(Forest Ecology)
khoa học nghiên cứu các mối quan hệ qua lại giữa các thành phần trong quần xã sinh vật rừng và giữa quần xã sinh vật rừng với hoàn cảnh sống; nghiên cứu về các qui luật phát sinh, phát triển và diệt vong của hệ sinh thái rừng.
STR là Khoa học nghiên cứu về hệ sinh thái rừng, là một chuyên ngành thuộc sinh thái học ứng dụng trong lâm nghiệp.
Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của STR là các hệ sinh thái rừng với các thành phần, cấu trúc, chức năng, và quy luật phát sinh, phát triển của chúng; cũng như quan hệ giữa các thành phần của hệ sinh thái rừng với nhau và giữa hệ sinh thái rừng với môi trường.
Nội dung
STR bao gồm Sinh thái học cá thể, Sinh thái học quần thể, Sinh thái học quần xã, Sinh thái học hệ STR, Sinh thái học cảnh quan, Sinh thái học toàn cầu và Sinh thái học nhân văn. Sinh thái học cá thể nghiên cứu quan hệ qua lại giữa các cá thể cây rừng với nhau và giữa chúng với môi trường sống, nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố môi trường đến cây rừng và phản ứng, sự thích nghi của cây rừng đối với các nhân tố đó. Sinh thái học quần thể và Sinh thái học quần xã có đối tượng là các tập hợp cá thể cùng loài (quần thể) hoặc các quần xã thực vật rừng với các đặc tính của chúng. Sinh thái học hệ sinh thái rừng nghiên cứu các hệ sinh thái rừng, bao gồm các đặc điểm về cấu trúc, phân bố, chức năng của nó cũng như quan hệ tương hỗ giữ các thành phần của hệ và giữa hệ sinh thái rừng với môi trường. Sinh thái học cảnh quan có đối tựng nghiên cứu là các cảnh quan rộng lớn do nhiều hệ sinh thái khác nhau tạo thành, Sinh thái rừng liên quan chặt chẽ với sinh thái hoc cảnh quan vì hệ sinh thái rừng là một phần của các cảnh quan. Sinh thái học toàn cầu nghiên cứu sự sống trên trái đất, sinh quyển, và các vấn đề sinh thái học toàn cầu, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các hệ sinh thái rừng. Sinh thái học phục hồi hay Sinh thái học khôi phục nghiên cứu sự khôi phục hoặc tái tạo các hệ sinh thái rừng bị thoái hóa hoặc bị tổn thất. Sinh thái học nhân văn nghiên cứu quan hệ giữa hoạt động của con người như phong tục, tập quán, sử dụng tài nguyên và sản xuất lâm nghiệp nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo
1. P.E. Odum, 1968. Cơ sở sinh thái học. Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội.
2. N. Baur, Cơ sở sinh thái học cả kinh doanh rừng mưa. Nhà xuất bản KH&KT. Hà Nội, 1975
3. J.P. Kimmins, Forest ecology. A foundation for sustainable forest management and environmental ethics in forestry. The 3rd edition, Pearson Education Inc, 2005
4. P.W. Richards, Rừng mưa nhiệt đới. Bản dịch của Vương Tấn Nhị, Nhà xuất bản KH&KT. Hà Nội. 1952, 12
5. Thái Văn Trừng, Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội, 1998