Mục từ này cần được bình duyệt
Sejong
Phiên bản vào lúc 16:06, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} (1397 – 1450) Quốc vương thứ tư của vương triều Joseon (Triều Tiên), tên húy là Lý Tạo, tự là Nguyên Chính. Vua tr…”)

(1397 – 1450)

Quốc vương thứ tư của vương triều Joseon (Triều Tiên), tên húy là Lý Tạo, tự là Nguyên Chính. Vua trị vì trong 32 năm (1418 – 1450), thường được gọi là Thế Tông Đại vương.

Sejong là con thứ ba của vua Lý Thái Tông vương triều Joseon. Tuy không phải là con trưởng nhưng Sejong lại được chọn là người kế vị bởi ông là người thông minh, hiếu học, lại có hiểu biết về đạo trị nước. Năm 1418, ông được vua cha Thái Tông trao lại vương vị, trở thành vị vua đời thứ tư của vương triều Triều Tiên. Sau khi lên nắm quyền, vua Sejong đã tập trung sức lực để chấn hưng đất nước trên nhiều mặt.

Về xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước: Vua Sejong chủ trương đề cao Nho giáo, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống để cai trị đất nước. Bản thân nhà vua là người có tư tưởng cải cách táo bạo, có nhiều biện pháp để từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước, tăng cường tính tập quyền của triều đình trung ương. Vua Sejong đã ban hành chế độ trực khởi Lục Tào và chế độ nghị sự tại nơi làm việc, giao cho thế tử tập giải quyết một số công việc. Nhờ đó, thể chế chính trị của vương triều Triều Tiên đến thời Sejong đã được cải thiện đáng kể.

Về xây dựng quân đội và tiềm lực quốc phòng: Vua Sejong rất chú ý việc tăng cường sức mạnh quân đội cùng với tiềm lực quốc phòng. Nhà vua từng phát động thành công cuộc Đông chinh nhằm tiễu trừ những tên cướp biển người Nhật Bản đang hoành hành ở khu vực đảo Tsushima, buộc lực lượng này phải tuân phục quyền lực của vua Triều Tiên. Đối với biên giới phía Bắc, để chống lại sự quấy nhiễu của người Nữ Chân vùng Đông Bắc Bộ, vua Sejong cho xây dựng bốn công sự và sáu khu đồn trú quân (còn được gọi là tứ quận, lục dinh đế bảo vệ đất nước). Ngoài ra nhà vua còn chủ trương phát triển kỹ thuật quân sự với các loại pháo cối, tên bắn lửa, thuốc súng.

Về văn hóa - giáo dục: Thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục dưới thời trị vì của vua Sejong là việc ban hành bảng chữ cái ký âm Chosŏn'gŭl (năm 1446) dùng cho tiếng Triều Tiên hiện nay. Nhà vua đã cho giới thiệu rộng rãi về cách sử dụng Chosŏn'gŭl thông qua tác phẩm “Huấn dân chính âm”. Nhờ đó, những người không biết Chosŏn'gŭl cũng có thể cơ bản phát âm được chữ viết tiếng Triều Tiên một cách chính xác chỉ sau vài giờ học.

Bên cạnh đó, thời kì cầm quyền của vua Sejong còn đạt được nhiều thành tựu khác về văn hóa. Trong lĩnh vực sử học, địa lí có bộ Triều Tiên vương triều thực lục và sách Bát đạo địa lý chí. Đây là những công trình được biên soạn công phu dưới sự chỉ đạo của vua Sejong. Trong lĩnh vực y học, các tác phẩm Hương dược tập thành phương, Y phương loại tụ đã chính thức xuất bản dưới triều đại của ông.

Các lĩnh vực khoa học kĩ thuật dưới thời cầm quyền của vua Sejong cũng đạt được nhiều thành tựu có giá trị. Máy đo lượng nước mưa, đồng hồ thiên văn, đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước, bản đồ thiên văn, bản đồ địa hình hay hệ thống lịch Triều Tiên được xem là những sáng tạo quan trọng trong thời gian vua Sejong nắm quyền cai trị.

Năm 1450, vua Sejong mất ở tuổi 54 và được táng ở Anh Lăng. Ông được đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử của vương triều Triều Tiên. Nhà vua đã đưa vương triều đến giai đoạn thịnh trị với sự phát triển cao về nhiều mặt. Đối với người dân bán đảo Triều Tiên, vua Sejong được tôn vinh là “Thánh quân Thế Tông” và được xem là biểu tượng cho ý thức tự chủ của dân tộc Triều Tiên.

Ở Hàn Quốc hiện nay, tên của vua Sejong được đặt cho đường phố và trung tâm biểu diện nghệ thuật ở thủ đô Seoul. Hình ảnh của nhà vua cũng đã được in trên tờ tiền mệnh giá 10000 won của Hàn Quốc.

Ở Việt Nam, vua Sejong thường được so sánh với hoàng đế Lê Thánh Tông bởi có nhiều điểm tương đồng trong chính sách trị nước. Trung tâm Sejong về hợp tác nghiên cứu, đào tạo ngôn ngữ và văn hóa giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã được thành lập ở nhiều nơi như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng...

Tranh vẽ chân dung vua Sejong

Nguồn:https://worldhistory.us/asian-history/king-sejong-and-the-invention-of-hangul.php, truy cập ngày 25/12/2019

Tài liệu tham khảo

1. 《世宗庄宪大王实录· 卷第一》,影印本.

2. 《明史》卷320,《外国一》,电子版.

3. Young Key, Kim Renaud, King Sejong the Great: the Light of Fifteenth Century Korea, International Circle of Korean Linguistics, 1992.

4. Stephenson, F. Richard,Oriental astronomy from Guo Shoujing to King Sejong: Proceedings of an international conference, Yonsei University Press, 1997.

5. Phan Ngọc Huyền, “Mấy điểm tương đồng giữa Lê Thánh Tông và Thế Tông Đại Vương”, Chuyên san KHXH và NV – ĐHQG Tp Hồ Chí Minh, số 55, tr.14-18, 2012.

https://www.newworldencyclopedia.org/entry/King_Sejong, truy cập ngày 15/12/2019.