(tiếng Anh novel, tiếng Pháp: roman, tiếng Nga: роман, tiếng Trung: 長篇小說 trường thiên tiểu thuyết)
một thể loại văn xuôi tự sự, hư cấu, có dung lượng lớn, diễn tả con người trong những mối quan hệ cuộc sống phức tạp, có nhiều nhân vật, có tính đa chủ đề, nhiều giọng nói. Thuộc thể loại tiểu thuyết còn có những trường hợp ngoại lệ như: tiểu thuyết bằng thơ, không hư cấu, dung lượng không lớn, thậm chí không kể chuyện… Tiểu thuyết cũng sử dụng cả cấu trúc và ngôn ngữ của các thể loại tự sự phi hư cấu khác như lịch sử, tự truyện, báo chí, du ký... Tiểu thuyết là thể loại có tính mở và tính mềm dẻo ở mức độ cao, không bị đóng khuôn trong những cấu trúc, phong cách, chủ đề… như một số thể loại khác.
Tiểu thuyết khác truyện ngắn và truyện vừa ở dung lượng lớn, điều cho phép triển khai đầy đủ hơn, tinh tế hơn nhân vật và chủ đề. Tuy không có quy định nào cho độ dài của tiểu thuyết nhưng thường thì một thiên tiểu thuyết phải in được một cuốn sách. Tiểu thuyết khác truyện hiệp sĩ ở mức độ hiện thực chủ nghĩa lớn, theo đó tiểu thuyết nhắm đến miêu tả xã hội thế tục khác hẳn tính cao nhã của truyện hiệp sĩ.
Lịch sử tiểu thuyết: tính chất mở và mềm dẻo của tiểu thuyết ảnh hưởng đến quan niệm về lịch sử tiểu thuyết. Có quan điểm cho rằng, từ thời cổ đại, những tiền đề của tiểu thuyết đã hình thành như tiểu thuyết cổ Hy Lạp Chàng Daphnis và nàng Chloe của Longus (thế kỷ II), tiểu thuyết hiệp sĩ Tristan và Iseult (thế kỷ XII), Hiệp sĩ Perceval (1198-1210) của Wolfram von Eschenbach, Cái chết của Arthur (1469) của Thomas Malory. Nhưng cần dùng dấu ngoặc kép khi dùng khái niệm “tiểu thuyết Hy Lạp cổ đại” hay “tiểu thuyết trung cổ” vì chúng chỉ có những nét tương tự chứ không cùng chủng loại với tiểu thuyết hiện đại. Trong những tác phẩm văn xuôi tự sự cổ đại và trung đại như vậy thiếu vắng nhiều thuộc tính đặc trưng quan trọng cho tiểu thuyết về nội dung và hình thức. Sự hình thức của tiểu thuyết diễn ra ở cuối thời đại Phục hưng, manh nha qua những tác phẩm như Decameron (1350-1353) của Giovanni Boccaccio. Tiểu thuyết là sử thi của đời sống cá nhân. Trong các sử thi cổ đại, vai trò trung tâm thuộc về mẫu anh hùng hiện thân sức mạnh và trí tuệ của tập thể, còn trong tiểu thuyết nổi bật những mẫu người bình phàm, trong hành động của họ biểu lộ số phận cá nhân và ý chí riêng tư. Sử thi cổ đại triển khai trên nền các sự kiện lịch sử (có thể cả truyền thuyết) lớn có sự tham dự của các nhân vật chính. Trong khi đó, ngoại trừ hình thức đặc biệt của tiểu loại tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dựa trên các sự kiện của cá nhân, các chi tiết thường được tác giả hư cấu.
Hành động trong sử thi lịch sử thường diễn ra trong quá khứ xa, đặc trưng cho thời gian sử thi, còn tiểu thuyết gắn liền với cuộc sống đang diễn ra, hoặc đã diễn ra không lâu. Sử thi có tính cách anh hùng ca, thể hiện bản nguyên thi ca hướng thượng, còn tiểu thuyết có tính chất đời thường, diễn tả cuộc sống thường nhật, hàng ngày trong tất cả mọi biểu hiện đa dạng của nó. Về phương diện nào đó, có thể định nghĩa tiểu thuyết là một thể loại “đứng giữa”, “trung lập” giữa một bên là kiểu văn xuôi sử thi hướng thượng, một bên là văn xuôi trào phúng dành viết về cái “thấp kém”.
