Lê Hữu Trác (1720-1791)
Tên tự, tên hiệu, bút danh: Hải Thượng Lãn Ông
Quê quán, nơi sống và làm việc: Thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Mỹ Hào, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Thuổ nhỏ sống ở quê nhà, rồi theo cha đi học ở Kinh thành Thăng Long (Hà Nội), sau về sống và làm việc ở quê mẹ thôn Bầu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Quá trình học tập, làm việc và hoạt động
Lê Hữu Trác sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, có nhiều người đỗ đạt, hiển vinh, làm đại thần triều đình, trong đó nổi bật nhất là chú ruột Lê Hữu Kiều, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, phong tặng Quận Công (ông là bố vợ của Bảng nhãn Lê Quý Đôn). Cha là Lê Hữu Mưu, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá (được truy phong Thượng thư); mẹ là Bùi Thị Thưởng (vợ thứ). Lê Hữu Trác là con thứ bẩy, nên lúc nhỏ tục gọi là cậu Chiêu Bẩy. Hồi trẻ, ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Đến năm Kỷ Mùi (1739), khi mới 20 tuổi thì cha mất, phải thôi học. Ông thi đậu tam trường rồi sau không đi thi nữa, về nhà tiếp tục đọc sách, luyện chí, tu thân, trở thành một người uyên thâm, thấu hiểu sâu sắc cả các học thuyết của Nho, Phật, Lão.
Lê Hữu Trác lớn lên vào thời Lê Mạt, giữa lúc chế độ phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, xã hội rối ren, Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân cực khổ, khắp nơi nổi dậy chống phong kiến. Vì vậy, ngoài việc dùi mài kinh sử, ông học thêm thuật Âm Dương trong môn học “Thiên Nhân” của ẩn sĩ họ Vũ ở Đặng Xá. Vài năm sau khi triều đình tuyển mộ, ông đã gác bút nghiên tòng quân. Ông nghiên cứu binh thư, biết võ thuật, lại là con cháu các đại thần nên rất được tín nhiệm và được cử cầm quân. Trong khi tại ngũ, Lê Hữu Trác thường đau yếu do hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, được người quen giới thiệu, ông vào tận Rú Thành (Thanh Chương, Nghệ An) tìm đến nhà lương y Trần Độc để chạy chữa và dưỡng bệnh. Trong thời gian này, ông đã mượn cuốn sách thuốc “Cẩm nang Phùng thị” để đọc. Càng đọc càng say mê, thích thú và càng thấu hiểu y lý, ông nhận thấy nghề thuốc là nghề nhân đạo, cứu nhân độ thế. Do vậy, sau mấy năm tham gia quân đội Trịnh, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh đau thương chết chóc, cốt nhục tương tàn rồi chán ghét bỏ quan, cởi giáp trở về sống cuộc đời của một thường dân.
Con đường mà Lê Hữu Trác đến với Y học rồi nguyện cống hiến cả cuộc đời cho nghề thuốc không bằng phẳng, suôn sẻ mà trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhiều băn khoăn, do dự. Sống trong một xã hội loạn lạc, đầy sóng gió thời “vua Lê, chúa Trịnh”, Ông đã thấy rõ “cảnh làm quan là cái biển lênh đênh, chìm mổi hiểm nghèo”, “vào cửa công hầu sâu tựa biển” (Tự thuật), bản thân thì bị bệnh kéo dài mãi không khỏi, con cái thì bệnh tật, chết yểu, đặc biệt là trường hợp mất đứa con yêu thông minh, dĩnh ngộ cộng với sự ra đi của người anh trai thứ năm vì mắc bệnh hiểm nghèo khiến cho ông giác ngộ mới quyết tâm theo đuổi nghiệp y.
