một tục lệ dân gian được thực hành tương đối phổ biến trong nghi thức Đưa tang (còn gọi là lễ Phát dẫn, lễ Di quan) của cư dân người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Chưa rõ thời điểm bắt đầu xuất hiện tục lệ này. Sách Thọ Mai gia lễ - trong phần quy định thứ tự của lễ đưa tang - chỉ ghi “Rỗi đến cữu” (chủ nhân trở xuống khóc rồi đi bộ theo). Công trình khảo cứu phong tục được biên soạn sớm nhất ở nước ta - cuốn Việt Nam phong tục - cũng không ghi chép tục lệ này. Ở mục Tang ma, soạn giả Phan Kế Bính chỉ nhắc tới hai loại gậy khác nhau mà con trai dùng để chống trong lễ tang của cha hoặc mẹ. Tục CĐMĐ được ghi chép lần đầu trong Việt Nam văn hoá sử cương (năm 1938) của Đào Duy Anh, sau đó, cụ thể hơn ở mục Phát dẫn trong cuốn Đất lề quê thói - phong tục Việt Nam của Nhất Thanh, có ghi rằng con cháu đi theo linh cữu, con trai đội mũ chống gậy. Đưa đám cha thì chống gậy tre tròn còn đưa đám mẹ thì chống gậy vông đẽo vuông. Đưa đám mẹ chỉ riêng con trai chống gậy trước linh cữu, bưng miệng đi giật lùi.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về tục lệ này. Dân gian có khuynh hướng giải thích theo hướng tâm lý, cha thường nghiêm hơn, nên con chỉ biết lẽo đẽo theo khóc, không dám lên phía trước đón ngăn lại trên đường vĩnh biệt như đối với mẹ. Có cách giải thích từ quan điểm “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo cho rằng việc người con trai (thường là trưởng nam) đi trước linh cữu mẹ - dù bưng miệng đi giật lùi, vẫn là hình ảnh khẳng định vai trò chỉ đường dẫn lối của người đàn ông trong gia đình. Có cách giải thích tục này từ lý thuyết âm dương: con trai chống gậy tre trong lễ tang cha, chống gậy vông trong đám tang mẹ; thân tre tròn biểu tượng dương, cành gỗ vông đẽo được thành hình vuông, biểu tượng âm. Tục CĐMĐ (tang cha đi sau quan tài, tang mẹ - đi giật lùi phía đầu quan tài) và tục áo tang cha thì mặc trở đằng sống lưng ra, tang mẹ trở đằng sống lưng vô - thể hiện triết lý âm dương qua cặp nghĩa: hướng ngoại (dương-cha), hướng nội (âm-mẹ).
CĐMĐ còn được coi là một tục lệ được áp dụng trong đám cưới của người Việt ở một vài địa phương. CĐMĐ ở đây được hiểu là cha đưa con gái về nhà chồng, còn mẹ chồng đón nàng dâu về nhà. Dân gian lý giải rằng cha mẹ đẻ cần trực tiếp đưa con gái đến bàn giao, gửi gắm cho gia đình thông gia, giúp con bớt lo lắng, bỡ ngỡ khi bước vào gia đình mới với những mối quan hệ mới (nhất là hôn nhân trước đây chủ yếu do cha mẹ sắp đặt qua mai mối). Người cha vốn mạnh mẽ - lại là chủ gia đình - có nhiều thuận lợi trong việc tiễn con về nhà chồng, khác với người mẹ vốn mềm yếu, nếu đưa con đi dễ lưu luyến, dùng dằng không tiện cho đám cưới. Còn việc mẹ chồng trực tiếp đi đón con dâu vừa biểu hiện sự tôn trọng nhà gái, vừa tạo ra sự gần gũi giữa hai người phụ nữ.
Do đây là một tục lệ dân gian nên chắc chắn luôn có những biến thể ở các nhóm cộng đồng khác nhau. Theo quy ước trong dân gian, ở nhiều vùng người mẹ chồng sẽ lánh mặt một thời gian khi cô dâu bước vào nhà. Thời xưa, mẹ chồng còn phải xách cả bình vôi - biểu tượng của tài sản gia đình - đi lánh mặt, cũng là để nắm giữ tài sản và tránh quan hệ sứt mẻ với con dâu. Trong các đám cưới hiện nay, người cha thường có mặt trong đoàn tiễn con gái về nhà chồng, nhưng đoàn rước dâu thường không có mẹ chồng. Người mẹ chồng chỉ xuất hiện trong lễ xin dâu. Bà cùng một người phụ nữ trong họ sẽ mang tráp lễ vật đến xin dâu và ra về ngay trước đi đoàn rước dâu đến.
CĐMĐ - dù được thực hành trong đám tang hay đám cưới - vẫn là một tục lệ đề cao đạo lý gia đình và giá trị nhân văn. Nó có những biến đổi trong các không gian và thời gian văn hoá phù hợp quan niệm nhân sinh của mỗi cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
Nguyễn Xuân Kính và cộng sự, Kho tàng tục ngữ Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002.
Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb. Nhã Nam, Hà Nội, 2014.
Nhất Thanh, Đất lề quê thói – phong tục Việt Nam, Nxb.Văn học, Hà Nội, 2016.
Hồ Gia Tân, Thọ Mai gia lễ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2018.