Tĩnh Hải quân (Hán văn : 靜海軍, Quảng thoại : Zing-hoi gwan) là khu vực hành chính Trung Hoa tương ứng mạn Nam Ngũ Lĩnh tới Hoành Sơn quan ngày nay, tồn tại giai đoạn 866 - 968.
Lịch sử
Niên hiệu Hàm Thông thứ 7 (866), hoàng đế Đường Ý Tông thuận thỉnh tấu của quan kinh lược Cao Biền mà nâng An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân. Nhờ công lao dẹp loạn Nam Chiếu, đại thần Cao Biền được trọng nhậm tiết độ sứ, tùy nghi hành sự tại đất Lĩnh Nam.
Tĩnh Hải quân (866 - 907)
Theo chuyên khảo của tiến sĩ Li Tana, sau loạn An Sử, Đường triều nhìn chung đã suy không kiểm soát được biên viễn. Do mức trù phú và ổn định suốt nhiều thế kỉ, vùng Lĩnh Nam trở thành mục tiêu của nhiều thế lực mới nổi xung quanh, mà cuộc xâm lăng tàn khốc của Đại Lễ quốc chỉ là tất yếu.
Trong thời kì 858 - 865, quân Nam Chiếu liên tục tràn xuống An Nam, đặc biệt hạ lưu Hồng hà, các quan trấn thủ và tướng lĩnh Đường triều cự không nổi phải triệt thoái. Mãi tới năm 866, triều đình trung ương mới cử một văn thần là Cao Biền đẩy lui được. Tuy nhiên, từ vị thế có mật độ dân số lớn nhất Trung Châu, Lĩnh Nam lúc này thưa người do bị bách hại hoặc bỏ chạy. Cũng từ vị thế độc tôn hải thương Trung Hoa, An Nam phải nhượng quyền cho lưu vực Quảng Châu. Tuy vậy, cho tới đầu thế kỉ XX, Tĩnh Hải quân tạm duy trì ổn định.
Khúc chủ (907 - 923)
Năm 907, nhân Hậu Lương Thái Tổ truất quyền tiết độ sứ Độc Cô Tổn, chưa kịp bổ nhậm quan viên mới, một hào trưởng Hồng châu là Khúc Hạo đem võ sĩ vào chiếm thủ phủ Đại La, xưng tiết độ sứ. Triều Lương vì ở quá xa, quyền bính còn bất ổn, nên tạm công nhận họ Khúc. Tuy nhiên, qua năm sau, Thái Tổ đế phong quan thị trung Lưu Ẩn chức Quảng châu tiết độ sứ kiêm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, tước Nam Bình vương. Họ Lưu viện cớ này để đòi họ Khúc trao quyền bính Lĩnh Nam.
Năm 911, tiết độ sứ Lưu Ẩn mất, em là Lưu Nghiễm kế nghiệp và bắt đầu dựng tự chủ. Khúc chủ bèn phong con hoặc em là Thừa Mĩ làm khuyến hảo sứ/hoan hảo sứ, sang Phiên Ngung thông hiếu và dò la binh tình. Năm 917, Lưu Yểm cải danh thành Lưu Trắc, xưng đế và li khai triều Lương. Cũng năm ấy, Khúc chủ Hạo mất, sứ thần Thừa Mĩ phải về chịu tang và kế vị. Họ Lưu đặt quốc danh Đại Việt, rồi Đại Hán, mà sử gọi Nam Hán, tiến hành thu phục Tĩnh Hải quân bằng võ lực. Khúc chủ Thừa Mĩ viện cớ họ Lưu tạo phản mà xin triều Lương công nhận, sai sứ sang Biện Lương cầu thân với ý định dựa thế lực lớn hơn giữ lộc vị.
Giao châu (923 - 938)
Năm 923, khi Hậu Lương triều đổ, Nam Hán đế dấy binh công kích, Khúc chủ thua và bị điệu về Phiên Ngung. Triều Nam Hán đổi Tĩnh Hải quân thành Giao châu thuộc Đại Hán quốc, lại cho quan viên Lý Tiến làm thứ sử, tướng Lý Khắc Chính làm trấn thủ Đại La thành. Tình thế Giao châu tạm yên thêm mấy năm.
- Dương thị phục vị
Năm 931, nhân Khúc chủ Thừa Mĩ mất tại Phiên Ngung, một bộ tướng cũ người Ái châu là Dương Diên Nghệ (vốn được Nam Hán đế phong Ái châu thứ sử) đem dũng sĩ ra Đại La trục xuất Lý Tiến và Lý Khắc Chính, tự xưng Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và bất phục triều Nam Hán.
- Kiểu thị đoạt vị
Năm 937, nha tướng Kiểu Công Tiễn tạo phản, hạ sát tiết độ sứ họ Dương và chiếm quyền. Năm 938, một người rể Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền lại đem quân vào Đại La diệt họ Kiểu, cũng xưng tiết độ sứ, kết thúc nội biến.
Ngô vương (938 - 965)
Thừa cơ Giao châu biến động, Nam Hán đế sai hoàng trưởng tử Lưu Hoằng Tháo đem binh thuyền sang phục quyền. Tuy nhiên, quân Nam Hán thất trận Bạch Đằng, chủ soái Lưu Hoằng Tháo cũng vong mạng, Nam Hán phải bỏ hẳn Lĩnh Nam.
- Tiền Ngô vương
Năm 939, tiết độ sứ Ngô Quyền xưng vương. Do Trung Châu bấy giờ đều rối ren, Ngô vương Quyền thực tế là nhà cai trị tối cao tại Tĩnh Hải quân. Ông cho định đô tại Cổ Loa thành.
- Dương Bình vương
Năm 944, Ngô vương Quyền mất. Thê đệ Dương Thiệu Hồng tiếm vị, đích tử Ngô Xương Ngập phải chạy trốn, tuy nhiên họ Dương đem người kế tử Ngô Xương Văn về nuôi. Nhân cơ hội này, sứ quân quật khởi khắp nơi và không thần phục triều đình trung ương. Sử gọi Thập nhị sứ quân chi loạn.
- Hậu Ngô vương / Thập nhị sứ quân
Theo chuyên khảo của tiến sĩ Trần Trọng Dương, cả nhân vật Ngô Quyền cho tới các sứ quân đều từng là giả tử của thứ sử Ái châu Dương Diên Nghệ hoặc ít nhiều liên đới từ lâu. Vì thế, cuộc nội biến do người con Dương Diên Nghệ là nguyên cớ để sứ quân bất phục.