Con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi trên cơ sở của pháp luật.
Lịch sử
Về lịch sử, nhận con nuôi đã xuất hiện ngay từ thời cổ đại. Trong bộ luật Hammurabi ở Babylon cổ đại (1760 TCN) có trình bày chi tiết các quyền và nghĩa vụ của người nhận con nuôi. Trong xã hội thời Trung cổ, huyết thống là tối quan trọng do đó việc nhận con nuôi bị hạn chế. Thời kỳ hiện đại việc nhận con nuôi đã được thực hiện trên toàn cầu. Ở Việt Nam, việc nhận con nuôi được quy định bởi Luật Nuôi con nuôi số 52/2010/QH12 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc nuôi con nuôi. Mục đích nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
Đối tượng được nhận nuôi
Nhận con nuôi là hình thức tối ưu để chăm sóc, giáo dục trẻ được nuôi, vì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ phát triển không chỉ các mối quan hệ tình cảm gia đình mà các quan hệ này còn được củng cố về mặt pháp lý. Những đối tượng sau đây có thể được nhận nuôi: trẻ em dưới 16 tuổi; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
- Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
Điều kiện để nhận nuôi
Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có tuổi hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Những người sau đây không được nhận con nuôi:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nuôi CN.
Tài liệu tham khảo
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Pertman, A., Adoption Nation: How the Adoption Revolution Is Transforming America, New York: Basic Books, 2000.
- Gailey, Christine Ward, Blue-Ribbon Babies and Labors of Love: Race, Class, and Gender in U.S. Adoption Practice, University of Texas Press, 2010.
- Seligmann, Linda J., Broken Links, Enduring Ties: American Adoption Across Race, Class, and Nation, Stanford University Press, 2013.
- Рудов А. Г., Красницкая Г. С., Как усыновить ребёнка. В помощь будущим усыновителям - Ростов-на-Дону: Феникс, 2011.