Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm một số đồng chí ủy viên Trung ương được BCHTƯ cử ra, ủy nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác Đảng ở miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của BCHTƯ, do Bộ Chính trị thường xuyên thay mặt chỉ đạo, hoạt động từ năm 1961 đến năm 1975.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đọan quyết liệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTƯ) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, do yêu cầu đấu tranh trong điều kiện hoà bình, Trung ương Đảng quyết định “Bỏ Trung ương Cục miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam Bộ và các khu ủy.
Cuối năm 1959, đầu năm 1960, với thắng lợi của phong trào Đồng khởi, cách mạng miền Nam chuyển sang thời kỳ mới: Thời kỳ tiến hành chiến tranh cách mạng, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của Mỹ-ngụy.
Tháng 9 năm 1960, trên cơ sở xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, Đại hội lần thứ III của Đảng ta chỉ rõ:¬ “Xây dựng một Đảng bộ ngày càng vững mạnh hơn nữa để đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị (…).Đó là điều căn bản nhất, quyết định thắng lợi của cách mạng miền Nam”. Tại Điều 25 Điều lệ Đảng sửa đổi, Đại hội quy định: “Ban Chấp hành Trung ương được thành lập Trung ương Cục phụ trách chỉ đạo công tác Đảng ở những đảng bộ đặc biệt trọng yếu”. Trên cơ sở đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Ba ngày 23 tháng 1 năm 1961, quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ.
Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Trung ương Cục được BCHTƯ Đảng xác định: Trung ương Cục là một bộ phận của BCHTƯ, gồm một số đồng chí ủy viên Trung ương được BCHTƯ cử ra, ủy nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác Đảng ở miền Nam. Trung ương Cục đặt dưới sự lãnh đạo của BCHTƯ, do Bộ Chính trị thường xuyên thay mặt chỉ đạo. Trung ương Cục có một Bí thư, hai Phó Bí thư do BCHTƯ chỉ định. Trung ương Cục còn có các Ban giúp việc như Ban Quân sự, Ban Tuyên huấn, Ban An ninh, Ban Hậu cần, Ban Hành chính, v.v… Trung ương Cục căn cứ vào các nghị quyết của Đại hội Đảng và những nghị quyết của BCHTƯ, của Bộ Chính trị đề ra chủ trương, chính sách và kế hoạch công tác cụ thể và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp không kịp xin chỉ đạo của TƯ, Trung ương Cục có quyền đề ra những chủ trương, chính sách lớn để đối phó kịp thời, nhưng phải báo cáo ngay lên Trung ương và Bộ Chính trị.
Đầu tháng 10 năm 1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục được tiến hành tại Chiến khu Đ (Tây Ninh). Ban Thường vụ Trung ương Cục do BCHTƯ cử ra gồm: Bí thư: Nguyễn Văn Linh, hai Phó Bí thư là Võ Chí Công và Phan Văn Đáng. Hội nghị đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam và đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các cấp bộ Đảng miền Nam.
Ngày 1 tháng 1 năm 1962, Trung ương Cục miền Nam ra tuyên bố thành lập Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam và công bố cương lĩnh hoạt động của mình.
Tháng 10 năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương cử vào làm Bí thư Trung ương Cục, kiêm Bí thư Quân ủy Miền. Từ đây, Trung ương Cục miền Nam phụ trách trực tiếp từ Khu VI (gồm Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận) trở vào đến Cà Mau (tức địa bàn B2). Từ Ninh Thuận trở ra do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo. Phân công Võ Chí Công về khu V làm Bí thư Khu ủy, kiêm Chính ủy quân khu.
Tháng 7 năm 1967, Nguyễn Chí Thanh từ trần do bị đau tim. Tháng 10 năm 1967, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, được Trung ương cử vào thay thế. Tiếp đến, Hoàng Văn Thái (Mười Khang), Ủy viên Trung ương Đảng, được Trung ương tăng cường vào làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Phó Bí thư Quân ủy Miền.
Đầu năm 1968, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, được Trung ương bổ sung vào làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đến tháng 5 năm 1968, Lê Đức Thọ được chuyển sang công tác ngoại giao. Từ năm 1969 đến năm 1975, Trung ương cục Miền Nam do Phạm Hùng làm Bí thư.
- Trung ương Cục lãnh đạo xây dựng Đảng bộ miền Nam về tư tưởng, chính trị và tổ chức; đảm bảo sự chỉ đạo toàn diện cách mạng miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngay từ khi mới thành lập, Xử ủy Nam Bộ và sau là Trung ương Cục miền Nam coi công tác xây dựng Đảng là trọng tâm. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với nhiệm vụ chính là đấu tranh chính trị, Xứ ủy quyết định đưa tổ chức và hoạt động của Đảng vào bí mật nhằm mục tiêu bảo vệ, củng cố và xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức.
