Mục từ này cần được bình duyệt
Nhân sâm
Phiên bản vào lúc 17:08, ngày 8 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} Định nghĩa Nhân sâm là rễ của cây Nhân sâm (Panax ginseng C. A. Mey – họ Nhân sâm – Araliaceae) là một dược liệu…”)

Định nghĩa

Nhân sâm là rễ của cây Nhân sâm (Panax ginseng C. A. Mey – họ Nhân sâm – Araliaceae) là một dược liệu quý có nguồn gốc mọc hoang ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, phía Đông nước Nga và bán đảo Triều Tiên. Hiện nay Nhân sâm mọc hoang đã bị khai thác cạn kiệt nên trên thị trường chủ yếu lưu hành Nhân sâm trồng của Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc.

Mô tả

Cây Nhân sâm là loại cây nhỏ cao khoảng 30 – 50 cm, có thể sống trên 50 năm. Cây mang ở ngọn một vòng 4 – 5 lá, cuống lá dài. Lá kép chân vịt, có 5 lá chét, mép có răng cưa. Cây trồng ra hoa vào năm thứ 3. Từ giữa vòng lá nhô lên một trục cao chừng 10 cm mang hoa màu trắng nhạt họp thành tán đơn. Hoa đều 5 cánh, lá đài 5 răng, 5 nhị, bầu hạ, 2 ô. Quả hạch, gần hình cầu, màu đỏ. Rễ củ thường phân thành nhánh trông giống hình người nên gọi là Nhân sâm. Cây trồng phải sau 4 – 6 năm mới thu hoạch.

Bộ phận dùng: rễ.

Sau khi thu hoạch, loại sạch đất, cát phơi khô (sinh sái sâm), hoặc chọn loại rễ củ to đem hấp hoặc chưng chín khoảng 2 giờ sau đó sấy hoặc phơi khô sẽ được hồng sâm – (red ginseng), hồng sâm có thể chất như sừng, màu hồng, mùi thơm, vị ngọt, hơi đắng; hoặc lấy những rễ củ không đủ tiêu chuẩn chế hồng sâm sau khi rửa sạch đất cát đem nhúng vào nước sôi vài phút, đem tẩm đường vài ngày, rồi đem phơi hoặc sấy dưới 600C sẽ có bạch sâm hoặc đường sâm. Bạch sâm có màu trắng ngà, mềm, thường có tinh thể đường bám bên ngoài, mùi thơm, vị ngọt. Ngoài ra trên thị trường còn có sâm tươi, trà sâm, rượu sâm, viên sâm, cao sâm, túi nước chiết nhân sâm.

Thành phần chính trong Nhân sâm là saponin triterpenoid gọi chung là ginsenosid.

Tác dụng

-Theo y học cổ truyền: đại bổ nguyên khí, ích huyết, kiện tỳ ích phế, sinh tân, an thần ích trí.

-Có tác dụng tăng lực, hồi phục sức khỏe, tác dụng sinh thích nghi (adaptogen), chống stress, cải thiện trí nhớ, giải lo âu và chống trầm cảm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, chống lão hóa, điều hoà miễn dịch, hạ cholesterol và lipid máu, có tác dụng kiểu nội tiết tố sinh dục.

-Chỉ định theo y học cổ truyền: trị bệnh khí hư, thoát khí, chân tay lạnh, mạch yếu, giảm khả năng tiêu hóa vì tỳ hư, ho, hen do phế hư, mất tân dịch do háo khát, tiều đường do nội nhiệt, bệnh do khí hư kéo dài, hồi hộp, mạch nhanh và mất ngủ, bất lực, mất kinh nguyệt, suy tim.

-Đánh giá theo y học hiện đại: có thể cải thiện tạm thời tình trạng sức khỏe thần kinh ở cả người trẻ và người già bị bệnh. Hiện nay, chưa có đủ thông tin tin cậy để chứng minh tác dụng dài hạn của nhân sâm, nhưng những kết quả đạt được đã góp phần khẳng định nhân sâm có thể cải thiện tình trạng của bệnh nhân Alzheimer và các trường hợp suy giảm thần kinh khác. Nhân sâm cải thiện thể lực và chất lượng cuộc sống. Kết quả của các nghiên cứu thường khá phức tạp, vì định nghĩa và định lượng về cảm giác thoải mái và chất lượng cuộc sống theo những cách khác nhau. Nhưng nhìn chung, bệnh nhân với chất lượng cuộc sống thấp nhất cũng đã được báo cáo cải thiện một cách rõ rệt.

Nhiều khẳng định cho rằng nhân sâm có khả năng làm tăng cường miễn dịch, vì vậy giúp ngăn ngừa một số bệnh và thúc đẩy sự phục hồi sau khi bị bệnh hoặc chấn thương. Một số nghiên cứu khác khẳng định nhân sâm làm tăng cường tác dụng của kháng sinh và cải thiện sự đáp ứng của bệnh nhân với vắc-xin phòng cúm. Ở một vài nghiên cứu trên bệnh nhân có lượng bạch cầu thấp, nhân sâm có tác dụng làm tăng lượng bạch cầu khi sử dụng liều cao ginsenosid. Do đó, cần thực hiện các thí nghiệm lâm sàng khác để đánh giá thêm tác dụng của nhân sâm trong tăng cường tác dụng miễn dịch.

