(范貴戚) ((1760-1825) )
danh sĩ sống vào cuối thời Lê Trung hưng và đầu thời Nguyễn, tên tự là Dữ Đạo 與道, hiệu Lập Trai 立 齋, Thảo Đường 草 堂, biệt hiệu là Thảo Đường Cư sĩ 草 堂 居 士.
Ông người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), thường trú tại phường Báo Thiên. Mẹ người họ Võ. Cha của PQT tên là Huyền, đỗ Hương cống năm 1750, từng giữ chức Hiến sát sứ Phó sứ ở ty Thanh hình Hiến sát sứ trấn Kinh Bắc.
Năm lên sáu PQT bắt đầu học Nguyễn Hiệu người cùng làng. Năm 11 tuổi, ông học với Nguyễn Sĩ Trai, sau lại học với Tiên sinh họ Võ, người cùng ấp, tiến sĩ năm 1712 và Thám hoa Nguyễn Thạc Đình . Năm 18 tuổi, năm 1777, ông đỗ Hương cống. Năm 1779, PQT đã đỗ Tiến sỹ hàng thứ hai. PQT được bổ Hiệu thảo Viện Hàn lâm kiêm chức Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc. Năm 1782, PQT giữ chức Hiệu lý Viện Hàn lâm kiêm Tri công phiên. Khi kiêu binh cậy thế PQT xin từ chức. Triều Tây Sơn và vua Lê chúa Trịnh từng mời PQT ra làm quan, nhưng ông nhiều lần chối, nhận giữ chức rồi lại bỏ. Năm 1797, PQT bất hợp tác với Tây Sơn, nên bị giam lỏng. Năm 1802, vua Gia Long tuyên triệu công thần nhà Lê, PQT yết kiến, được vua ban cho quần áo, tiền bạc và chức Thị trung Học sĩ. Lúc này, PQT không còn hào hứng làm quan nên thường lấy cớ ốm đau xin về. Triều đình nhà Nguyễn không những không cho phép từ chối mà còn liên tục ban cho ông chức Đốc học Bắc Thành, Trợ giáo Kinh Bắc… Năm 1811, Gia Long vời PQT vào Kinh, cho ông tham gia trông thi và chấm bài. Năm 1825, PQT lên cơn bạo bệnh, mất, thọ 66 tuổi.
PQT có nhiều thành tựu ở giáo dục và văn hóa. Ông tham gia đào tạo được nhiều học trò xuất sắc như Hà Tông Quyền (1798 - 1839) đỗ Tiến sĩ năm 1822; Bùi Quỹ (1796 – 1861) Tiến sĩ năm 1829; Ngô Thế Vinh (1803-1856), Tiến sĩ năm 1829; Nguyễn Văn Lý (1759 - 1868) Tiến sĩ năm 1832; Lê Duy Trung (1795 - 1863) Tiến sĩ năm 1838; Nguyễn Văn Siêu; Trần Văn Vi (? - ?), đỗ Cử nhân năm 1825; Lê Hoàng Diễm (1792 - 1846), còn có tên Nguyễn Đình Dao, Lê Hoàng Uông tự Bảo Nguyên, hiệu Nhận Trai, người xã Nhân Mục huyện Thanh Trì, đỗ Cử nhân năm Minh Mệnh thứ 2 (1821). Trong tờ đặc dụ của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế vào tháng 5 năm Tân Tỵ (1821) viết: "Thị trung Học sĩ Phạm Lập Trai là bậc lão nho vọng trọng, tài cao hạnh tốt đã rõ rệt”. Đóng góp của ông về mặt văn hóa là rất phong phong phú:
Về văn, ông có các tập nổi tiếng như: Lập Trai Tiên sinh di văn chính bút tập (VHv.1463):, Hoa Đường văn sách (VHv.460) gồm 35 bài văn sách giải thích các điển trong kinh sử, dùng làm mẫu cho lối văn khoa cử, nghĩa vua tôi, biểu tượng thái bình…, Lập Trai văn sách (2 bản: VHv.880, VHv.156) có 21 bài văn do học trò của PQT chép lời thầy. Chu Dịch vấn giải toát yếu (A.2044) viết năm 1805, nêu ý nghĩa của Kinh Dịch và các quẻ trong Kinh Dịch được trình bày dưới dạng 157 câu hỏi và trả lời. Đề tài lịch sử, PQT có sách Việt sử tiệp kính (A.1493/1-3); còn Thiên Nam Long thủ lục (2 bản: A.220, A.1658) lại chép tiểu truyện những người đỗ Trạng nguyên ở Việt Nam từ thời Lý đến cuối triều Lê. Viết về địa lí, ông có Hải Dương phong tục kí, chép trong cuốn Chư dư tập biên (VHv.1729) và Lập Trai văn tập(A.2038). Tân truyền kì lục (A.775, HN.333) của PQT đã thổi một luồng sinh khí mới vào thể loại, truyện, đem đến cho độc giả một dấu ấn khó phai”. Các thi tập có Thảo Đường thi nguyên tập, Lập Trai thi tập, Hoa Đường Nam hành tập, Lập Trai tiên sinh hành trạng. Số thơ hiện biết của ông là 1029 bài, gồm nhiều thể loại như ngũ ngôn trường thiên, thất ngôn bát cú, tứ tuyệt. Ngoài ra ông có nhiều tác phẩm văn, thơ, phú, tựa, bạt, tán, văn bia, biểu, văn tế, câu đối, được chép tản mát trong nhiều thư tịch cổ.
Tinh thần Nho giáo đã ảnh hưởng đến đạo đức và ứng xử của PQT. Ông mở trường dạy học, lấy việc đào tạo nhân tài và dùng “văn dĩ tải đạo” làm mục đích sống.PQT đã có công đào tạo được nhiều học trò xuất sắc và để lại nhiều sáng tác có giá trị về nhiều mặt.
Tài liệu tham khảo
1. Chu Trí, Lập Trai tiên sinh hành trạng, Hà Ngọc Xuyền dịch chú, Nxb Trung tâm học liệu, Sài Gòn, 1969.
2. Nguyễn Văn Huyền,“Tân truyền kì lục và Phạm Quý Thích” in trong Tạp chí Hán Nôm số 1/1991.
3. Trần Nghĩa (Chủ biên), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán. Nxb. KHXH, H. 1997.
4. Vũ Thế Khôi, “Về bia Tiến sĩ của Vũ Tông Phan vừa phát hiện được ở Hà Nội” in trong Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2001, tr.67.
5. Lại Văn Hùng, "Lược khảo thơ văn Phạm Quý Thích", Tạp chí Hán Nôm, số 3/2008.
6.Vương Thị Hường, Lập Trai Phạm Quý Thích (1760-1825) - cuộc đời và thơ chữ Hán, Nxb. Thanh niên, 2017.