Từ cuối năm 1961, Trung ương Cục tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các tổ chức Đảng. Đảng bộ miền Nam lấy tên công khai là Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam. Trong thời gian ngắn, hệ thống tổ chức Đảng được củng cố và phát triển từ các cơ quan của Trung ương Cục đến cấp khu, tỉnh, thành, huyện và cơ sở, trong đó việc xây dựng “chi bộ tự động công tác” là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở được đặc biệt coi trọng. Các cấp bộ đảng đã vận dụng linh hoạt nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật, có phương pháp hoạt động phù hợp với điều kiện hợp pháp, nửa hợp pháp và bí mật; cảnh giác, ngăn ngừa địch phá hoại.
Đi đôi với việc xây dựng tổ chức đảng các cấp, Trung ương Cục chú trọng việc đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ. Ngay từ cuối năm 1961, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập Trường Lý luận trung, cao cấp Nguyễn Ái Quốc miền Nam và trong 14 năm hoạt động, Trường đã đào tạo được khoảng 1.000 cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng tại chiến trường miền Nam.
Công tác xây dựng đảng phát triển theo yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và trải qua những thử thách trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù. Trước chính sách “tố cộng, diệt cộng” tàn bạo, “quốc sách ấp chiến lược” nham hiểm của chính quyền Sài Gòn, sự truy lùng “tìm diệt” của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn, đội ngũ đảng viên và các tổ chức Đảng vẫn đứng vững, bám dân, bám đất, đấu tranh kiên cường, hy sinh dũng cảm, làm tấm gương sáng cho nhân dân, củng cố niềm tin cho quần chúng đối với cách mạng, đối với Đảng.
Trên lĩnh vực tư tưởng, trong cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt đầy đau thương và mất mát; trước sức mạnh của kẻ thù và tác động của tư tưởng hòa hoãn, quan điểm trường kỳ mai phục trên thế giới…việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ, nhân dân trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương Cục. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, Trung ương Cục đã truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được kết tụ trong Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Do xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và phát triển Đảng mạnh về tổ chức, vững vàng về tư tưởng, Đảng bộ miền Nam đã đứng vững trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, ngày càng lớn mạnh, chỉ đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam theo sự lãnh đạo của BCHTƯ Đảng.
- Xây dựng lực lượng và các tổ chức cách mạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp kháng chiến
Song song với công tác xây dựng và phát triển Đảng, nhiệm vụ quan trọng của Trung ương Cục là phải xây dựng căn cứ kháng chiến, xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức cũng như lực lượng cách mạng.
Trong giai đoạn 1954-1959, do chưa chú trọng xây dựng khu căn cứ kháng chiến, đội ngũ cán bộ lãnh đạo không được bảo vệ an toàn, lực lượng cách mạng không có chỗ đứng chân, cuộc kháng chiến lâm vào tình thế khó khăn. Sau thắng lợi của phong trào "Đồng khởi" 1959-1960, việc xây dựng khu kháng chiến được đẩy mạnh, và đến năm 1965, nhiều khu kháng chiến của Trung ương Cục, Liên tỉnh ủy, khu ủy được xây dựng với nhiều loại hình khác nhau. Chiến khu Đ (Biên Hòa) và căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) trở thành đại bản doanh của Trung ương Cục và các cơ quan đầu não khác của lực lượng kháng chiến như Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Quân ủy Miền, v.v…
Nội dung công tác xây dựng căn cứ và khu kháng chiến bao gồm xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển lực lượng tự vệ và du kích, bảo vệ căn cứ; gắn hoạt động chiến đấu với xây dựng, phát triển sản xuất, dự trữ hậu cần; địa bàn tiếp nhận sự chi viện của miền Bắc và của quốc tế.
Cùng với các khu kháng chiến, vùng giải phóng ở miền Nam được xác lập và ngày càng mở rộng sau phong trào Đồng khởi. Đó là hậu phương tại chỗ, là nguồn cung cấp sức người, sức của trực tiếp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đi đôi với việc xây dựng khu kháng chiến và vùng giải phóng, Trung ương Cục chủ động, sáng tạo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân cùng chống Mỹ và chính quyền tay sai.
Đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng ta là phải dùng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, và đây được coi là vấn đề mang tính quy luật.
Chủ trương này được Xứ ủy Nam Bộ và sau này là Trung ương Cục vận dụng một cách linh hoạt. Sau năm 1954, với nhiệm vụ thi hành Hiệp định Giơnevơ, Xứ ủy Nam Bộ chú trọng xây dựng lực lượng chính trị, rồi từ sau "Đồng khởi", lực lượng vũ trang dần được xây dựng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai lực lượng này ngày càng lớn mạnh, hình thành “hai chân”, tấn công địch trên 3 mặt trận: chính trị, vũ trang và binh vận.
