Mục từ này cần được bình duyệt
Ẩn dụ ý niệm
Phiên bản vào lúc 16:02, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} sự “chuyển di” (transfer) hay một sự “đồ chiếu” (mapping) cấu trúc và các quan hệ nội tại của một lĩnh v…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

sự “chuyển di” (transfer) hay một sự “đồ chiếu” (mapping) cấu trúc và các quan hệ nội tại của một lĩnh vực hay mô hình tri nhận nguồn (source) sang một lĩnh vực hay mô hình tri nhận đích (target). Đây là cách nhìn ẩn dụ từ góc nhìn tri nhận luận. Thường thì các phạm trù ở mô hình đích trừu tượng hơn, các phạm trù ở mô hình nguồn cụ thể hơn, nghĩa là chúng ta thường dựa vào kinh nghiệm của mình về những con người, những sự vật và hiện tượng cụ thể thường nhật để ý niệm hoá các phạm trù trừu tượng.

Cuộc cách mạng về ẩn dụ của Lakoff và Johnson

Có thể G. Lakoff và M. Johnson không phải là những người đầu tiên đặt ẩn dụ trong mối quan hệ với tư duy mà cụ thể là khả năng tri nhận của con người, nhưng mốc quan trọng trong sự phát triển của tri nhận luận về ẩn dụ phải là năm 1980, khi công trình “Metaphor we live by” của hai tác giả này ra đời.

Lakoff và Johnson (1980) cho rằng: “hệ thống ý niệm đời thường của chúng ta, mà trong khuôn khổ của nó chúng ta suy nghĩ và hành động, về bản chất là ẩn dụ”. Chúng ta không chỉ dùng các ẩn dụ được quy ước hoá và từ vựng hóa mà sự thực là chúng ta đã suy nghĩ hay ý niệm hoá miền “đích” thông qua miền “nguồn". Như vậy ADYN (hay tri nhận), ngoài chức năng quy ước hóa và từ vựng hóa còn có chức năng ý niệm hóa, thể hiện cách tư duy, tri nhận về sự vật của người bản ngữ theo những phương thức nhất định.

Để làm rõ sự đồ chiếu trong hệ thống ý niệm, Lakoff và Johnson đã áp dụng một chiến lược đặt tên cho những đồ chiếu như vậy, theo cách dùng kí ức để xác lập đồ chiếu này, với công thức “miền đích là miền nguồn” (Target domain is source domain) hay “miền đích như là miền nguồn” (Target domain as source domain).

Ví dụ như khi nói “Tình yêu là một cuộc hành trình” (Love is a journey), ta sẽ dùng ký ức để nêu lên đặc điểm của các đồ chiếu (mapping) cho thấy tình yêu như cuộc hành trình (The love-as-journey mapping), đó là:

- Người tình nhân tương ứng với người lữ khách;

- Mối quan hệ yêu đương tương ứng với phương tiện đi lại;

- Mục đích chung của hai người yêu nhau tương ứng với điểm đến chung trong chuyến hành trình;

- Những khó khăn trong quan hệ giữa họ tương ứng với những trở ngại trên đường đi;

Trong tiếng Việt, ADYN này được thể hiện trong những biểu thức ẩn dụ như: “Cặp đôi đó đã chia tay nhau”, “Tình yêu chúng mình đã đi qua bao nhiêu vui buồn”…

Trong ADYN, Lakoff và Johnson bàn đến những loại ẩn dụ có chức năng khác nhau:

1. Ẩn dụ bản thể (ontological metaphor) là loại ẩn dụ định hình sự vật và biến chúng thành thực thể (entities) và chất thể (substances) để từ đó có thể nói/bàn luận đến chúng, phạm trù hóa, phân loại và định lượng chúng;

2. Ẩn dụ cấu trúc (structural metaphor) là sử dụng một ý niệm nguồn có cấu trúc tổ chức cao và rõ ràng để tri nhận một ý niệm đích trừu tượng hơn;

3. Ẩn dụ định hướng (orientational metaphor) là sử dụng các từ định hướng không gian hay có hàm ý định hướng không gian, dùng để biểu cảm, đánh giá.

Tuy nhiên, sự phân loại ADYN thành 3 loại như vậy chỉ là cách phân loại theo chức năng, theo đó, với tư cách là phương thức của tư duy, mỗi loại ẩn dụ có một chức năng riêng. Ngoài cách phân loại phổ biến này, theo Kovecses (2010), ít nhất còn có 3 cách phân loại ẩn dụ khác, đó là:

Phân loại theo tính quy ước (ẩn dụ quy ước là ẩn dụ ổn định, được củng cố/ẩn dụ phi quy ước là loại dùng các biểu thức ngôn ngữ mới mẻ, gây ấn tượng, mặc dù người sử dụng vẫn nghĩ đến ADYN quy ước, chẳng hạn ẩn dụ LIVE IS A MIRROR, “if you smile, it smiles back at you; if you frown, it frown back”);

