Khái niệm
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của hệ thần kinh trung ương ở người và các loài động vật có vú, do virus dại (rabies virus) gây nên. Bệnh còn có tên gọi khác là “hydrophobia - chứng sợ nước”, và là bệnh lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn của động vật nhiễm bệnh. Nếu không được tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh, người bệnh đa số đều tử vong.
Mô tả
Bệnh dại hiện nay lưu hành ở tất cả các quốc gia trên thế giới trừ một số đảo quốc. Theo WHO, mỗi năm có khoảng 59000 người mắc dại ở hơn 150 quốc gia trong đó 95% là xảy ra tại các quốc gia tại châu Á và châu Phi (WHO, 2018). Hiện nay, 99% các ca mắc dại là do truyền từ chó nhiễm bệnh (chủ yếu từ các vùng núi và nông thôn) (WHO, 2018).
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.
Các chương trình kiểm soát bệnh dại với nhiều thành tựu đã được triển khai. Cộng đồng y tế đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các ca tử vong vì bệnh dại do trung gian là chó vào năm 2030 (tuyên bố đã loại bỏ bệnh khi không có ca nhiễm mới ở người và động vật trong 2 năm liên tiếp).
Nguyên nhân và triệu chứng
Nguyên nhân gây bệnh là virus dại - hình que (hình thoi giống viên đạn) thuộc họ Rhabdoviridae. Bệnh thường lây truyền qua vết thương, vết cắn của động vật, cấy ghép các tổ chức mô nhiễm bệnh hoặc có thể do hít phải mầm bệnh trong không khí (như trong hang dơi).
Từ vết thương, vết cắn…virus dại sẽ tự sao chép, xâm nhập theo đường dây thần kinh đến tủy sống, não bộ và vào tuyến nước bọt. Virus dại có thể ở dạng không hoạt động từ vài tuần đến vài tháng trước khi có biểu hiện lâm sàng. Ban đầu vết cắn có thể bỏng rát và đau. Các triệu chứng sớm như đau họng, sốt nhẹ, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hạn chế cử động, cảm giác khó thở, khó nuốt. Một số người có biểu hiện tăng tiết nước bọt, chảy nước dãi, đồng tử giãn, tăng tiết mồ hôi, nước mắt và tụt huyết áp.
Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân trở nên bối rối, kích động, thao cuồng hoặc rơi vào trạng thái lú lẫn, rối loạn ý thức. Người bệnh nhạy cảm với mọi kích thích về thính giác, xúc giác và ánh sáng. Họ thường cảm thấy rất khát nhưng không thể uống vì cảm giác nuốt đau, thậm chí trở nên sợ nước vì cảm giác co thắt khi nuốt gây đau đớn. Những triệu chứng khác của bệnh ở giai đoạn này: tăng tiết nước bọt, mất nước và giảm trương lực cơ. Thường 3-20 ngày sau khi triệu chứng bắt đầu xuất hiện người bệnh sẽ tử vong.
Chẩn đoán
Người bệnh có các triệu chứng khởi phát ban đầu cần được làm các xét nghiệm máu và dịch não tủy để chẩn đoán. Xét nghiệm dịch não tủy không có ý nghĩa trong chẩn đoán nhưng có tác dụng loại trừ các nguyên nhân gây rối loạn ý thức khác ở bệnh nhân.
Hai xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh dại phổ biến nhất là xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang và phân lập virus dại từ nước bọt hoặc bệnh phẩm lấy từ họng của bệnh nhân.
Bệnh phẩm sử dụng cho xét nghiệm miễn dịch kháng thể huỳnh quang có thể được lấy từ mảnh sinh thiết da gáy hoặc lấy mẫu bệnh phẩm ở giác mạc bằng cách sử dụng miếng quét hoặc gạc ấn nhẹ vào vùng giác mạc của người bệnh. Nếu có kháng thể kháng virus dại trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, chúng sẽ gắn với chất nhuộm huỳnh quang và được nhìn thấy.
Điều trị
Hiện chưa có phương pháp pháp điều trị đặc hiệu bệnh dại, phương pháp điều trị kinh điển nhất là tiêm phòng ngay sau khi bị động vật cắn. Tiêm phòng cần được xem xét ở bất cứ đối tượng nào vị động vật cắn, dựa trên cả bệnh sử và kết quả xét nghiệm. Điều trị bệnh cần tiến hành theo các bước sau:
Xử lý vết thương
- Rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn iốt để làm giảm lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng khác như rượu, xà phòng, dầu tắm để rửa vết thương.
- Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Nếu bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.
- Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.
Điều trị dự phòng
- Chỉ định dùng vắc xin và huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng bệnh dại tùy theo tình trạng động vật, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí bị cắn, số lượng, tình trạng vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng.
