Bảng hỏi Chất lượng cuộc sống là công cụ đo lường chất lượng cuộc sống của một cá nhân trên một phổ rộng gồm nhiều lĩnh vực cụ thể hoặc chất lượng cuộc sống tổng quát.
Việc đo lường liên quan chặt chẽ với khái niệm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, không có sự đồng thuận về khái niệm này giữa các tác giả khác nhau. Felce and Perry (1995) đã tổng hợp 4 cách tiếp cận đến khái niệm này. Thứ nhất, đó là tổng của một loạt các điều kiện sống có thể đo lường được một cách khách quan. Nghĩa là, bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống của một người trên nhiều lĩnh vực (ví dụ: mối quan hệ xã hội, sức khỏe thể chất, hoàn cảnh cá nhân, v.v.) được xác định bằng số và sau đó so sánh với phân bố quần thể lớn hơn. Thứ hai, bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống là sự hài lòng của một người với tổng các điều kiện cuộc sống của họ. Sự khác biệt giữa cách tiếp cận này và cách tiếp cận thứ nhất là phúc lợi cá nhân dựa trên phản ứng chủ quan đối với các điều kiện sống, thay vì cách một người đứng trên các điều kiện này so sánh về mặt số lượng với những người khác trong một quần thể rộng lớn hơn. Thứ ba, bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống là sự kết hợp của cả điều kiện sống khách quan và sự hài lòng với những điều kiện đó - về cơ bản là sự kết hợp của các phương pháp trên. Và thứ tư, bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống là một đánh giá khách quan về điều kiện cuộc sống và đánh giá chủ quan về sự hài lòng trên từng lĩnh vực cụ thể dựa trên cách mà cá nhân đặt ra ý nghĩa của từng lĩnh vực ấy. Theo Felce & Perry, nhìn chung, cách tiếp cận thứ tư về khái niệm QoL được coi là mạnh nhất, vì nó là cách duy nhất xếp hạng và áp dụng trọng số cho tầm quan trọng của các khía cạnh cuộc sống của mỗi người. Nhưng Bonomi và cộng sự lại cho rằng, QoL được xem như một khái niệm chủ quan, đa chiều, nhấn mạnh vào sự tự nhận thức về tình trạng hiện tại của một cá nhân.
Việc xây dựng các bản câu hỏi chất lượng cuộc sống gắn bó chặt chẽ với các cấu thành của chất lượng cuộc sống. Dù không có sự đồng thuận về khái niệm bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống, nhưng có sự nhất trí đáng kể giữa các chuyên gia rằng nó bao gồm các yếu tố xã hội và tâm lý cũng như tình trạng sức khỏe thể chất. Dedhiya và Kong bổ sung thêm cảm giác thực thể (somatic sensation), tuy nhiên, nó có thể gộp vào yếu tố sức khỏe. Theo tổng hợp của Gill và cộng sự từ năm 1994, có khoảng 150 công cụ đo lường chất lượng cuộc sống. Đến nay, số lượng các công cụ càng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng. Trong số các bảng câu hỏi chất lượng cuộc sống, có thể kể ra một vài thang đo hữu ích sau đây. Chúng khác nhau ở tính chi tiết, một số đề cập đến các lĩnh vực cụ thể, một số khác lại là thang đo chung, mang tính tổng thể. Thang chất lượng cuộc sống (Quality of Life Scale) do Flanagan công bố năm 1978. Thang đo lường chất lượng cuộc sống cá nhân và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đầu tiên, thang gồm 15 lĩnh vực chất lượng cuộc sống, sau đó Burckhardt, Woods, Schultz, và Ziebarth vào năm 1989 bổ sung thêm 1 lĩnh vực. Bản cuối cùng gồm 16 thang (Đời sống vật chất, Sức khỏe, Quan hệ vợ chồng, Con cái, Quan hệ gia đình và người thân, Quan hệ bạn bè, Các hoạt động giúp đỡ người khác, Các hoạt động liên quan đến chính quyền địa phương và quốc gia, Phát triển trí tuệ, Hiểu biết và lập kế hoạch cá nhân, Nghề nghiệp, Sáng tạo và thể hiện cá nhân, Xã hội hóa, Hoạt động giải trí thụ động, Hoạt động giải trí tích cực, Độc lập). Thang điểm 7 bậc từ 1 “Khủng khiếp” đến 7 “Vui sướng”. Các nghiên cứu cho thấy thang chất lượng cuộc sống này đảm bảo độ tin cậy và độ giá trị trong đo lường.