Nhân sâm có khả năng làm giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 (không phụ thuộc vào insulin). Tác dụng của nhân sâm đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 1 không được nghiên cứu đủ để khẳng định tác dụng của nó.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, "Không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào cho thấy nhân sâm có hiệu quả trong việc phòng ngừa hoặc điều trị ung thư ở người". Tuy nhiên, từ một số nghiên cứu ở một số nước Châu Á cho thấy khả năng bột nhân sâm hoặc cao chiết từ nhân sâm có thể ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Tuy vậy, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ những kết quả này.

Nghiên cứu về hiệu quả của nhân sâm trên hệ tuần hoàn chưa được rõ ràng. Một số nghiên cứu nhận thấy rằng nhân sâm làm giảm huyết áp khi dùng kết hợp với các loại thảo mộc khác ngăn ngừa bệnh động mạch vành và suy tim sung huyết. Các nghiên cứu khác không thấy hiệu quả, hoặc hiệu quả là rõ ràng chỉ ở liều rất cao. Ảnh hưởng của nhân sâm lên hệ tuần hoàn vẫn tiếp tục được nghiên cứu.

Liều dùng: liều khuyến cáo dùng nhân sâm từ 3-9gram/ngày hoặc 100-200 mg cao chiết nhân sâm chứa 4% ginsenosid, dùng 1 – 2 lần /ngày

Tương tác thuốc

Nhân sâm có tương tác với các loại thuốc chống đông như warfarin, clopidogrel (Plavix), aspirin, và thuốc chống viêm không steroid (ví dụ Advil, Motrin). Những người sử dụng những loại thuốc này không nên dùng nhân sâm mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi vì nhân sâm làm giảm lượng đường trong máu, nên những người đang dùng insulin hoặc các thuốc khác cũng làm giảm lượng đường trong máu ở những người bị tiểu đường typ 2 cần được theo dõi lượng đường trong máu thấp nếu họ bắt đầu dùng nhân sâm và điều chỉnh các loại thuốc khác đang dùng. Nhân sâm cũng tương tác với chất ức chế monoamine-oxidase (IMAO) được sử dụng để điều trị một số loại trầm cảm và bệnh tâm thần. Ví dụ về IMAO bao gồm isocarboxazid (Marplan), phenelzine (Nardil) và tranylcypromin (Parnate). Các bệnh nhân dùng IMAO với nhân sâm có thể gây đau đầu, run, lo lắng, bồn chồn, mất ngủ. Các bằng chứng sơ bộ cho thấy rằng nhân sâm có thể tương tác với thuốc huyết áp và thuốc tim mạch. Nhân sâm cũng có thể ảnh hưởng tới gan khi dùng chung với các loại thảo mộc khác. Trước khi bắt đầu uống bổ sung chế phẩm có chứa nhân sâm, bệnh nhân nên xem lại các loại thuốc hiện tại đang dùng với cán bộ y tế của họ để xác định bất kỳ sự tương tác nào có thể xảy ra.

Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng của nhân sâm rất hiếm gặp. Các phản ứng phụ thường gặp nhất là tăng trạng thái bồn chồn, mất ngủ, buồn nôn, tiêu chảy và phát ban. Phản ứng dị ứng có thể xảy ra nhưng không phổ biến. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng được báo cáo là kết quả của việc nhiễm thuốc trừ sâu, kim loại nặng hoặc các hóa chất khác chứ không phải do tác dụng phụ của nhân sâm gây ra. Liều an toàn của nhiều thực phẩm chức năng có chứa nhân sâm chưa được thiết lập cho trẻ em. Dùng thuốc quá liều có thể xảy ra tác dụng không mong muốn nếu trẻ nhỏ dùng cùng liều lượng như người lớn.

Hình ảnh minh họa:

Panax ginseng

Sâm tươi ngâm rượu

Hồng sâm Hàn Quốc

Bạch sâm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế: Dược điển Việt Nam 4 (2009).

2. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn (2004), Các cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, tập II, 711,775, Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật.

3. Võ Văn Chi (2012). Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nhà Xuất bản Y học, tập II, 768.

4. Nguyễn Thượng Dong (chủ biên) (2007): Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ Nhân sâm, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ Thuật, trang 15, 25-31.

5. Đỗ Tất Lợi (2004): Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học 2004, trang 804.

6. Từ điển bách khoa dược học (1999), Nhà xuất bản từ điển bách khoa- trang 437.

7. Jacqueline L. Longe, The Gale encyclopedia of Medicine 5th Edition, pp. 2184-2187.

8. J. Zhou et al, Encyclopedia of Traditional Chinese Medicine (2011), Vol 5, pp 514.

9. Andrew Chevallier: Dược thảo toàn thư, Bản dịch tiếng Việt – Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh – 2006, trang 161.