Lực lượng vũ trang tại miền Nam do Xứ ủy và Trung ương Cục xây dựng bao gồm du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, kết hợp với các đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào tạo nên sức mạnh to lớn tấn công địch trên mặt trận quân sự. Tuy vậy, việc xây dựng lực lượng vũ trang không phải lúc nào cũng được tiến hành một cách dễ dàng. Do diễn biến của chiến trường và yêu cầu của cách mạng trong từng giai đoạn, quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang có khác nhau. Có quan điểm cho rằng nên tập trung lực lượng, xây dựng thành các đơn vị chủ lực mạnh; quan điểm khác lại nhấn mạnh vai trò của bộ đội địa phương và du kích vì đây là lực lượng cần thiết bảo vệ địa bàn nông thôn, chống địch bình định, tạo điều kiện và thế cho chủ lực hoạt động. Qua thực tiễn cách mạng, Trung ương Cục đã xử lý đúng đắn mối quan hệ trong việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, phối hợp tích cực trong hoạt động quân sự.
Lực lượng chính trị do Trung ương Cục chỉ đạo xây dựng bao gồm nhiều tổ chức xã hội khác nhau cùng chung ngọn cờ chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn – tay sai của Mỹ vì mục tiêu độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước. Lực lượng yêu nước miền Nam bao gồm mọi tầng lớp nhân dân tập hợp dưới ngon cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam và các tổ chức yêu nước khác. Lực lượng chính trị rộng lớn này được tổ chức thành nhiều đạo quân, tiến hành đấu tranh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ "đội quân tóc dài" trong phong trào Đồng khởi, phong trào học sinh – sinh viên, đến các cuộc đấu tranh của tiểu thương, phật tử; từ hình thức đấu tranh chống càn, dồn dân lập ấp, chống khủng bố, đàn áp đến các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến tới nổi dậy giành quyền làm chủ.
Việc xây dựng chính quyền cách mạng các cấp được coi là nhiệm vụ quan trọng của Trung ương Cục. Nghị quyết về xây dựng bộ máy Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày 5-10-1969, Trung ương Cục xác định: “Do những điều kiện đặc biệt về đối nội và đối ngoại, ta phải xây dựng một hệ thống chính quyền cách mạng hoàn chỉnh từ Trung ương xuống địa phương trong phạm vi một nửa nước”.
Tại các khu căn cứ, nhất là vùng giải phóng, Trung ương Cục chỉ đạo việc xây dựng chính quyền cơ sở - chỗ dựa của cách mạng, của nhân dân. Chính quyền chăm lo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân, chống địch càn quét, lấn chiếm, thực thi quyền làm chủ cho nhân dân.
Trên cơ sở phát triển của lực lượng cách mạng và trước đòi hỏi của cuộc kháng chiến, ngày 6 tháng 6 năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập. Đây là chính phủ liên hiệp rộng rãi các lực lượng tán thành hòa bình, trung lập, độc lập dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, khẳng định thế đi lên, thế chiến thắng của cách mạng miền Nam, tạo thế chính trị to lớn cho cách mạng miền Nam trong việc tập hợp các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trong nước và quốc tế chống lại Mỹ và chính quyền tay sai của chúng.
- Vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng, chỉ đạo chiến đấu trên các mặt trận, đánh thắng từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Đối đầu với kẻ thù mạnh, thâm độc, trong điều kiện quốc tế thuận lợi đan xen những khó khăn, phức tạp, dưới sự lãnh đạo của TƯ Đảng, Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Trung ương Cục đã chủ động, sáng tạo vận dụng đường lối kháng chiến của Đảng, đề ra những chủ trương sát hợp với tình hình, đưa sự nghiệp cách mạng từng bước phát triển đến thắng lợi.
Trong 7 năm tồn tại (1954-1961), Xứ ủy Nam Bộ đã “giỏi công tác, khéo che dấu lực lượng”, lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực hiện tự do dân chủ, bảo vệ quyền lợi đã giành được trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Song trước sự đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm, Xứ ủy đã chủ động lãnh đạo nhân dân cùng với việc bảo vệ lực lượng, đấu tranh chính trị, tiến hành từng bước xây dựng lực lượng vũ trang, tiến công địch ở một số địa phương nhằm ngăn chặn sự đàn áp của địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng.
Cuối năm 1959 đầu năm 1960, trên cơ sở đề xuất của Xứ ủy và được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng qua Nghị quyết 15, Đảng bộ miền Nam đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy, làm nên phong trào “Đồng khởi” rung chuyển vùng nông thôn rộng lớn khắp miền Nam, đưa cách mạng miền Nam sang giai đoạn đấu tranh mới, giai đoạn kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam Bộ đã tiếp tục chủ động, sáng tạo, thay mặt Trung ương lãnh đạo nhân dân miền Nam tiếp tục sự nghiệp kháng chiến.