Vào khoảng năm 1743, ông rời Thăng Long về quê ngoại ở Hương Sơn thay anh chăm sóc mẹ già. Thôn Bầu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là nơi Lê Hữu Trác bắt đầu khởi nghiệp y đạo, trị bệnh cứu người. Vì vậy, ông lấy biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (Ông Lười ở Hải Dương, quê cha và Bầu Thượng, quê mẹ). Khi về Hương Sơn ẩn cư học thuốc, ông miệt màu ngày đêm, đọc rất nhiều sách và lặn lội lên rừng kiếm cây thuốc quý…Năm 1751, ông ra Kinh đô tìm thầy học thêm nhưng không gặp được thầy giỏi, ông lại trở về Hà Tĩnh say mê nghiên cứu. Chẳng bao lâu trở thành danh y nổi tiếng khắp vùng, năm 1760, ông mở trường dạy thuốc cho môn đệ, trao đổi với đồng nghiệp về y lý và biện chứng luận trị, sưu tầm phương thuốc…Năm 1782, ông được mời lên Kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, con trai chúa Trịnh Sâm. Ở Thăng Long, Lãn Ông đã gặp người em rể họ là Bảng nhãn Lê Quý Đôn đang làm Thượng thư Bộ Lễ và đàm luận văn chương, thế sự rất là tâm đắc. Chữa bệnh cho thế tử xong, ông được Chúa Trịnh mời ở lại triều để làm quan Thái y, chăm lo sức khỏe cho cung Vua phủ Chúa, nhưng ông đã một mực từ chối xin về quê, lấy cớ phải chắm sóc mẹ già. Trong dịp này, ông viết cuốn “Thương kinh ký sự” (Kể chuyện lên Kinh), một tác phẩm văn thơ nổi tiếng thời đó, thể hiện nỗi lòng và chí hướng của mình.
Trong ba mười năm ròng hành nghề và nghiên cứu y học, Lê Hữu Trác đã “vắt gan, vắt ruột”, đem hết tâm trí, sức lực tham khảo các sách thuốc nổi tiếng “Bảo sinh diên thọ toàn yếu”, “Toàn thư” của Cảnh Nhạc, “Hồng nghĩa giác tự y thư”, “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh…, tổng hợp những thành tựu của y học dân tộc đến thế kỷ thứ XVIII, kết hợp với những nghiên cứu và kinh nghiệm chữa bệnh của bản thân để biên soạn bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển có giá trị khoa học và thực tiễn hết sức to lớn, truyền lại cho đời sau, đề cấp tới hầu hết các lĩnh vực, các vấn đề của Đông y; trong đó tiêu biểu là các tập 24.Y dương án, tập 25.Y âm án và tập 28.Vệ sinh yếu quyết. Y dương án bàn luận về các bệnh nguy nan được ông chữa trị thành công, Y âm án tập hợp các bệnh án bệnh nặng, tình thế tuyệt vọng dù đã cố sức chữa vẫn không kết quả để rút kinh nghiệm. Vệ sinh yếu quyết khuyên dạy về chăm sóc sức khỏe, luyện tập thân thể, phòng chống bệnh tật, vệ sinh phòng dịch…
Có thể nói, bộ sách Bách khoa thư về Đông y 28 tập của Hải Thượng Lãn Ông là 28 viên ngọc quý, 28 vì sao sáng (nhị thập bát tú) lấp lánh trên bầu trời Y học Phương Đông. Bộ sách của Lãn Ông được giới y học ở trong nước và sau này ở ngoài nước đánh giá rất cao và coi đây là một bộ “Bách khoa thư Y học” đầu tiên của Viêt Nam, đánh dấu một bước tiến bộ và phát triển đáng kể của nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Lãn Ông cũng rất quan tâm đến đạo đức của người thầy thuốc và đã thể hiện các quan điểm y đức của mình trong lời “Y huấn cách ngôn”, rất gần gũi, tương đồng với “Lời thề” của Hippocrate (460-377 TCN). Kỳ lạ thay, hai bậc đại danh y sinh ra từ hai phương trời vô cùng xa cách, sống trong hai thời đại hoàn toàn khác biệt, tuyệt nhiên chẳng có mối liên hệ nào, nhưng lại có nhiều điểm gặp nhau trong tư tưởng. Vì vậy, mặc dù thời đại có đổi thay, khoa học có tiến bộ, nhưng những chân lý đạo đức thì vẫn giữ nguyên giá trị vĩnh hằng muôn thuở và vẫn xa lạ với mọi thứ cạm bẫy, vinh hoa.
Sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã có tác dụng và ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử y học và y tế Việt Nam, đúng như lời nhận định của Giáo sư Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam trong dịp Lễ Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông (1720-1970) tại Hà Nội: “Cuộc đời của Lãn Ông là một bài học lớn về truyền thống bảo vệ sức khỏe của dân tộc ta, đạo đức người thầy thuốc Việt Nam, ý chí phấn đấu xây dựng một nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng…Người cán bộ y tế chúng ta rất tự hào về bậc tiền bối, có một sự nghiệp hiển hách như Hải Thượng Lãn Ông, người đã ghi trong lịch sử nước ta những trang sử vàng chói lọi. Chúng ta nguyện noi gương Lãn Ông, kế tục sự nghiệp của Lãn Ông và làm tròn nhiệm vụ của người thầy thuốc Việt Nam, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh”
Các cống hiến chính, các tác phẩm chính
- Pho sách “Hải thượng Y tông tâm lĩnh”chia thành 28 tập gồm 66 quyển, đề cập tới hẫu hết các lĩnh vực của Đông y. 28 tập đó là: 1. Y nghiệp thần chương, 2. Nội kinh yếu chỉ, 3. Y gia quan miện, 4. Y hải cầu nguyện, 5. Huyễn tẫn phát vi, 6. Khôn hóa thái chân, 7. Đạo Lưu dư vận, 8. Vận khí bí điển, 9. Dược phẩm vận yếu, 10. Lĩn nam bản thảo, 11. Ngoại cảm thông trị, 12. Bách bệnh cơ yếu, 13. Y trung quan kiện, 14. Phụ đạo xán nhiên, 15. Tọa thảo lương mộ, 16. Ấu ấu tu tri, 17. Mộng trung giác đậu, 18. Ma chẩn chuẩn thắng, 19. Tâm đắc thần hương, 20. Hiệu phỏng tân phương, 21. Bách gia trân tràng, 22. Hành giản trân nhu, 23. Y phương hải hội, 24. Y dương án, 25. Y âm án, 26. Châu ngọc cách ngôn, 27. Nữ công thắng lãm, 28. Vệ sinh yếu quyết.
Trong tập 1. Y nghiệp thần chương, Hải thượng Lãn Ông bàn thảo và khuyên nhủ về nghề y, về thái độ tư cách của người thầy thuốc với lời Y huấn cách ngôn và tập thơ Y lý thâu nhàn.
- Ngoài ra còn có một số tác phẩm giá trị khác: Thượng kinh ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786)… và nhiều bài thơ chữ Hán.
Ảnh minh họa
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
(1720-1791)
Tượng Hải Thượng Lãn Ông tại
Quần thể di tích Hương Sơn, Hà Tĩnh
Lăng mộ Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 1997 (Tái bản nguyên bản)
2. Hồ Đắc Di, Những bài học lớn của Hải Thượng Lãn Ông, Tạp chí Đông y số 110-111, in lại trong cuốn “Hồ Đắc Di-Cuộc đời và sự nghiệp”, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 1999, tr325-328.
3. Lê Gia Vinh, Tài danh Y học Việt Nam và Thế giới, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr 9-15 và tr 37-46.
4. Lê Trần Đức (Viện Nghiên cứu Đông y), Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông, Nhà xuất bản Y học và Thể dục thể thao, Hà Nội, 1965.
5. Nguyễn Văn Thang, Hải Thượng Lãn Ông nhà y học, văn hóa lớn, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
6. Quý Long và Kim Thư (sưu tầm và biên soạn): Những bậc thầy nổi danh về y đức, Nhà xuất bản Y học,Hà Nội, 2013, tr 175-198.
7. Trần Phương Hạnh, Từ điển danh nhân y học, Nhà xuất bản Y học, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr 211-212.
8. Yveline Féray, Lãn Ông (tiểu thuyết lịch sử) , Nguyên bản tiếng Pháp: Monsieur le Paresseux. Người dịch: Lê Trọng Sâm), Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2005.