Phan Thanh (1908-1939) nhà báo, nhà hoạt động chính trị, bút danh là Trạc Anh. Ông sinh ngày 01 tháng 6 năm 1908 trong một gia đình nông dân, có truyền thống yêu nước ở làng Bảo An, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mất ngày 01 tháng 5 năm 1939 tại Hà Nội. Cha ông là Phan Định (1868 - 1929), thường gọi là Biện Chín, một người yêu nước, ghét Tây, tính tình khảng khái, đã từng cụp ô làm gậy phang vào cổ tên chủ đồn điền người Pháp khi bị hắn hống hách dọa nạt. Mẹ ông là Lê Thị Tiếu (1871 - 1947), con cử nhân Lê Dăng Cung, một nhà nho nổi tiếng trong vùng.
Lên tám tuổi, Phan Thanh (PT) vào học trường tiểu học ở làng. Sau khi tốt nghiệp Sơ học yếu lược, PT được gia đình cho ra Hội An học tiếp. Ông học giỏi, tốt nghiệp xuất sắc và nhận bằng tiểu học Pháp - Việt, rồi thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Những năm tháng học tại Trường Quốc học Huế, PT có điều kiện tiếp xúc với nhiều thanh niên có tinh thần yêu nước, được đọc những sách báo tiến bộ, qua đó giúp ông thấu hiểu sâu sắc hơn tình cảnh lầm than của nhân dân, nung nấu trong lòng câu hỏi phải làm gì để góp phần cứu nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
Năm 1926, PT tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, nhận bằng Cao đẳng Trung học Pháp - Việt và được điều đi dạy tại Trường tiểu học châu Ngọc Lặc, miền núi Thanh Hóa. Mấy tháng sau khi PT nhận việc, một cuộc bãi khóa nổ ra tại trường. Do nghi ngờ có liên quan đến cuộc bãi khóa đó, PT đã bị Khâm sứ Trung kỳ quyết định cách chức giáo học và sa thải, ông phải trở về quê. Trong thời gian này, PT kết hôn với Lê Thị Xuyến, nữ sinh Trường Đồng Khánh đã tốt nghiệp Thành trung và được giữ lại trường làm giáo viên.
Năm 1928, sau khi cưới vợ xong, PT một mình ra Hà Nội kiếm sống và lập nghiệp. PT chọn nghề dạy học trường tư, lúc đầu là Trường Gia Long, sau chuyển sang Trường Thăng Long, nơi có nhiều nhà giáo nổi tiếng làm việc, như: Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Bùi Kỷ, Tôn Thất Bình, Phan Anh, Phạm Huy Thông, v.v..
Ở Hà Nội, vừa dạy học kiếm sống, PT vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông tham gia thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ và được cử làm Thư ký của Hội; gia nhập Đảng Xã hội Pháp (SFIO) được cử làm Phó Thư ký Chi nhánh Bắc Đông Dương, Thư ký Chi đảng Hà Nội của SFIO. Năm 1937, PT được Mặt trận Dân chủ, một tổ chức do Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo, giới thiệu tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, trúng cử với số phiếu cao và được cử vào Đại hội đồng Kinh tế - Tài chính Đông Dương. Cuối năm 1938 và đầu năm 1939, PT hai lần ứng cử vào Hội đồng thành phố Hà Nội đều trúng cử với số phiếu cao.
Ngày 01 thấng 5 năm 1939, PT đột ngột ra đi mãi mãi do bạo bệnh khi mới ba mươi mốt tuổi. Báo Tiếng Dân số ra ngày 06 tháng 5 năm 1939 đưa tin: “ông Phan Thanh, dân biểu Trung Kỳ (địa hạt Đại Lộc, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã hai lần dự Đại hội đồng Kinh tế - Tài chinh Đông Dương, tạ thế tại nhà thương Hà Nội buổi sáng ngày 01.5 vì bệnh đau mụn ở sau lưng hưởng thọ 31 tuổi”. Báo Notre Voix đưa tin với hai dòng tít lớn: “Một lễ tang đồ sộ và cảm động. Hơn 10.000 người đã vĩnh biệt trọng thể đồng chí Phan Thanh”.
Ngay từ khi trên ghế nhà trường Quốc họ Huế, PT đã là người có cảm tình đặc biệt với tờ La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh. Trong một bài viết của mình, PT nói rằng ông đã đọc ngấu nghiến những bài trên tờ báo đó. Về sau, ông trở thành cộng tác của tờ L’Annam của Phan Văn Trường, chính là tờ La Cloche Fêlée đổi tên và những bài báo đầu tiên của PT cũng đăng trên báo L’Annam.
Khi ra Hà Nội, PT có điều kiện gặp gỡ, làm việc cùng nhiều trí thức yêu nước, hòa nhập bầu không khí của một trung tâm hàng đầu của cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ áp bức của đế quốc, phong kiến, nhất là những năm tháng sôi nổi thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương. PT viết bài cho các báo: Le Travaille, Ressemblement, Le Peuple, An Avant, Demain, Notre Voix, La Vie Républicaine, Thời thế, Tin tức, Đời nay, v.v.. Phần lớn những tờ báo do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương công khai hoặc chỉ đạo bí mật. Là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, người giỏi tiếng Pháp, nhiều bài báo của PT gây được tiếng vang, được nhiều người tìm đọc. Không chỉ viết báo, PT còn tham gia các phong trào vận động tổ chức hội nghị báo giới, tổ chức phát triển một số tờ báo và bị chính quyền Pháp theo dõi sát sao. Sogny - Chánh mật thám Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã viết trong một báo cáo: “Báo Notre Voix sống được là nhờ tinh thần hy sinh của một số chiến sỹ cách mạng và người cảm tình như mấy người sau đây đã giành một phần lương của mình, nộp vào quỹ báo khoảng 80 đồng/tháng: Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Phan Thanh...”.
PT còn tham gia hoạt động báo chí ở miền Trung, nhất là thời gian ông tham gia Viện Dân biểu Trung Kỳ. Nhất cử, nhất động của PT liên quan đến báo chí đều bị mật thám Pháp theo dõi. Báo cáo của Chánh mật thám Sogny ngày 17 tháng 6 năm 1938 ghi rõ “Theo nguồn tin đáng tin cậy, gần đây Phan Thanh dân biểu Trung Kỳ, giáo sư trường Thăng Long đã đến Huế làm việc với các đồng chí của mình để tổ chức lại tờ báo Dân của Nguyễn Đan Quế. Cũng Sogny trong báo cáo N.391 ngày 07.9.1938 còn cho rằng, PT là thành viên “Ban Trị sự, biên tập, tư vấn của báo Dân”.
Cuộc đời hoạt động xã hội và làm báo của PT rất ngắn ngủi nhưng đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong xã hội đương thời cũng như trong lịch sử báo chí yêu nước, cách mạng Việt Nam. Trong Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cuối tháng 7 năm 1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhắc đến đám tang của nhà hoạt động xã hội, nhà báo nổi tiếng PT và nhận xét: “Chưa bao giờ có một đám tang lớn như thế ở Hà Nội”.
Tài liệu tham khảo
- Hồ Chí Minh: Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, cuối tháng 7 năm 1939, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, HN, 2011, tr. 169-189.
- Phan Vịnh: Phan Thanh – Anh là ai?, Xuất bản lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2019.
- Đỗ Quang Hưng chủ biên: Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, Nxb Khoa học xã hội, HN, 2018.