Phân loại theo bản chất (có ẩn dụ dựa trên tri thức cơ bản/có ẩn dụ dựa vào sơ đồ ý tượng như IN-OUT (I’m out of money), FRONT-BACK (He’s an up-front kind of guy), UP-DOWN (I feeling down), CONTACT (Hold on, please/wait!), MOTION (He just went crazy), FORCE (You’ve driving me insane);

Phân loại theo mức độ tổng quát (chẳng hạn sơ đồ tổng quát “motion” có thể được hiện thực hóa bằng nhiều cách cụ thể khác nhau: một cuộc hành trình, một cuộc đi dạo, chạy, leo núi, v.v), các ẩn dụ “TRANH LUẬN LÀ CUỘC CHIẾN”, “CUỘC ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH” thuộc ẩn dụ cụ thể, còn các ẩn dụ “EVENTS ARE ACTIONS”, “GENERIC IS SPECIFIC” thuộc ẩn dụ tổng quát

Tóm lại, có thể thấy rằng trong cách nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ có vai trò vô cùng quan trọng trong ngôn ngữ đời thường, hàng ngày và đặc biệt nó là một công cụ tri nhận mạnh mẽ để ý niệm hoá các phạm trù trừu tượng.

Các đặc trưng của ADYN

Tính một chiều của ẩn dụ

Quan sát có lẽ quan trọng nhất được các nhà lí thuyết ADYN ghi nhận, đó là quan sát về tính một chiều của ẩn dụ. Tức ẩn dụ sẽ đồ chiếu cấu trúc từ một miền nguồn sang một miền đích nhưng không phải ngược lại. Chẳng hạn, trong khi chúng ta ý niệm hóa TÌNH YÊU theo HÀNH TRÌNH, thì chúng ta lại không thể cấu trúc một cách quy ước hóa HÀNH TRÌNH theo TÌNH YÊU: các lữ khách không được miêu tả quy ước như là những ‘người tình nhân’, hoặc các chướng ngại vật trên đường không được quy ước như là những thử thách trong tình yêu, v.v. Bản thân các thuật ngữ ‘đích’ và ‘nguồn’ mã hóa bản chất một chiều của sự đồ chiếu.

Có trường hợp, có vẻ như ẩn dụ ý niệm có thể tồn tại hai chiều giữa hai miền. Chẳng hạn ẩn dụ CON NGƯỜI LÀ MÁY MÓC và MÁY MÓC LÀ CON NGƯỜI. Tuy nhiên, theo Evans và Green (2006), cho dù hai ẩn dụ này có vẻ như là hình ảnh phản chiếu của nhau, sự khảo sát kĩ hơn cho thấy mỗi ẩn dụ liên quan đến sự đồ chiếu khác biệt: trong ẩn dụ CON NGƯỜI LÀ MÁY MÓC, các đặc tính cơ học và vận hành gắn với máy móc được đồ chiếu vào con người, như là tốc độ và tính hiệu quả của chúng, cấu trúc bộ phận-toàn thể và việc chúng bị hỏng hóc. Trong ẩn dụ MÁY MÓC LÀ CON NGƯỜI, chính các khái niệm về ham muốn và ý chí được đồ chiếu vào máy móc, dẫn đến kết quả là máy móc đã được “nhân hóa”. Sự phân tích này cho thấy, ngay cả khi hai ẩn dụ chia sẻ hai miền chung và thoạt nhìn, có vẻ sự đồ chiếu ẩn dụ mang tính hai chiều, thì về bản chất mỗi ẩn dụ là khác biệt vì chúng dựa trên sự đồ chiếu khác nhau.

Những đặc trưng của miền đích và miền nguồn

Dựa trên một khảo sát mở rộng, Kövecses (2002) thấy rằng những miền nguồn phổ biến nhất cho sự đồ chiếu ẩn dụ bao gồm lĩnh vực CƠ THỂ CON NGƯỜI (ví dụ, trong tiếng Việt, chúng ta nói: Đó là trò chơi cân não), ĐỘNG VẬT (trong tiếng Việt, chúng ta nói: Cô ta là con rắn độc sẽ làm hại cả cơ quan/Dự án ngốn nhiều vốn vay ODA… ), THỰC VẬT (trong tiếng Việt, chúng ta nói: Sau nhiều năm lao động vất vả, bây giờ là lúc chúng ta hái quả/Dự án này không có gốc rễ từ đời sống… ), THỰC PHẨM (trong tiếng Việt, chúng ta nói: Làm báo như nó chỉ cần xào xáo chứ không cần viết/Nó rất giỏi trong việc thêm gia vị cho câu chuyện ), LỰC (trong tiếng Việt, chúng ta nói: Tôi bị sức ép trong vụ này/Công việc cuốn anh ta đi…).

Những miền đích phổ biến nhất bao gồm những phạm trù ý niệm như TÌNH CẢM, ĐẠO ĐỨC, TƯ DUY, QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI và THỜI GIAN. Dễ dàng thấy được đây đều là những phạm trù trừu tượng, khó nắm bắt.