Bản câu hỏi chất lượng cuộc sống McGill mở rộng (McGill Quality of Life Questionnaire-Expanded). Bản câu hỏi chất lượng cuộc sống McGill do McGill công bố 1996 được thiết kế để đánh giá chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân đang đối mặt với những căn bệnh đe dọa tính mạng trong 4 lĩnh vực. Về sau, Cohen và các cộng sự đã công bố vào 2019 phiên bản mở rộng gồm tám lĩnh vực để đánh giá tốt hơn các lĩnh vực mà những người sắp kết thúc cuộc đời cho là quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của họ. Các lĩnh vực gồm: Thể chất, Tâm lý, Sinh tồn, Xã hội, Môi trường, Nhận thức, Chăm sóc sức khỏe và Gánh nặng. Mỗi lĩnh vực gồm nhiều item. Với mỗi lĩnh vực, thang điểm là khác nhau (Hoàn toàn không có vấn đề - Quá có vấn đề, Hoàn toàn không có mục đích, ý nghĩa gì - Rất có mục đích và ý nghĩa, Rất khó khăn - Rất dễ dàng…), nhưng về cơ bản thang điểm từ 0 đến 10 được áp dụng. Thang đảm bảo độ tin cậy và độ giá trị về cấu trúc 8 thành phần. Bản câu hỏi chất lượng cuộc sống McGill mở rộng được sử dụng với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Bản câu hỏi chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe (Health-Related Quality of Life Questionnaire) do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) công bố năm 2000. Bản câu hỏi chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe kết hợp ba mô-đun riêng biệt để đánh giá nhận thức về bản câu hỏi chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe. Nó được sử dụng rộng rãi bởi các chuyên gia y tế và được thiết kế để thu hẹp khoảng cách giữa các ngành như xã hội học, tâm lý học và kinh tế học về các yếu tố thúc đẩy bản câu hỏi chất lượng cuộc sống. Vì có 3 mô-đun riêng nên nhà thực hành có thể chọn một mô-đun thích hợp để sử dụng cho khách hàng của mình. Mô-đun đầu tiên gồm 4 item và có độ giá trị để đánh giá bản câu hỏi chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe một cách rộng rãi. Những item này, được gọi là thang đo Ngày khỏe mạnh cốt lõi, được thiết kế để có thể áp dụng rộng rãi trên nhiều quần thể. Mô-đun thứ hai được gọi là Giới hạn hoạt động, đánh giá các vấn đề về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc mà một người có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mô-đun cuối cùng được gọi là Các triệu chứng ngày khỏe mạnh. Mô-đun này đánh giá các yếu tố như đau, trầm cảm và các triệu chứng lo âu, ngủ không đủ giấc và mức năng lượng đã ảnh hưởng đến hoạt động như thế nào trong 30 ngày qua. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh HRQoL có đủ độ tin cậy và độ giá trị để sử dụng như một công cụ đo lường chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe.
Công cụ Chất lượng cuộc sống của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization Quality of Life Instrument - WHOQOL-BREF). Công cụ này do WHO công bố năm 2012. WHOQOL-BREF được sử dụng rộng rãi để so sánh các chỉ số chất lượng cuộc sống giữa các nền văn hóa. Chính vì lý do này mà nó được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ. Công cụ đánh giá chất lượng cuộc sống ở sáu lĩnh vực: Sức khỏe thể chất, Sức khỏe tâm lý, Mức độ độc lập, Các mối quan hệ xã hội, Môi trường và Tâm linh/Tôn giáo/Niềm tin cá nhân. Công cụ này cũng chứa một số item đánh giá sức khỏe tổng quát. Các câu trả lời khác nhau theo mỗi miền đo nhưng đều được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 5. Nghiên cứu của WHO trên diện rộng cho thấy công cụ đảm bảo độ tin cậy và độ giá trị để sử dụng trên các quần thể ở các nền văn hóa khác nhau.