Tất nhiên, tiểu thuyết có kế thừa truyền thống văn xuôi sử thi cổ đại và trung đại nhưng tiểu thuyết là sự chiếm lĩnh bằng nghệ thuật đối với đời sống xã hội thông qua lăng kính riêng tư của mỗi cá nhân. Hình thái tiền thân của tiểu thuyết chính là loại tiểu thuyết về kiểu nhân vật ranh mãnh (roman picaresque) phát triển từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII, kể về kẻ ranh mãnh, láu cá, lừa đảo, phiêu lưu, như Cuộc đời của Lazarillo de Tormess (1554); Chân tiểu sử hài hước của Francion (Charles Sorel, 1623); Simplicissimus (Grimmelshausen, 1669); Câu chuyện về Gil Blas de Santillane (Lesage, 1717-1735). Từ cuối thế kỷ XVII, bắt đầu phát triển kiểu văn xuôi tâm lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành của tiểu thuyết (như các sách của F.La Rochefoucauld, Jean de La Bruyère)… Văn học hồi ký (ví dụ của M. Montaigne), nhất là bút ký hành trình của các thủy thủ châu Âu theo các tàu thuyền đi sang các châu lục, ở các thế kỷ XVI-XVII lần đầu tiên trình bày khách quan cuộc sống cá nhân và các cảm xúc riêng tư đã KÍCH thích sáng tạo mạnh mẽ cho sự ra đời tiểu thuyết vĩ đại đầu tiên Robinson Crusoe (Daniel Defoe, 1719). Đến thế kỷ XVIII thì tiểu thuyết ở châu Âu đạt đến sự chín mùi. Một trong những kiểu mẫu chân chính của tiểu thuyết lúc này là Manon Lescaut (Abbe Prevost, 1731). Nếu ở thế kỷ XVII, tiểu thuyết hãy còn đứng bên lề, có vai trò thứ yếu thì thế kỷ XVIII là thời kỳ thống trị của tiểu thuyết. Tiểu thuyết phát triển theo hai dòng: dòng tiểu thuyết xã hội (Henry Fielding, Tobias Smollett, Jean Baptiste Louvet de Couvray…) và dòng tiểu thuyết tâm lý mạnh mẽ hơn (Samuel Richardson, Jean Jacques Roussau, Lauren Sterne, Johan Wolfgang von Goethe).
Trong khoảng giữa thế kỷ XVIII và XIX, thời kỳ thống trị của chủ nghĩa lãng mạn, thể loại tiểu thuyết trải qua khủng hoảng do bản chất trữ tình - lãng mạn của chủ nghĩa lãng mạn đối lập với bản chất sử thi của tiểu thuyết. Nhiều nhà văn trong giai đoạn này (như Francois - Rene de Chateaubriand, Étienne Pivert de Senancour, Friedrich Schlegel, Novalis, Konstant de Rebecque) sáng tác những tiểu thuyết gợi liên tưởng đến các bản trường ca trữ tình bằng văn xuôi. Nhưng cũng chính thời gian này tiểu thuyết lịch sử với tư cách là tiểu thuyết thực sự tổng hợp với hình thức trường ca sử thi cổ đại lại có thành tựu lớn (các sáng tác của Walter Scott, Alfred de Vigny, Victor Hugo, N.V. Gogol). Tiểu thuyết đạt đến cổ điển ở vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX với Stendhal, Lermontov, O. Balzak, Charles Dickens, W.M. Thackeray, Turghenev, Flaubert, Guy de Maupassant. Nửa sau thế kỷ XIX, tiểu thuyết Nga mà tiêu biểu là của L.Tolstoy và Dostoevski… có vai trò đặc biệt, tổng hợp được những vấn đề có tầm nhân loại trong những số phận cá nhân và cảm xúc riêng tư của nhân vật. Các tiểu thuyết gia lớn của thế kỷ XX như Thomas Mann, Anatole France, Martin Du Gard, William Faulkner, Ernest Hemingway… đều học tập tiểu thuyết của các nhà văn Nga này.
Tiểu thuyết thế kỷ XX có loại tiểu thuyết dòng ý thức (Marcel Proust, James Joyce, trường phái tiểu thuyết mới ở Pháp), tiểu thuyết của hiện thực huyền ảo, tiểu thuyết - phản tiểu thuyết. Thế kỷ XX cũng chứng kiến sự tiếp tục của thể loại tiểu thuyết quen thuộc và những thí nghiệm về tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại.
Lịch sử lý luận tiểu thuyết: Hegel cho rằng, tiểu thuyết là thể loại thể hiện đầy đủ nhất, hoàn chỉnh nhất của văn xuôi sử thi. Vào thời cận đại, tiểu thuyết thừa kế văn xuôi sử thi cổ đại và trung đại, trong loại tiểu thuyết này, trên cơ sở hoàn toàn mới, xuất hiện sự phong phú, đa dạng của các mối quan tâm, các trạng thái, các tính cách, các quan hệ đời sống, xuất hiện phông nền thế giới rộng lớn. Con người xuất hiện có số phận riêng, có ý thức cá nhân. Sự chiếm lĩnh đời sống xã hội của thời đại được thực hiện thông qua lăng kính cá nhân.