- Chỉ định điều trị dự phòng bệnh bệnh dại sau phơi nhiễm đối với những người chưa được tiêm phòng bệnh dại theo bảng tóm tắt dưới đây:
TÓM TẮT CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG BỆNH DẠI
Phân độ vết thương
Tình trạng vết thương
Tình trạng động vật
(Kể cả động vật đã được
tiêm phòng dại)
Điều trị dự phòng
Tại thời điểm cắn người Trong vòng 10 ngày
Độ I Sờ, cho động vật ăn, liếm trên da lành Không điều trị
Độ II Vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc
Bình thường
Bình thường Tiêm vắc xin dại ngay, dừng tiêm sau ngày thứ 10
Ốm, có xuất hiện triệu chứng dại, mất tích Tiêm vắc xin dại ngay và đủ liều
Có triệu chứng dại, hoặc không theo dõi được con vật
Tiêm vắc xin dại ngay và đủ liều
Độ III Vết cắn/cào chảy máu ở vùng xa thần kinh trung ương
Bình thường
Bình thường Tiêm vắc xin dại ngay, dừng tiêm sau ngày thứ 10
Ốm, có xuất hiện triệu chứng dại, mất tích Tiêm vắc xin dại ngay và đủ liều
Có triệu chứng dại, hoặc không theo dõi được con vật Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin dại ngay
- Vết cắn/cào sâu, nhiều vết
- Vết cắn/cào gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ
- Vết cắn/cào ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục - Bình thường
- Có triệu chứng dại
- Không theo dõi được con vật
Tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại ngay.
- Lưu ý:
- Các vết thương do động vật hoang dã cắn cần xử lý và điều trị như đối với động vật bị bệnh dại. Nếu các con vật này được bắt ngay và làm xét nghiệm âm tính với bệnh dại thì có thể dừng điều trị dự phòng.
- Các vết thương do động vật gặm nhấm, gia súc cắn thì xem xét chỉ định tiêm vắc xin dại mà không cần tiêm huyết thanh kháng dại.
- Sử dụng vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại: đường tiêm, lịch tiêm và liều lượng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép.
Tiên lượng
Gây miễn dịch bằng tiêm phòng là phương pháp duy nhất điều trị triệt để bệnh dại. Người mắc bệnh dại sẽ tử vong trong vòng vài ngày từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng khởi phát.
Dự phòng
- Phải đăng ký xin cấp giấy phép nuôi chó, không thả dông, và gây miễn dịch cho tất cả đàn chó, mèo nuôi. Bắt nhốt chó vô chủ và chó lạc.
- Phải duy trì giám sát tích cực bệnh dại ở súc vật.
- Nhốt chó hoặc mèo cắn cũng như tất cả các loài thú hoang dã (nếu có thể) cắn người để theo dõi tình trạng sức khỏe của chúng trong 10 ngày. Nếu động vật xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh dại phải lấy dịch não tủy xét nghiệm bệnh dại.
- Nhốt và giám sát ngay chó hoặc mèo bị súc vật dại cắn. Nếu súc vật bị cắn đã được gây miễn dịch rồi thì cũng phải nhốt và gây miễn dịch lại, ít nhất trong 45 ngày.
- Những người có nguy cơ cao (ví dụ nhân viên thú y, nhân viên theo dõi súc vật nghi dại, những người đi công tác hoặc đi du lịch dài ngày ở nơi có bệnh dại lưu hành địa phương) thì phải gây miễn dịch trước khi tiếp xúc với nguồn dại.
- Tiêm phòng bệnh dại sau khi bị súc vật cắn (phòng bệnh sau khi phơi nhiễm).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. K. de Balogh (2013), "Ngăn ngừa và phòng chống bệnh dại cấp toàn cầu", Tài liệu hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống bệnh dại giữa các nước trong khu vực ASEAN, Hà Nội, ngày 13-14 tháng 5 năm 2013.
2. Bộ Y tế (2014), Quyết định số 1622/QĐ-BYT phê duyệt "Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người".
3. Bộ Y tế (2012), "Bệnh dại ở người", Dịch tễ học các bệnh truyền nhiễm phổ biến, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 424-433.
4. Nguyễn Trung Cấp (2013), "Chẩn đoán và điều trị bệnh dại", Tài liệu hội nghị Xây dựng mạng lưới phòng xét nghiệm giám sát bệnh dại tại Việt Nam, Hà Nội, ngày 15-16 tháng 7 năm 2013.
5. Chính phủ (2017), Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021".
6. Nguyễn Trần Hiển và cộng sự (2012), “Đặc điểm dịch tễ học bệnh dại trên người tại Việt Nam, 2009-2011", Tạp chí Y học dự phòng, Tập XXII, số 8(135), tr 17-28.
7. Hanlon, C. A., & Childs, J. E. (2013). Chapter 3 - Epidemiology. In A. C. Jackson (Ed.), Rabies (Third Edition) (pp. 61-121). Boston: Academic Press.
8. Singh, R., et al. (2017). Rabies - epidemiology, pathogenesis, public health concerns and advances in diagnosis and control: a comprehensive review. Vet Q, 37(1), 212-251. doi:10.1080/01652176.2017.1343516