Tục khai bút nghi thức cầm bút viết lần đầu tiên vào đầu năm mới với ước nguyện sang năm mới đạt được nhiều thành tựu trong công việc và học tập.
Tương truyền tục khai bút đầu xuân là gắn với việc tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An (1292-1370), một nhà Nho nổi tiếng chính trực thời Trần. Dưới triều vua Trần Minh Tông ông được mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám để dạy Thái tử và tham gia vào công việc củng cố triều Trần. Đến thời vua Trần Dụ Tông, sau khi dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 gian thần không thành, ông từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, Chí Linh dạy học, thu hút rất đông học trò, nhiều người thành đạt, sau làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Truyền rằng, xưa kia học trò đến thăm thường được ông thăm hỏi, trò chuyện… Thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi người nên khi chia tay ông thường tự tay viết tặng một chữ ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu cho người đó. Ai được tặng đều coi những chữ đó như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. Sau khi thầy mất, học trò làm nhà bên mộ ở cả năm, tế lễ để tỏ lòng thư¬ơng tiếc. Đặc biệt là tại đây, xưa có khu giếng son, ở đáy giếng có lớp bùn son, màu đỏ tươi, thầy Chu thường dùng để viết chữ. Chính vì vậy tục khai bút, xin chữ và cho chữ viết bằng mực son đỏ ở đền thờ Chu Văn An được cho là để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo đó của thầy Chu.
Tục khai bút được diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán là cái tết gắn với nghi lễ chuyển đổi thời gian từ “năm cũ” sang “năm mới” quan trọng bậc nhất trong năm của người Việt Nam. Vào thời điểm này, con người luôn rất thận trọng trong các hành động có tính đầu tiên với quan niệm "Vạn sự khởi ư xuân" (Muôn việc khởi đầu tự mùa xuân). Điều đó phản ánh tâm thức cầu may trong nghề nghiệp của người Việt Nam nói chung.
Vì là việc mở đầu nên người xưa coi khai bút là việc cẩn trọng, phải chọn ngày giờ đẹp, giấy bút mới để khai bút, kèm theo các nghi thức nghiêm cẩn. Với những người có học (nhà nho, thầy đồ, học trò, …) thường ngay sau giao thừa hoặc chọn giờ hoàng đạo vào sáng mồng một Tết để khai bút. Trước tiên họ thắp hương khấn vái bàn thờ tổ tiên rồi dùng cây bút mới, mài mực Tàu và hạ bút viết những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa trên giấy hồng điều hoặc giấy hoa tiên (giấy có in hoa), sau đó treo lên tường nhà để thưởng xuân hay tặng những người thân thiết. Với các vị quan phủ ở công đường, sau khi chọn được ngày giờ sẽ cho lập bàn thờ giữa công đường để bái vọng thiên tử, quan phủ ăn mặc chỉnh tề thắp hương khấn vái xong mới viết. Các vị vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức,... hàng năm thường khai bút viết các đại tự, ngoài dạy dỗ thiên hạ còn để tự răn mình.
Kèm với tục khai bút của các ông đồ, nhà Nho còn có tục xin chữ, xin câu đối của những người yêu chữ, trọng chữ để qua đó nhận được các lời khuyên chí lý. Thường các thầy đồ “cho” những chữ có nội dung phù hợp với mong muốn của người đến xin. Các chữ này được viết to hết khổ giấy, người xin mang về treo trên tường nơi nhiều người nhìn thấy.
Như vậy, tục khai bút là thể hiện tinh thần trọng chữ, trọng học (Nho học) không chỉ của người “có chữ” mà còn cả ở những người bình dân “xin chữ”. Qua tục khai bút cho thấy vai trò quan trọng của việc đèn sách trong quan niệm của người xưa, thể hiện cầu mong về sự đỗ đạt, tạo dựng công danh, sự nghiệp bằng con đường học hành,…
Sang đầu thế kỷ XX, chữ Hán và chữ Nôm bị thu hẹp dần, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp trở thành chính thống trong các văn bản nhà nước, tục khai bút và xin chữ dịp Tết không còn thịnh như trước. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 nhiều tục lệ cũ bị mai một, trong đó có tục khai bút.
Khoảng chục năm trở lại đây, tục khai bút được phục hồi và sáng tạo lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Với học trò thì có các hình thức như: khai bút đầu xuân trên facebook; viết chữ thư pháp trên smartphone; vạch ra dự định trong năm mới hoặc đơn giản chỉ là ngồi làm bài tập để lấy may. Ở cấp chính quyền (tỉnh, thành phố) có hình thức tổ chức lễ khai bút đầu xuân để tưởng niệm các danh nhân văn hóa. Tiêu biểu là lễ khai bút tại hai ngôi đền thờ nhà giáo Chu Văn An ở Hà Nội, Hải Dương và ở Khu Văn hóa núi Bài thơ (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) gắn với các hoạt động tưởng niệm hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông. Kèm theo nghi lễ dâng hương còn có triển lãm về truyền thống khoa bảng, triển lãm các tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ Quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”; tổ chức vinh danh và phát phần thưởng cho các học sinh giỏi, tổ chức cho chữ, xin chữ...
Từ năm 2012, tục khai bút đã được nâng lên thành lễ hội tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Tp. Hải Phòng) do Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy phối hợp với các đơn vị tổ chức. Lễ hội thu hút hàng ngàn người tham dự với nhiều hoạt động như lễ rước bút, đọc chúc văn khai bút, đánh trống khai hội và nghi lễ khai bút của lãnh đạo ngành giáo dục thành phố và huyện Kiến Thụy. Phần hội được kéo dài trong 3 ngày với các hoạt động như Ngày thơ Nguyên Tiêu, thi đấu cờ người, thư pháp, các trò chơi dân gian, khai bút cho các em học sinh có thành tích học tập tốt,...
Cùng với việc trở lại của tục khai bút thì tục xin chữ, cho chữ cũng ngày càng phổ biến, trở thành dịch vụ diễn ra rất sôi động ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và các đền, chùa ở Hà Nội như ở phủ Tây Hồ, đền Kim Liên…
Có thể thấy, nếu tục khai bút đầu xuân xưa kia là gắn với tinh thần tôn sư trọng đạo theo truyền thống Nho học thì tục khai bút đầu xuân ngày nay lại mang đậm hơi thở của cuộc sống hiện đại. Sự đa dạng các hình thức khai bút từ mỗi cá nhân, gia đình đến xã hội là phản ánh truyền thống văn hóa cũng như sự sáng tạo truyền thống của mỗi cá nhân, mỗi địa phương ở các thời điểm lịch sử khác nhau.
Với ý nghĩa đó tục khai bút không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng khơi gợi khả năng sáng tạo, tinh thần cầu thị cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa như hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- Toan Ánh, Đất lề quê thói , Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh,1992.
- Nguyễn Sử, Lịch sử thư pháp Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2017.