Ai Cập học là một ngành chuyên nghiên cứu Ai Cập cổ đại, tập trung vào khảo cổ học, ngôn ngữ, văn học, lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật của nền văn hóa này. Trong những thập kỷ gần đây, phạm vi địa lý các lĩnh vực nghiên cứu này đã được mở rộng hơn, bao gồm nghiên cứu về Nubia (miền bắc Sudan hiện nay), nơi có liên hệ chặt chẽ với Ai Cập và văn hóa Ai Cập trong vài thiên niên kỷ.
Trong tiếng Anh, thuật ngữ Egyptology được ghép từ Egypt (Ai Cập) và logy trong tiếng Hy Lạp là “sự hiểu biết”.
Jean-Francois Champollion (1790 – 1832) được coi là cha đẻ của ngành Ai Cập học sau khi ông tìm ra cách giải mã phiến đá Rosetta khắc nhiều chữ viết tượng hình bí ẩn, giúp con người hiện đại hiểu rõ hơn về một trong những nền văn minh vĩ đại của lịch sử loài người.
Phiến đá Rosetta được những người Pháp phát hiện vào năm 1799 tại một pháo đài ở thị trấn Rosetta thuộc vùng châu thổ sông Nile. Trên phiến đá khắc một sắc lệnh ban hành năm 196 TCN nhân danh nhà vua Ptolemy V. Sắc lệnh này được khắc bằng ba loại chữ: trên cùng là chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, ở giữa là ký tự Demotic và dưới cùng là tiếng Hy Lạp cổ đại. Các nhà bác học cho rằng đó là bản dịch của hai văn bản trên. Với bản dịch này, người ta có chìa khóa để đọc loại chữ tượng hình Ai Cập. Các nhà bác học liền in rập các văn bản đó làm nhiều phiên bản đem về nước Pháp. Sau này, khi Napoleon I thua trận, người Anh đã chiếm lấy phiến đá Rosetta làm chiến lợi phẩm, đưa về nước Anh. Ngày nay, phiến đá ấy được trưng bày tại Viện Bảo tàng Anh ở Luân Đôn.
Khi phiến đá Rosetta được phát hiện thì Champollion còn là một thiếu niên, nhưng với lòng say mê nghiên cứu Ai Cập, cậu đã quyết tâm sẽ là người đầu tiên đọc được các văn tự bí ẩn ấy. Từ năm 13 tuổi, Champollion không những học tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh mà còn học cả tiếng Do Thái cổ, tiếng Ả rập, tiếng Ba Tư và nhất là tiếng Copt (vì ông tin chắc rằng tiếng Copt là tiếng Ai Cập cổ). Chính vốn ngôn ngữ phong phú đó đã giúp Champollion giải quyết được nhiệm vụ khó khăn này. Đầu tiên, ông đã đọc được tên các nhân vật lịch sử Hy Lạp và La Mã, từ đó tìm ra các ký hiệu chữ cái cơ bản. Dần dần, ông đọc được hết tất cả các ký hiệu, rồi đọc sang những văn bản dài hơn và giải mã được chữ Ai Cập. Ngày 27.9.1822, Champollion đã công bố kết quả công việc phát hiện của mình tại một phiên họp của Viện Hàn lâm Khoa học Paris với sự có mặt của nhiều nhà bác học châu Âu. Ngày đó đánh dấu sự ra đời của một ngành khoa học mới mà Champollion được coi là người sáng lập: Ai Cập học.
Chính phủ Pháp đã cử Champollion làm người quản lý các bộ sưu tập Ai Cập của Bảo tàng Luvre ở Paris. Năm 1828, ông và một học giả người Italy, Ippolito Rosellini dẫn đầu đoàn thám hiểm tiến hành một cuộc khảo sát tại Ai Cập. Ông đã đọc được tất cả những văn bia ở các đền đài, cung điện và lăng tẩm của các thời Pharaoh. Những nghiên cứu của họ được công bố trên tờ Monuments de l’Égypte et Nubie. Tiếp theo đó, Karl Richard Lepsius (người Đức) và John Gardner Wilkinson (người Anh) đã dành nhiều thời gian để sao chép và thu thập tài liệu ở Ai Cập. Công việc của họ đã tạo ra các bản sao của các di tích và văn bản được phổ biến rộng rãi cho các học giả châu Âu. Chính phủ của Muhammad Ali (1805 – 1849) đã mở cửa Ai Cập cho người châu Âu và các nhà thám hiểm đến nghiên cứu cổ vật ở Ai Cập. Từ đó đã hình thành các bộ sưu tập cổ vật Ai Cập tại các bảo tàng lớn ở châu Âu.
Năm 1880, Flinders Petrie mang đến Ai Cập kỹ thuật khai quật có kiểm soát, được ghi chép một cách khoa học, đã cách mạng hóa ngành khảo cổ học. Ông đã đẩy lùi nguồn gốc của văn hóa Ai Cập đến năm 4500 TCN. Adolf Erman và Hermann Grapow đã xuất bản tại Berlin “Wörterbuch der ägyptischen Sprache”, một từ điển đầy đủ về chữ tượng hình của người Ai Cập. Năm 1954, Wolja Erichsen xuất bản cuốn sách từ vựng Demotisches Glossar. James Henry Breasted thành lập Viện Phương Đông tại Đại học Chicago và đi tiên phong trong ngành Ai Cập học của Mỹ với cuộc khảo sát của ông về Ai Cập và Nubia (1895–1896). Ông bắt đầu cuộc Khảo sát về Văn tự vào năm 1924 để tạo ra các bản sao chính xác của các chữ khắc trên các di tích, vốn có thể bị xuống cấp do tiếp xúc với các yếu tố, và sau đó xuất bản những hồ sơ này. Các viện bảo tàng Mỹ đã mở các bộ sưu tập của Ai Cập vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đại học Pennsylvania, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Thành phố New York), Bảo tàng Mỹ thuật (Boston), Bảo tàng Brooklyn và Viện Mỹ thuật của Đại học New York đều đã tiến hành công việc nghiên cứu tại Ai Cập. Việc phát hiện ra lăng mộ của Tutankhamen (1922), cũng như việc Pierre Montet khai quật các lăng mộ hoàng gia còn nguyên vẹn tại Tanis, đã nâng cao nhận thức của công chúng về Ai Cập học.
Như vậy, việc khám phá ra cách đọc chữ tượng hình cổ Ai Cập của Champollion đã đặt nền tảng cho sự ra đời của ngành Ai Cập học, đào tạo ra những nhà Ai Cập học đầu tiên, mở ra cánh cửa mới cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Ai Cập cổ đại.
Tài liệu tham khảo
- Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
- Lương Ninh (chủ biên), Trần Thị Vinh, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, Lịch sử thế giới cổ đại, (Tái bản lần thứ tư), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000
- Lương Ninh (chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Trần Thị Vinh, Dương Duy Bằng, Lịch sử văn hóa thế giới cổ trung đại, tái bản lần thứ 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- David P.Silverman (General ediotor), Ancient Egypt (Ai Cập cổ đại), Oxford University Press, 1997.
- https://www.britannica.com/science/Egyptology