Thang Chất lượng cuộc sống tổng quát (Global Quality of Life Scale) do Hyland and Sodergren công bố năm 1996. Thay vì áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều như một số bản câu hỏi ở trên, Hyland và Sodergren lập luận rằng người trả lời có thể áp dụng hệ thống trọng số của riêng họ khi đánh giá các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của họ. Như vậy, họ có thể đưa ra đánh giá tổng thể về chất lượng cuộc sống của mình bằng cách chỉ ra một số trên thang điểm từ 100 - 0, trong đó 100 được gắn nhãn “Chất lượng cuộc sống hoàn hảo” và 0 được gắn nhãn “Có thể là chết”. Tám nhãn bổ sung của thang đo như sau: 95 = Chất lượng cuộc sống gần như hoàn hảo, 85 = Chất lượng cuộc sống rất tốt, 70 = Chất lượng cuộc sống tốt, 57,5 = Chất lượng cuộc sống tốt vừa phải, 40 = Chất lượng cuộc sống hơi tệ, 27,5 = Chất lượng cuộc sống tồi tệ, 15 = Chất lượng cuộc sống rất tệ, 5 = Chất lượng cuộc sống cực kỳ tồi tệ. Có thể thấy, các bản câu hỏi ở trên đề cập đến nhiều lĩnh vực chất lượng cuộc sống và tương ứng với đó là có rất nhiều thang đo và nhiều mô hình lý thuyết. Các thang đo quan tâm đến chất lượng cuộc sống tổng thể (thuộc mô hình từ trên xuống) theo quan điểm cho rằng chất lượng cuộc sống nói chung của chúng ta ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong các lĩnh vực cụ thể, do đó nên tập trung vào các thang đo tổng quát này. Các thang đo quan tâm đến các lĩnh vực cụ thể (thuộc mô hình từ dưới lên) xuất phát từ đề xuất rằng chất lượng cuộc sống trong mỗi lĩnh vực cuộc sống ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tổng thể, do đó các lĩnh vực cụ thể nên là trọng tâm trang nghiên cứu về thang đo lường. Một dòng nghiên cứu hiện tại khác là xác định các yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống của một cá nhân.
Tài liệu tham khảo
- Flanagan, J.C., A research approach to improving our quality of life, American Psychologist, 33 (2), 1978, pp. 138 - 147.
- Burckhardt, C.S., Woods, S.L., Schultz, A.A., & Ziebarth, D.M., Quality of life of adults with chronic illness: A psychometric study, Research in Nursing & Health, 12 (6), 1989, pp. 347 - 354.
- Gill, T.M., & Feinstein, A.R., A critical appraisal of the quality of quality-of-life measurements, Jama, 272 (8), 1994, pp. 619 - 626.
- Dedhiya, S., & Kong, S. X., Quality of life: an overview of the concept and measures, Pharmacy World and Science, 17 (5), 1995, pp. 141 - 148.
- Felce, D., & Perry, J., Quality of life: Its definition and measurement, Research in Developmental Disabilities, 16 (1), 1995, pp. 51 - 74.
- Newschaffer, C. J., Validation of Behavioral Risk Factor Surveillance System (BRFSS) HRQOL measures in a statewide sample, Atlanta, GA: Centers for Disease Control and Prevention, 1998.
- Bonomi, A. E., Patricka, D. L., Bushnell, D. M., Martin, M., Validation of the United States’ version of the World Health Organization Quality of Life (WHOQoL) instrument, Journal of Clinical Epidemiology, 53, 2000, pp. 1 - 12.
- Centers for Disease Control and Prevention (CDC), Measuring healthy days: Population assessment of health-related quality of life, Truy cập ngày 20/1/2021 tại trang https://www.cdc. gov/hrqol/pdfs/mhd.pdf, 2000.
- Burckhardt, C. S., & Anderson, K. L., The Quality of Life Scale (QOLS): reliability, validity, and utilization, Health and quality of life outcomes, 1, 60, 2003.
- Burckhardt, C. S., Anderson, K. L., Archenholtz, B., & Hägg, O., The Flanagan quality of life scale: Evidence of construct validity, Health and Quality of Life Outcomes, 1 (59), 2003.