Cách giải thích chung cho rằng miền nguồn có xu hướng cụ thể hơn và do đó dễ ‘nắm bắt’ hơn, còn miền đích có xu hướng trừu tượng hơn, không có những đặc tính vật chất và do đó khó hiểu và khó trình bày hơn theo cách riêng của chúng. Như Kövecses (2002: 20) diễn đạt, ‘Miền đích thì trừu tượng, tản mạn và không có phác họa rõ ràng; do đó chúng ‘khẩn thiết’ cần ý niệm hóa theo lối ẩn dụ’. Trực giác của chúng ta đằng sau những ẩn dụ như vậy là các ý niệm đích thường là ‘tư tưởng ở bậc cao hơn’; mặc dù vẫn bám chắc vào những trải nghiệm cơ bản hơn, những ý niệm này liên quan đến cấu trúc tri thức kinh nghiệm phức tạp hơn và trừu tượng hơn. Xét miền ý niệm THỜI GIAN trong tiếng Việt. Đây là một miền trừu tượng đặc biệt. Trong tiếng Việt, thời gian trước hết được ý niệm hóa theo KHÔNG GIAN và DI CHUYỂN qua không gian. Chẳng hạn, chúng ta nói: Tết Nguyên đán hãy còn xa/Trung thu đang đến/Trước thềm Năm mới, ai cũng vui…

Những nghĩa bổ sung mà ẩn dụ mang lại

Các ẩn dụ ý niệm còn cung cấp những tri thức bổ sung, đôi khi khá chi tiết và gây ấn tượng. Những tri thức hay ý nghĩa bổ sung này nảy sinh từ sự suy đoán dựa trên những khía cạnh của miền nguồn vốn không được biểu thị hiển ngôn trong sự đồ chiếu đến miền đích. Theo cách này, sự đồ chiếu ẩn dụ có thể đưa đến dẫn ý hay suy đoán phong phú. Chẳng hạn, xét hai ví dụ sau đây trong tiếng Việt, vốn có liên quan đến ADYN TRANH LUẬN LÀ MỘT HÀNH TRÌNH.

- Cuộc thảo luận nhích từng tí một.

- Thảo luận mãi rồi cũng chẳng đi đến đâu.

Trong ẩn dụ này, NGƯỜI THAM GIA tranh luận tương ứng với NGƯỜI LỮ KHÁCH, bản thân cuộc tranh luận ứng với CUỘC HÀNH TRÌNH và những TIẾN BỘ của cuộc tranh luận ứng với LỘ TRÌNH được chọn. Tuy nhiên, trong miền nguồn CUỘC HÀNH TRÌNH, các lữ khách có thể lạc đường, họ có thể đi chệch con đường, họ có thể không đến được đích, v.v. Mối liên hệ giữa miền nguồn và miền đích mang lại cái suy ý rằng những sự kiện này (các lữ khách có thể lạc đường, họ có thể đi chệch con đường, họ có thể không đến được đích, v.v) cũng có thể xuất hiện ở miền đích CUỘC TRANH LUẬN. Có thể gọi đây là những suy ý mang tính ẩn dụ hay sự bổ sung tri thức mà ẩn dụ mang lại.

Tài liệu tham khảo

1. Lý Toàn Thắng, Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.

2. Lý Toàn Thắng Ngôn ngữ học tri nhận. Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2005, tái bản 2009

3. Nguyễn Văn Hiệp“Ngữ nghĩa của từ “RA” trong tiếng Việt nhìn từ góc độ nghiệm thân”, trong kỷ yếu Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc, Hà Nội, 2012.

4. Lakoff, G & Johnson, M Metaphors We Live By, the University of Chicago Press. London, 1980.

5. Lakoff, G, Women, fire and dangerous things, What categories reveal about the mind, Chicago, University of Chicago Press, 1987.

6. Ungerer E. and Schmid H.J. An Introduction to Cognitive Linguistics. Addison Wesley Longman Limited, 1996.

7. Gibbs, R, W, “Idioms and mental imagery, the metaphorical motivation for idiomatic meaning”, Cognition, vol 36, 1997.

8. Lakoff G. and Johnson M. Philosophy in the Flesh: the Embodied Mind and its Challenge to Western Thought. Published by Basis Book, A member of the Perseus Books Group, 1999.

9. Evans, V. & Green M. Cognitive Linguistics: An Introduction. Edinburgh: Edinburgh University Press, 2006.

10. Lee David Cognitive Linguistics- An Introduction, Oxford University Press, 2001.

11. Tim Rohrer, “Embodiment and Experientialism”. In Dirk Geeraerts and Hubert Cuyckens (eds): The Oxford Handbook of Cognitive Linguistics. The University of Oxford Press, 2007.

12. Kovecses Zoltan Metaphor- A Practical Introduction. The University of Oxford Press, 2010.