(cg. Nguyễn Hữu Vũ, Nguyễn Văn Đồng; sinh năm 1923 - mất năm 2019).
Quê quán xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; thường trú tại số nhà 54 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia nhiều chiến dịch trong Kháng chiến chống Pháp với cương vị phái viên Bộ Tổng tư lệnh.
Ông là một trong những người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt quyết định thành bại trong chiến tranh.
Trong Kháng chiến chống Mĩ, Ông lần lượt giữ các chức vụ: phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1964-1965), chính uỷ Quân khu IV (1967), tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975). Năm 1976, Ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Năm 1979, Ông được điều trở lại quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Ông là uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khoá IV, V, VI; uỷ viên Bộ Chính trị các khoá V (dự khuyết), VI; đại biểu Quốc hội các khoá I, VI, VII, VIII. Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.
Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1938, tháng 12/1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những năm 1938 - 1940, ông tham gia các tổ chức hội quần chúng cứu quốc ở trường học, ở địa phương và giữ nhiều cương vị chủ chốt trong Đảng. Cuối năm 1942 địch khủng bố, ông sang Thái Lan và Lào tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở trong Việt kiều. Tháng 3/1945, ông về nước tham gia thành lập Ban cán sự tỉnh Quảng Bình (sau là Tỉnh uỷ lâm thời), lập chiến khu, chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 8/1945, ông được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình. Từ năm 1946 đến năm 1948, ông lại tiếp tục các hoạt động cách mạng và giữ trọng. Từ năm 1951 đến tháng 01/1954, ông làm Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào. Từ tháng 02/1954 đến tháng 3/1956, ông phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết. Từ tháng 4/1956 đến năm 1960, ông lần lượt kinh qua các chức vụ Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958. Năm 1964, ông làm Tổng Tham mưu phó. Năm 1965, ông làm Chính uỷ Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào. Năm 1966, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương. Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Bộ Chỉ huy 559 kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tham gia cánh đường Quốc lộ 1. Gần 10 năm làm Tư lệnh Binh đoàn 559, ông đã cùng nhiều vị tướng lẫy lừng khác như Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính, Phan Khắc Hy... đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt trong mười lăm năm để biến con đường chỉ vai vác, lưng gùi và xe thồ thời dân công Điện Biên Phủ thành ra “Đường mòn Hồ Chí Minh” cơ giới, thành ra “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, thành ra đường ống xăng dầu dẫn vào tận Đông Nam Bộ, thành “Xương sống của cuộc chống Mỹ”, thì đó là một kỳ tích lịch sử có một không hai, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Con “đường mòn” vĩ đại ấy, cuối cùng có tới 14 tuyến với 20.000km đường bộ với 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa, 1.500km đường ống xăng dầu, 1.350km cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông.
Tháng 6/1976, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng. Từ năm 1977 đến tháng 02/1982, ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, ông được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Tháng 8/1979, ông được điều trở lại công tác tại Bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), ông được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Năm 1991, ông thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 "trồng bảo vệ rừng phòng hộ"; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ông được nghỉ công tác từ tháng 10/2006.
Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách Khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995
[2]. Báo Nhân dân, Tóm tắt tiểu sử ông Đồng Sỹ Nguyễn, http://nhandan.com.vn, 2019.
[3]. Tướng Đổng Sỹ Nguyên và kỳ tích đường Hồ Chí Minh, báo petrotimes.vn, 2019.