phương thức đưa/dẫn nước vào ruộng phục vụ cho việc tưới tiêu trong hoạt động trồng trọt. Hoạt động này đặt ra yêu cầu về một hệ thống hạ tầng thủy lợi (để dẫn nước), kinh nghiệm về thời điểm (trong việc lấy nước, tiêu nước) cùng việc tổ chức quản lý chặt chẽ trong một cộng đồng.
DTNĐ thuộc về hệ thống chương trình thủy lợi trong nông nghiệp ở Việt Nam, bao gồm việc ngăn ngừa nước lũ từ các con sông lớn, đem nước tưới vào các ruộng cao, tháo nước ở các triền đồng thấp, ngăn nước mặn và kết nối những hệ sông lớn với nhau để thủy thế được cân bình. Việc trị thủy này gắn liền với loại hình nông nghiệp lúa nước, liên quan mật thiết với sinh mệnh của cá nhân và cộng đồng nên không những được nhân dân lo liệu mà chính phủ cũng ra sức kinh dinh. Tuy nhiên, hoạt động DTNĐ chỉ đặt ra ở miền Bắc và miền Trung, bởi miền Nam vốn đã có sẵn hệ thống kênh rạch tự nhiên chằng chịt và nước sông Mê kông tự do tràn ngập ruộng đồng.
Với vai trò hàng đầu trong sự sinh trưởng của cây lúa, nước được xem là lí do cho sự xuất hiện của hệ thống kênh, mương, máng dẫn cùng kho tàng tri thức về việc be bờ đắp thửa, tát nước tiêu nước trong nhiều không gian văn hóa. Tuy chưa thể xác định về thời điểm ra đời chính xác, song có thể khẳng định về tính lâu đời của các tri thức hiện có thuộc về lĩnh vực này. Giao Châu ngoại vực ký (một tác phẩm ra đời vào cuối thế kỉ 3 hoặc đầu thế kỉ 4 sau Công lịch, với nhiều đoạn được lưu giữ nguyên văn trong cuốn sách Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên viết vào thế kỉ thứ 6) cung cấp dữ liệu cho thấy, thời điểm này, người dân Lạc đã biết làm ruộng theo sự lên xuống của nước lũ. Xâu chuỗi nhiều tư liệu, các nhà sử học đã khẳng định về sự ra đời từ thời Hùng Vương của một số công trình thủy lợi đầu tiên, nhằm mục đích tưới nước, tiêu nước và giữ nước cho đồng ruộng.
Về kĩ thuật DTNĐ, ở đồng bằng, người ta đào kênh, mương để dẫn nước từ sông ngòi vào ruộng. Với những thửa ruộng cao hơn mặt nước, người dân thường sử dụng các loại gầu (gầu sòng, loại một người tát, có ba cọc trụ tre chụm vào nhau treo dây buộc gàu; gầu dai, hai người cùng nắm dây quai với động tác phối hợp nhịp nhàng) để tát nước vào ruộng. Còn ở những vùng núi cao hoặc địa hình không bằng phẳng, con người đã xây dựng hệ thống mương, phai để dẫn nước từ sông suối qua những nơi dốc và khúc khuỷu, có những đoạn phải bắc máng (ghép gỗ hay mai, vầu bổ đôi) đặt trên giá bằng tre/gỗ, treo trên cây hoặc dùng những guồng (cọn), bánh xe lớn, lợi dụng sức nước của dòng chảy tự nhiên để đưa nước vào khu ruộng trên cao. Ngoài ra, người ta còn đắp đập ngăn dòng chảy sông để nước dâng lên rồi chia nước qua các con ngòi, mương nhỏ cho chảy vào ruộng. Ngày nay, các con đập này cũng có thể được thay thế bằng cách đặt máy bơm nước, quy mô lớn tại các trạm thủy nông, quy mô nhỏ có thể ngăn và chia nước ruộng cho một khu đất cao hơn ở trong cánh đồng. Sự đa dạng về hình thức DTNĐ tại các không gian một mặt phản ánh phương cách ứng xử khác nhau của con người trong môi trường tự nhiên - địa lý cụ thể, đồng thời cho thấy trí tuệ tập thể và tri thức bản địa của các nhóm cộng đồng.
Những con kênh, mương, bờ phai còn được gọi tên như một sản phẩm văn hóa, hoặc là cơ sở kiến tạo nên diện mạo văn hóa mang tính bản sắc của cộng đồng người. Tại đồng bằng, thành tựu nổi bật nhất có thể kể đến của chiến lược xây dựng hệ thống dẫn nước vào đồng ruộng ở các vùng ven sông và mở rộng địa bàn canh tác tới những vùng khô cằn cách xa các con sông tự nhiên là kênh nhà Lê. Đây là con kênh đào dài nhất Việt Nam cả về chiều dài lịch sử lẫn địa lý, được đánh giá là một ý tưởng độc đáo, vĩ đại, mang tầm chiến lược cả về quân sự và kinh tế. Kênh được vua Lê Đại Hành thời Tiền Lê (981-1009) cho khởi đào từ năm 983 và được đào nối tiếp trong các triều đại phong kiến Việt Nam về sau. Hệ thống sông đào mới này nối các con sông tự nhiên thành một tuyến đường thủy, kết nối bốn tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh với độ dài gần 500 km. Còn tại vùng núi cao, các thửa ruộng bậc thang chính là sản phẩm nổi bật cho thành tựu của quá trình DTNĐ. Ở hệ thống ruộng này, nước chinh phục các địa hình dốc; nước được giữ lại trên các thửa ruộng cao với kinh nghiệm ke đắp bờ thửa bằng gỗ hoặc đá; và nước được tính toán để đưa vào hay rút đi phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Hiện nay, ở nhiều nơi, không gian sinh kế ruộng bậc thang còn trở thành một không gian văn hóa - du lịch, một “kì quan nông nghiệp” thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan.
DTNĐ với yêu cầu đặc biệt về sức lực tập thể cũng được xem là một trong các cơ sở gốc rễ dẫn tới sự hình thành của bản, làng. Nông nghiệp lúa nước gắn liền với việc trị thủy - công việc mà không một cá nhân hay một gia đình nào có thể thực hiện mà phải cần tới sức mạnh của cả cộng đồng - vì thế, dẫn tới yêu cầu mang tính tất yếu về việc tụ cư theo đơn vị bản, làng. Và chính trong những bản làng này, nhiều thiết chế riêng đã được đặt ra trong Luật tục, Hương ước nhằm bảo vệ cho công cuộc đưa nước thành công vào mọi thửa ruộng trong cánh đồng. Chia sẻ một vận mệnh chung liên quan tới nguồn nước cũng góp phần định hình phương cách ứng xử trong quan hệ tại các làng bản, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi chung cho mọi thành viên trong cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1998.
Đào Tam Tỉnh, Kênh nhà Lê - Lịch sử và huyền thoại, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010.
Trần Hữu Sơn, Bàn Khánh Thanh, Văn hóa ứng xử của người Dao đỏ với môi trường tự nhiên qua khai khẩn ruộng bậc thang ở Sa Pa, Tạp chí Dân tộc học, số 4/2011, tr.3-9, Hà Nội, 2011.
Nguyễn Thừa Hỷ, Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn, Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2012.
Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Nhã Nam, Hà Nội, 2014.