Ngay sau khi thành lập, Trung ương Cục đã trực tiếp đương đầu với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thâm độc và tiếp đó là các chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Trung ương Cục vừa chỉ đạo Đảng bộ và nhân dân miền Nam quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ chiến lược và phương pháp cách mạng của Trung ương Đảng, chỉ đạo đấu tranh phù hợp, vừa nắm bắt kịp thời diến biến của chiến trường, tổng kết thực tiễn, chủ động đề xuất giúp Trung ương Đảng đề ra những chủ trương và biện pháp đấu tranh thích hợp và hiệu quả.
Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng, từ kinh nghiệm thực tiễn, Trung ương Cục đã chủ động xác lập ba vùng chiến lược: đô thị, nông thôn và vùng núi; Đánh địch bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận; Xây dựng lực lượng và tổ chức phương pháp đấu tranh thích hợp, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”, trực tiếp đưa quân vào miền Nam, Trung ương Cục đề ra quyết tâm và đưa ra khẩu hiệu: “tìm Mỹ mà diệt”, “nắm thắt lưng địch mà đánh”, xây dựng “vành đai diệt Mỹ”… làm cho quân đội Mỹ và đồng minh ngày càng bị sa lầy. Cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại của Mỹ, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 và những thắng lợi khác trên các chiến trường buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, rút toàn bộ quân Mỹ và đồng minh khỏi miền Nam Việt Nam.
Trong những năm 1973-1975, Trung ương Cục đã chỉ đạo bảo vệ vững chắc vùng giải phóng; tạo thế, tạo lực; huy động mọi lực lượng tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
- Tổng kết thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận, đề xuất với Trung ương Đảng những chủ trương, phương pháp đấu tranh thích hợp
Với tư cách là tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương, được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Trung ương Cục đã chủ động sáng tạo từ thực tế chiến trường, nghiên cứu lý luận, đề xuất với Trung ương Đảng các biện pháp đấu tranh thích hợp.
Như chúng ta đã biết, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơvevơ, Đảng bộ miền Nam rút vào hoạt động bí mật, tiến hành đấu tranh hòa bình, đòi hiệp thương, đòi tự do dân chủ. Nhưng với âm mưu xâm chiếm miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về lập chính phủ mới, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, tiến hành đàn áp nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Từ thực tiễn tình hình, Xứ ủy Nam Bộ đã xây dựng Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, nhận định về xã hội miền Nam, những nhiệm vụ và giải pháp cách mạng giải phóng miền Nam, những lực lượng cần xây dựng và dự kiến phương hướng phát triển của cách mạng.
Tháng 1 năm 1959, Ban CHTƯ Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 bàn về cách mạng Việt Nam. Bản Đề cương do Xứ ủy xây dựng trình Hội nghị đã góp phần quan trọng cho sự thống nhất ban hành Nghị quyết 15 về “Tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà” vào tháng 7 năm 1959. Nghị quyết 15 mở ra thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam, từ thời kỳ đấu tranh hòa bình, đòi Hiệp thương thống nhất đất nước sang thời kỳ đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc… Con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng tháng 9 năm 1960 và trong các kỳ họp tiếp theo của Đại hội, ý kiến của Trung ương Cục và các đại biểu miền Nam đã góp phần quan trọng vào việc quyết định đường lối, các chủ trương, chiến lược, sách lược của Trung ương Đảng đối với cách mạng miền Nam.
Trong suốt 25 năm cuộc kháng chiến, những đề xuất và sự chỉ đạo cụ thể của Trung ương Cục đã trở thành chủ trương của Trung ương Đảng và trở thành hiện thực tại chiến trường miền Nam như phong trào “Đồng khởi”, đấu tranh chống “quốc sách ấp chiến lược”, chống “bình định” giành địa bàn nông thôn, phương thức đánh Mỹ và thắng Mỹ, v.v… Sự chỉ đạo thực tiễn của Trung ương Cục là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta xác định các phương thức, phương châm tiến hành chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang; đấu tranh quân sự, chính trị với binh vận, kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao; đấu tranh trên cả ba vùng thành thị, nông thôn và miền núi.
Những đề xuất của Trung ương Cục từ thực tiễn cách mạng miền Nam đã góp phần hình thành đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng. Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Trung ương Cục đã đưa đường lối đó vào thực tiễn đấu tranh, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Ngày 29/9/1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam.
Qua 14 năm hoạt động, Trung ương Cục miền Nam đã có những đóng góp to lớn và xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những cống hiến đó của Trung ương Cục chứng minh sự đúng đắn và sáng tạo của Trung ương Đảng trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, 53, 54, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
4. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1, 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
5. Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, tập 10, 11, 12, 13, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 2017.