M.Bakhtin phân biệt hai bản nguyên thế giới quan độc thoại và đối thoại. Đặc điểm thực sự của tiểu thuyết chính là tính chất đa thanh, đối thoại của nó. Theo ông, lịch sử tiểu thuyết chính là lịch sử phát triển của nguyên lý đa giọng điệu, là lịch sử đấu tranh của đối thoại với độc thoại, của văn xuôi với thơ, của tiểu thuyết với sử thi. Theo Bakhtin, cho đến trước thời cận đại, thống trị trong văn học là nguyên tắc độc thoại. Hình thức đối thoại tồn tại bên lề, chỉ mang tính bán chính thống. Ở châu Âu, tiểu thuyết bắt đầu phổ biến vào thời cận đại, gắn liền với những tác giả như Cervantes, Rabelais, những người chú ý đến tinh thần đối thoại. Cũng theo Bakhtin, tiểu thuyết luôn là một thể loại trẻ, không có sẵn, luôn trong quá trình hình thành, không có điển phạm (canon).
Có nhiều cách xác định đặc điểm của thể loại tiểu thuyết tùy theo điểm nhìn và thời đại của nhà lý luận.
Ở phương Tây người ta phân chia ba loại: tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết phiêu lưu. Có thể trong một cuốn tiểu thuyết đã bao hàm cả ba đặc điểm này. Cũng có những tên gọi khác nhau tùy thuộc đặc điểm của tiểu thuyết như tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết triết học, tiểu thuyết gia đình, tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết trào phúng.
Ở phương Đông, văn học Trung Quốc có truyền thống văn xuôi tự sự phong phú và lâu đời. Tuy nhiên, những sáng tác nào có thể xếp vào thể loại tiểu thuyết theo nghĩa novel lại là vấn đề không dễ thống nhất giữa giới nghiên cứu Trung Quốc hay giữa giới nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế. Công trình nổi tiếng của Lỗ Tấn Trung Quốc tiểu thuyết sử lược thực ra là lược sử văn xuôi tự sự Trung Quốc vì ở Trung Quốc phân biệt đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết. Trường thiên tiểu thuyết tương đương với khái niệm novel (roman), Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (thế kỷ XIV) có thể xem là tiểu thuyết lịch sử nhưng trong giới nghiên cứu quốc tế có học giả chỉ coi đây là sử thi. Về lịch sử của tiểu thuyết Trung Quốc, các ý kiến cũng không thống nhất: có người cho rằng, Thủy hử của Thi Nại Am (thế kỷ XVI) là tiểu thuyết; nhưng cũng có ý kiến nói Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần (thế kỷ XVIII) mới đích thực là tiểu thuyết.
Giới nghiên cứu Trung Quốc phân loại thành nhiều loại tiểu thuyết: tiểu thuyết văn ngôn, tiểu thuyết bạch thoại, tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết thông tục, tiểu thuyết vũ hiệp, tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết bút ký, tiểu thuyết thế tình, tiểu thuyết tài từ giai nhân, tiểu thuyết thần ma, tiểu thuyết phúng thích, tiểu thuyết chính trị, tiểu thuyết thị dân, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết trường thiên, tiểu thuyết trung thiên, tiểu thuyết đoản thiên. Trong số các khái niệm này, khái niệm “tiểu thuyết trường thiên” có nhiều điểm tương đồng với khái niệm novel của phương Tây: dung lượng lớn, tình tiết phức tạp, nhiều nhân vật, bao quát những sự kiện lịch sử trọng đại và đời sống sinh hoạt xã hội rộng lớn; về kết cấu có tuyến chính xuyên suốt và nhiều tuyến phụ.
Ở Việt Nam, Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm văn xuôi tự sự thời trung đại có hình thức chương hồi nhưng có học giả coi là truyện sử, có người xem chỉ là ký sự lịch sử, và có người khẳng định đây chính là tiểu thuyết lịch sử. Sang thế kỷ XX, do công cuộc tiếp xúc văn hóa và văn học Đông-Tây, tiểu thuyết theo đúng nghĩa tiểu thuyết của lý luận giới phương Tây trong văn học các nước phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng mới thực sự khẳng định sự hiện diện của mình.
Tài liệu tham khảo:
1. Lỗ Tấn, Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lương Duy Tâm dịch), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003.
3. Chris Baldic, The Concise Oxford Dictionary of Literary Terms, Oxford University Press, 2001.
4. Главный редактор и составитель А. Н. Николюкин Литературная энциклопедия терминов и понятий, Москва НПК ИНТЕЛВАК, 2001.