Điều kiện hoá ức chế là hiện tượng ức chế phản xạ có điều kiện diễn ra ngay bên trong cung phản xạ (ức chế trong) khi kích thích có điều kiện không được củng cố bởi một kích thích không điều kiện.
Cơ sở sinh lý
Cơ sở sinh lý học của điều kiện hóa ức chế là tương tác giữa các quá trình hưng phấn và ức chế thần kinh trong não, nhằm hiện thực hóa mọi hoạt động, hành vi ở động vật và ở người, được thực hiện theo nguyên tắc điểm ưu thế. Sự xuất hiện một ổ hưng phấn ưu thế tại một vùng nào đó thuộc hệ thần kinh trung ương luôn xảy ra đồng thời với ức chế các vùng khác. Bất kỳ kích thích có điều kiện nào không được củng cố bằng phản xạ không điều kiện đều có thể tạo ra ức chế trên vỏ não. Trong các tình huống khác nhau, phản xạ có điều kiện có thể bị chèn ép hay không thể xuất hiện. Ức chế trong chỉ được tạo ra trong những điều kiện nhất định, mang tính tích cực, chủ động. Bản chất của ức chế trong là hiện tượng giải tỏa vỏ bán cầu đại não khỏi các đường liên hệ thần kinh tạm thời đã không còn có ý nghĩa về mặt sinh học.
Phân loại
Tùy thuộc vào cách không củng cố kích thích có điều kiện, người ta chia ức chế trong của phản xạ có điều kiện thành bốn loại khác nhau, đó là: ức chế dập tắt, ức chế chậm, ức chế phân biệt và ức chế có điều kiện.
Ức chế dập tắt: Xảy ra khi kích thích có điều kiện không còn được củng cố bởi kích thích không điều kiện. Ức chế dập tắt có các tính chất sau:
- Phản xạ có điều kiện càng mạnh thì càng khó dập tắt;
- Tốc độ dập tắt phụ thuộc vào cường độ của phản xạ có điều kiện;
- Tốc độ dập tắt phụ thuộc vào tần suất xuất hiện của tín hiệu có điều kiện;
- Sự dập tắt của một phản xạ dẫn đến sự dập tắt của những phản xạ khác, nhất là những phản xạ cùng kiểu;
- Ức chế có điều kiện diễn ra theo chu kỳ và có xu hướng tắt dần về 0;
- Ở những người dễ bị kích động, phản xạ có điều kiện khó bị dập tắt hơn.
Ức chế chậm: là sự kiềm chế trong hoạt động hàng ngày để có thể thực hiện các công việc một cách tốt nhất, các phản ứng trở nên chính xác, thận trọng. Ức chế chậm xuất hiện khi khoảng cách về mặt thời gian giữa các kích thích có điều kiện và tác nhân củng cố không điều kiện bị kéo dài ra hơn một phút.
Các tính chất của ức chế chậm:
- Kích thích có điều kiện càng mạnh thì càng khó phát triển ức chế chậm;
- Cường độ của phản xạ củng cố càng lớn thì càng khó đạt được phản xạ ức chế chậm;
- Ức chế chậm có thể được hình thành thông qua luyện tập;
- Nếu quá chú ý củng cố những phản xạ giống nhau hay phản xạ nhanh thì sẽ ngăn cản sự phát triển của ức chế chậm;
- Các đặc điểm cá nhân có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển của ức chế chậm.
Ức chế phân biệt: là dạng ức chế phát sinh khi ta cho kích thích có điều kiện tác dộng xen kẽ với một tín hiệu gần giống nó, với điều kiện là kích thích có điều kiện luôn được củng cố, còn tín hiệu gần giống nó thì không được củng cố bằng kích thích không điều kiện. Ức chế phân biệt có các tính chất sau:
- Kích thích phân biệt càng giống với kích thích tích cực chính thì càng khó phát triển;
- Để có ức chế phân biệt hoàn toàn, cường độ ức chế phải tương ứng với cường độ kích thích do kích thích có điều kiện gây ra;
- Sự phát triển của ức chế phân biệt diễn ra có tính chu kỳ. Điều này xảy ra là do ức chế phân biệt phải liên tục “vật lộn” với sự hưng phấn luôn đồng hành
- Ức chế tạm thời ban đầu của phản xạ có thể xảy ra trước khi ức chế phân biệt hình thành do ảnh hưởng của một ức chế bên ngoài.
Ức chế có điều kiện: là dạng ức chế xuất hiện khi ta không củng cố phức hợp tín hiệu với một kích thích phụ khác, trong khi chỉ riêng một mình tín hiệu (vẫn được củng cố) thì vẫn gây ra phản xạ có điều kiện. Kích thích phụ trở thành tác nhân gây ức chế có điều kiện. Trên thực tế, ức chế có điều kiện chỉ là một dạng của ức chế phân biệt. Muốn có được ức chế có điều kiện thì khoảng cách về mặt thời gian giữa các kích thích trong tổ hợp phải không được vượt quá 10 giây.
Tài liệu tham khảo
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Cotton, M.M., Goodall, G. & Mackintosh, N.J., Inhibitory conditioning resulting from a reduction in the magnitude of reinforcement, Quarterly Journal of Experimental Psychology, 34B, 1982, pp. 163 - 180.
- Mackintosh, N. J., The role of inhibitory associations in perceptual learning, Learning & Behavior, Vol. 27, 1999, pp. 333 - 345.
- Dickinson, A., & Balleine, B., The role of learning in the operation of motivational systems, In R. Gallistel (Ed.), Stevens' handbook of experimental psychology (3 ed., Vol. 3). New York: John Wiley & Sons, 2002, pp. 497 - 534.
- Bari, A., & Robbins, T. W., Inhibition and impulsivity: Behavioral and neural basis of response control, Progress in Neurobiology, 2013.
- Aron, A. R., Robbins, T. W., & Poldrack, R. A., Inhibition and the right inferior frontal cortex: One decade on, Trends in Cognitive Sciences, 2014.