(grammatical category)
hệ thống của các ý nghĩa ngữ pháp đối lập nhau được thể hiện bằng các hình thức ngữ pháp đối lập tương ứng.
Trong PTNP như là thể thống nhất của ý nghĩa và hình thức ngữ pháp tương ứng, các ý nghĩa ngữ ngữ pháp cụ thể có sự đối lập nhau trên cơ sở một nét nghĩa chung, tức là thuộc một ý nghĩa khái quát nhất định. Chẳng hạn, ý nghĩa ngữ pháp khái quát về thời bao gồm các ý nghĩa thời cụ thể đối lập nhau (ý nghĩa thời quá khứ, hiện tại, tương lai); ý nghĩa ngữ pháp khái quát về dạng bao gồm các ý nghĩa dạng cụ thể đối lập nhau (ý nghĩa dạng chủ động, dạng bị động). Trong các ngôn ngữ biến tố (tiêu biểu là tiếng Nga), PTNP thường được chia thành phạm trù hình thái và phạm trù cú pháp. Thuộc phạm trù hình thái là các phạm trù như: ngôi, thời, thể, dạng, giống, số, cách và các phạm trù từ loại, tiểu loại từ. Trong số các phạm trù hình thái trên đây, các PTNP như: giống, số, cách, ngôi, thời, thể, dạng được coi là PTNP đích thực (có tính thuần ngữ pháp); còn các phạm trù từ loại, tiểu loại được gọi là phạm trù từ vựng - ngữ pháp. Sở dĩ từ loại và tiểu loại từ được gọi là phạm trù từ vựng - ngữ pháp vì các phạm trù này được xác định dựa vào ý nghĩa khái quát của từ - loại ý nghĩa được coi là vừa có tính từ vựng, vừa có tính ngữ pháp. Thuộc phạm trù cú pháp là các phạm trù gắn với cấu trúc cú pháp của câu (phạm trù các thành phần câu). Tuy nhiên, cần thấy rằng cách phân chia PTNP như trên đây, trên thực tế, chỉ vạch ra được sự đối lập tương đối giữa các phạm trù. Nói cách khác, không có ranh giới hay sự đối lập tuyệt đối giữa phạm trù hình thái và phạm trù cú pháp. Chẳng hạn, trong tiếng Nga, phạm trù cách đặc trưng cho danh từ (đại từ) được coi là thuộc phạm trù hình thái nhưng trên thực tế, phạm trù này khi biểu thị các ý nghĩa ngữ pháp cách (đặc trưng cho danh từ) cũng đồng thời biểu thị các ý nghĩa cú pháp (ý nghĩa ngữ pháp quan hệ) gắn với các thành phần câu (các phạm trù cú pháp). Điều vừa chỉ ra được thể hiện qua mối liên hệ nhất định giữa ý nghĩa cách với các chức năng cú pháp đặc trưng cho các thành phần câu. (Chẳng hạn, ý nghĩa cách 1 (chủ cách) của danh từ (đại từ) trong tiếng Nga gắn với chức năng cú pháp chủ ngữ).
Mặc dù phạm trù cú pháp được coi là phạm trù có tính phổ biến nhưng trong các ngôn ngữ khác nhau, PTNP có số lượng và đặc tính rất khác nhau. Điều này thể hiện ở chỗ có những PTNP có ở ngôn ngữ này nhưng lại không có ở ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, phạm trù giống của danh từ có ở tiếng Nga, tiếng Pháp nhưng lại không có ở tiếng Việt, tiếng Anh. Phạm trù cách có ở tiếng Nga, tiếng Anh nhưng lại không có trong tiếng Việt, tiếng Hán. Phạm trù ngôi có động từ tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng lại không có ở động từ tiếng Việt.
Tính phức tạp trong sự biểu hiện của PTNP còn thể hiện ở chỗ trong mỗi ngôn ngữ cụ thể, phương thức biểu thị ý nghĩa ngữ pháp và số lượng các ý nghĩa ngữ pháp đối lập trong mỗi phạm trù (và các hình thức ngữ pháp đối lập tương ứng) có thể rất khác nhau. Chẳng hạn, mặc dù trong tiếng Đức, tiếng Nga đều có phạm trù cách nhưng ở tiếng Đức chỉ có bốn cách, còn ở tiếng Nga lại có sáu cách. Ở tiếng Pháp và tiếng Nga, danh từ đều có phạm trù giống nhưng trong tiếng Pháp danh từ chỉ có hai giống là giống đực (le stylo - cái bút) và giống cái (la table – cái bàn), còn ở tiếng Nga lại có ba giống: giống đực, (стол – cái bàn), giống cái (книгa – cuốn sách) và giống trung (перо – ngòi bút). Trong tiếng Anh (và một số ngôn ngữ biến tố), ý nghĩa của phạm trù số được biểu hiện bằng phụ tố (ví dụ, book – cuốn sách, books - những cuốn sách), còn trong tiếng Việt, ý nghĩa số lại được biểu hiện bằng hư từ (ý nghĩa số nhiều được biểu hiện bằng các hư từ những, các, còn ý nghĩa số ít được biểu hiện bằng sự vắng mặt của các hư từ này). Khi vận dụng khái niệm PTNP để xem xét hệ thống ngữ pháp của các ngôn ngữ, cần thấy rằng mặc dù số lượng PTNP ở các ngôn ngữ là không như nhau và cách biểu hiện ý nghĩa ngữ pháp phạm trù ở các ngôn ngữ cũng rất khác nhau nhưng điều đó không phản ảnh trình độ phát triển của ngôn ngữ cũng như không ảnh hưởng đến việc ngôn ngữ hiện thực chức năng là phương tiện giao tiếp và công cụ của tư duy.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Như Ý, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, 1997.
2. Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán, Đại cương ngôn ngữ học, tập 1, NXxb Giáo dục, 2003.
3. Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
4. Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
5. Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2005.
6. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, 2010.
7. Nguyễn Thiện Giáp, Từ điển khái niệm ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
8. Nguyễn Văn Lộc (chủ biên), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, 2017.
9. Н. ЯРЦЕВА (Глaвный рeдaкmoр): Лингвистичеcкий энциклопедичеcкий словaрь “Cовеmcкaя энциклопедия”, Москва, 1990.
10. Панфилов В.С, Грамматичекий строй вьетнамского языка, Сaнкт - Пeттeрбург,1993.