quốc Anh. Giai đoạn đầu, các chủ ngân hàng này thường sử dụng hối phiếu để tài trợ cho việc giao thương hàng hóa với nhau, nhưng chủ yếu vẫn dựa trên nguồn vốn tự có của mình. Đến thế kỷ 16, các chủ ngân hàng đầu tư bắt đầu sử dụng các công cụ thị trường tiền tệ để tài trợ cho hoạt động đầu tư của mình, bán thương phiếu cho các nhà buôn khác và thậm chí các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tiếp theo đó, họ bắt đầu bán các chứng khoán dài hạn cho các nhà đầu tư bên ngoài, đồng thời tham gia vào hoạt động đầu tư vốn dài hạn, trong đó có cả cổ phiếu doanh nghiệp.

Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thuật ngữ ngân hàng đầu tư trở nên được sử dụng phổ biến trên thị trường tài chính, đặc biệt là tại Mỹ. Đến lúc này, cùng với quá trình tự do hóa thương mại và nhu cầu vốn dài hạn, các ngân hàng đầu tư được phát triển với đầy đủ các dịch vụ chủ yếu dựa trên bảo lãnh phát hành và chào bán chứng khoán doanh nghiệp.

Các nghiệp vụ chính của ngân hàng đầu tư

Bảo lãnh phát hành

Bảo lãnh phát hành có thể coi là quá trình tạo điều kiện cho người thiếu vốn (người vay tiền) có thể huy động vốn trên thị trường tài chính thông qua việc phát hành các chứng khoán cụ nợ (thương phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty) hoặc chứng khoán vốn (cổ phiếu). Thông qua việc cung cấp dịch vụ này, ngân hàng đầu tư sẽ được hưởng một khoản phí bảo lãnh nhất định trên số tiền thu được từ đợt phát hành. Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành được thực hiện trên thị trường sơ cấp.Có một số phương thức bảo lãnh phát hành: Bảo lãnh với cam kết chắc chắn; Bảo lãnh với cố gắng cao nhất; Bảo lãnh theo phương thức bán tất cả hoặc không bán gì; Bảo lãnh theo phương thức tối thiểu-tối đa.

Nghiệp vụ tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Nghiệp vụ tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được thực hiện trên thị trường sơ cấp.Đây là dịch vụ sử dụng các kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư, chiến lược kinh doanh.Dịch vụ này bao gồm tư vấn mua bán, sáp nhập, thành lập liên doanh, liên minh chiến lược, thoái vốn đầu tư và tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp. Dịch vụ này theo đem lại khoản phí tư vấn cho ngân hàng đầu tư. Các khách hàng của mảng dịch vụ này bao gồm doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư có tổ chức, các chính phủ và chính quyền địa phương.

Nghiệp vụ đầu tư

Nghiệp vụ đầu tư được ngân hàng đầu tư thực hiện chủ yếu trên thị trường thứ cấp với vai trò là nhà tạp lập thị trường. Nghiệp vụ đầu tư bao gồm hai hoạt động chính là môi giới và đầu tư.

Hoạt động môi giới chủ yếu áp dụng cho các chứng khoán và các hợp đồng phái sinh đã được niêm yết trên sàn giao dịch, trong đó ngân hàng đầu tư đóng vai trò trung gian nhận lệnh và khớp lệnh cho các khách hàng.

Hoạt động đầu tư được ngân hàng đầu tư thực hiện dưới hai hình thức: tự kinh doanh trên chính tài khoản và tiền của ngân hàng đầu tư (hoạt động tự doanh), và đầu tư cho khách hàng hoặc thay mặt khách hàng. Hoạt động tự doanh thường được áp dụng cho cả chứng khoán niêm yết và chứng khoán chưa niêm yết.Các nhân viên đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cho ngân hàng đầu tư bằng cách chủ động nắm giữ trạng thái sản phẩm (dương hoặc âm) và sự đánh cược vào biến động của giá chứng khoán.

Nghiệp vụ nghiên cứu

Đây là hoạt động được thực hiện nhằm theo dõi, phân tích, đánh giá về tất cả các biến số kinh tế vĩ mô và vi mô có ảnh hưởng đến giá của các chứng khoán đã niêm yết hoặc chưa niêm yết trên thị trường. Hoạt động này giúp các nhà kinh doanh, các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định mua bán đúng thời điểm và hiệu quả. Sản phẩm cả nghiệp vụ nghiên cứu rất đa dạng: (i) các báo cáo kinh tế vĩ mô theo định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm; (ii) các báo cáo về các ngành; (iii) các báo cáo về từng loại cổ phiếu/từng doanh nghiệp; (iv) các loại báo cáo khác như báo cáo chiến lược…

Bên cạnh đó, ngân hàng đầu tư còn cung cấp các dịch vụ khác như nghiệp vụ ngân hàng bán buôn, nghiệp vụ quản lý đầu tư, nghiệp vụ nhà môi giới chính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Fohlin, Caroline, A brief history of investment banking from Medieval Times to the Present. Edited by Youssef, Catherine Schenk, and Richard Grossman.The Oxford Handbook of Banking and Financial History, 2016.

2. Hagendorff, Jens, International Banking. Study package for BA (Hons) in Banking and Finance, University of Sunderland, 2010.

3. Liaw, K, Thomas, The Business of Investment Banking Comprehensive Overview, Third Edition, Willey, 2015.

4. Mạc Quang Huy, Cẩm nang Ngân hàng đầu tư, Nxb Thống kê, 2009